Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 11 tháng 08 năm 2024,
Doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp tại Đà Nẵng: Mỏi mòn chờ được cấp sổ đỏ
Sơn Thuận - 11/08/2024 10:49
 
Nhiều chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp (KCN) tại Đà Nẵng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Họ đã nhiều lần kiến nghị và mòn mỏi chờ được giải quyết.
TIN LIÊN QUAN
Khu công nghiệp Hòa Cầm còn hơn 9 ha đất chưa được cấp sổ đỏ

Kiến nghị, rồi chờ

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2024 của Đà Nẵng vừa được tổ chức tiếp tục nóng với vấn đề cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp trong KCN. Thực ra, doanh nghiệp rất bức xúc với vấn đề này từ nhiều năm trước.

Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp được UBND TP. Đà Nẵng tổ chức cuối năm ngoái, ông Huỳnh Nhất Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH VAFI cho biết, Công ty mua đất của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) và đã thanh toán 95%, nhưng đến giờ vẫn chưa có sổ đỏ.

Theo ông Huy, gần 20 doanh nghiệp khác trong KCN Hòa Khánh mở rộng cũng trong tình cảnh tương tự.

“Rõ ràng, việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn phát triển thì phải vay vốn, song không có sổ đỏ thì rất khó vay vốn ngân hàng vì không có tài sản thế chấp”, ông Huy chia sẻ.

Do đó, doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo Thành phố xem xét và có hướng giải quyết. Đại diện Công ty TNHH VAFI cho rằng, việc giải quyết có thể chậm lại 1 - 2 năm, nhưng điều doanh nghiệp mong mỏi nhất là cần chốt thời gian cụ thể.

Tại hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, liên quan KCN Hòa Khánh mở rộng, Thanh tra TP. Đà Nẵng đã có kết luận.

“Nhà nước cho SDN thuê đất trả tiền hằng năm, SDN lại đi cho thuê trả tiền một lần thì việc cấp sổ đỏ hay không có sổ đỏ đều sai quy định”, ông Chinh nói. Ông khẳng định, quy trình cho thuê đất từ Thành phố đến SDN là đúng, nhưng từ SDN đến từng doanh nghiệp lại sai.

“Chúng tôi sẽ tổng hợp lại và có phương án xử lý từng trường hợp cụ thể. Nếu không nhìn nhận và rà soát lại thì đánh giá không khách quan, chứ không phải Thành phố, các sở, ngành thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm trong vấn đề này”, ông Chinh nêu hướng xử lý.

Sau hội nghị, phóng viên đã liên hệ với Tổng giám đốc Công ty TNHH VAFI để tìm hiểu thêm thông tin liên quan, song ông Huy phản hồi rằng, Chủ tịch Thành phố đã có ý kiến, nên “mình chờ lãnh đạo Thành phố xử lý”.

Và sau gần 1 năm, Thành phố vẫn chưa giải quyết xong việc cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp này.

Vẫn chưa biết khi nào

Vấn đề doanh nghiệp chưa được cấp sổ đỏ tiếp tục được đề cập tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2024 với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”. Hội nghị lần này do Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng (DHPIZA) tổ chức vào cuối tháng 7/2024.

Qua phóng sự được trình chiếu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bất động sản Sài Gòn (tại Khu công nghiệp Hòa Cầm) cho hay, năm 2019, ông ký hợp đồng thuê lại đất với Công ty cổ phần Đầu tư KCN Hòa Cầm, với diện tích đất hơn 1 ha.

KCN Liên Chiểu có hơn 55 ha chưa được cấp sổ đỏ, dù đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cũng như nghĩa vụ tài chính từ nhiều năm.

Đến nay, tất cả các hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng vẫn chưa có sổ đỏ. Không có sổ đỏ, doanh nghiệp chỉ được giải quyết cho thuê hàng năm, nên không thể đầu tư mở rộng sản xuất.

Không chỉ doanh nghiệp thứ cấp, mà các chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng rơi vào tình cảnh chưa được cấp sổ đỏ.

Cụ thể, theo Công ty cổ phần Đầu tư KCN Hòa Cầm (chủ đầu tư KCN Hòa Cầm), từ năm 2017 tới nay, việc cấp sổ đỏ đợt 3 với diện tích hơn 9 ha vẫn im ắng. Do không có sổ đỏ tổng, nên Công ty không thể tách sổ đỏ cho từng doanh nghiệp thuê lại đất. Công ty đã kiến nghị lên Thành phố và chờ được giải quyết.

Tình trạng trên cũng diễn ra tại KCN Liên Chiểu. Theo Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) - đơn vị chủ đầu tư, KCN này được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, có nhu cầu thuê đất, nhưng hiện có đến 40% diện tích đất đã hoàn thiện hạ tầng, nhưng không thể cho thuê.

Cụ thể, KCN Liên Chiểu có hơn 55 ha chưa được TP. Đà Nẵng cấp sổ đỏ, mặc dù SDN đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cũng như nghĩa vụ tài chính từ nhiều năm. Do chưa có sổ đỏ, SDN không thể triển khai cho thuê, gây lãng phí tài nguyên.

Tại Hội nghị, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban DHPIZA nhìn nhận, những khó khăn kéo dài rất nhiều năm của doanh nghiệp liên quan đến đất đai. Do đó, DHPIZA sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành báo cáo với UBND TP. Đà Nẵng. Trong kỳ họp tới của HĐND TP. Đà Nẵng, Ban Quản lý sẽ tổng hợp, chất vấn về nội dung này.

Giữ đúng lời hứa với doanh nghiệp, tại Kỳ họp thứ 19, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, chiều ngày 30/7/2024, ông Vũ Quang Hùng, với tư cách là đại biểu HĐND Thành phố trăn trở rằng, với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư hạ tầng kinh doanh trực tiếp, Thành phố rất nỗ lực tháo gỡ, nhưng “đến nay, chúng ta chưa giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, thủ tục pháp lý của doanh nghiệp”.

Ông Hùng dẫn chứng, KCN Hòa Cầm giai đoạn I, UBND TP. Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần 1 vào năm 2012, lần 2 vào năm 2013 (cho Công ty cổ phần Đầu tư KCN Hòa Cầm - PV) đối với phần đã được giải phóng mặt bằng hơn 110 ha. “Việc cấp sổ đỏ đợt 3 đã kéo dài hơn 7 năm và chúng ta vẫn chưa giải quyết xong, nhất là đối với phần diện tích 9,16 ha. Tại đây, có 7 doanh nghiệp đang hoạt động”, ông Hùng nói.

Dẫn chứng nữa được ông Hùng nêu ra là Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (DITP) vẫn chưa thể tách sổ đỏ, dù Công ty đã nộp tất cả hồ sơ.

Trưởng ban DHPIZA đề nghị, trong thời gian tới, Thành phố cần chỉ đạo tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc kéo dài trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các công ty kinh doanh hạ tầng KCN, các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất.

Liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp trong KCN, ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: “Thành phố ghi nhận và chỉ đạo các sở, ngành, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện tốt”.

Xem ra, doanh nghiệp lại phải tiếp tục chờ đợi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư