Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp TP.HCM "tố" khổ vì nhiều quy định “vẽ rắn thành rồng”
Trọng Tín - 07/09/2022 18:12
 
Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) vừa có băn bản kiến nghị cần sớm sửa đổi một số cơ chế, chấn chỉnh đội ngũ công chức nhằm cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố.

Văn bản được ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA ký, gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, kiến nghị cải thiện môi trường đầu tư tại TP.HCM.

“Chung bầu trời”, nhưng người khỏe mạnh, kẻ bị nghẹt thở

Theo HBA, nước ta và TP.HCM đang là “điểm đến” top đầu trong kinh tế toàn cầu và Đông Nam Á. Tuy nhiên, riêng Thành phố đang sút giảm, tính theo chỉ số cạnh tranh về môi trường đầu tư với các tỉnh, thành phố khác trong nước, đã tụt xuống hạng 7 rồi 14 và có thể còn tiếp tục... giảm.

“Cùng chung cơ chế, chính sách, pháp luật, “cùng chung bầu trời”, vậy tại sao người hít thở khoẻ mạnh, kẻ lại bị nghẹt thở?”, văn bản của HBA đặt vấn đề và cho rằng, trong 5 năm qua, nhìn chung tình hình thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp không mấy khả quan. Điển hình năm 2019, Heineken muốn đầu tư thêm một nhà máy bia, cần 20 ha đất tại TP.HCM. Cuối cùng họ ngậm ngùi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm nhà máy và hàng năm nộp 10.000 tỷ đồng tiền thuế.

Gần đây, nhiều câu chuyện điển hình y như vậy, nhưng khác là họ chuyển đầu tư sang quốc gia khác.

a
HBA cho rằng cần sớm cải thiện môi trường đầu tư để gia tăng sức cạnh tranh cho TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Nguyên nhân, đại diện cộng đồng doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất tại Thành phố cho rằng, nhìn thẳng vào sự thật, có vấn đề do cơ chế, nhưng cũng có nhiều vấn đề do con người.

Về cơ chế, đơn cử là Thông tư 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng và Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ về phòng cháy chữa cháy có quy định sơn nhà xưởng, cột kèo bằng sơn chống cháy làm chi phí tăng 50%.

Hay như Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định cơ chế ủy quyền cấp giấy phép về tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho các tỉnh, thành phố và xuống tận Ban Quản lý khu công nghiệp, nhất là các Ban Quản lý có đầy đủ năng lực đã tạo ra 2 lớp giấy phép khi thực hiện. Phải có "giấy phép con" của Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường thì Ban Quản lý mới cấp được sau thẩm định.

Ví dụ, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Sunshine Tech - Chi nhánh TP.HCM đổi tên là Công ty Unicloud - Chi nhánh TP.HCM đã làm thủ tục 2 năm, đến nay vẫn chưa nhận được giấy phép tác động môi trường. Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác từ lúc nộp hồ sơ đến nay đã 2 năm nhưng chưa được cấp phép.

Một bất cập khác được HBA đề cập là hệ số sử dụng đất trong công nghiệp quy định tại Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) là 70%, nhưng tại Khu công nghệ cao TP.HCM hiện nay chỉ 50%. Doanh nghiệp làm các mái che xe công nhân, ki-ốt, nhà vệ sinh đều buộc phải tính vào 50% diện tích xây dựng...

“Qua thực trạng và phản ánh của doanh nghiệp cho thấy có hiện tượng sợ trách nhiệm khi công chức thực thi nhiệm vụ, kể cả người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, còn có hiện tượng “vẽ rắn thành rồng”, quy định của Nhà nước được thêm thắt cho chặt chẽ đến mức thành nút thắt”, HBA nêu thực trạng.

Đơn cử cũng là nội dung “Điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000”, Khu chế xuất Linh Trung 3 tại Tây Ninh được giải quyết trong 2 tháng là có giấy phép. Nhưng cũng là “Điều chỉnh quy hoạch cục bộ” tại Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 tại Thành phố thì hơn 2 năm chưa có giấy phép.

Ngoài ra, qua phản ánh của các doanh nghiệp Khu công nghệ Cao, HBA cho rằng, Ban Quản lý và Phòng Xây dựng Khu công nghệ cao đã ban hành nhiều chi tiết ngặt nghèo trong triển khai cụ thể dự án của doanh nghiệp đến mức ảnh hưởng, xâm phạm đến chiến lược kinh doanh và bảo mật ngành nghề của doanh nghiệp.

Nêu cao vai trò người đứng đầu, tăng quỹ đất cho khu công nghiệp

Theo HBA, hiện nay, đã có Nghị định 35/2022/NĐ-CP về “Quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế”. Trong đó gồm 8 chương, 76 điều trong 69 trang, quy định và xử lý trên 200 vấn đề lớn nhỏ của khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ...

Tuy nhiên, Nghị định 35 là quyết tâm lớn của Chính phủ nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp, nhưng vẫn còn do con người thực hiện. “Người đứng đầu” sau khi được giao quyền, phân quyền, uỷ quyền có “dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong thực thi nhiệm vụ lại là vấn đề tiếp theo.

Vào tháng 7/2022 chỉ một bài phát biểu của một vị nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM tại cuộc hội thảo của Thành phố được tổ chức khu chế xuất Tân Thuận đã phát biểu: đề nghị chuyển đổi khu chế xuất Tân Thuận thành khu đô thị, làm cầu qua Thủ Thiêm, lấy khu này làm hậu cần cho Khu tài chính TP. Thủ Đức trong tương lai.

Lời phát biểu được đưa lên truyền hình. Lập tức giá nhà đất khu vực quận 7 tăng, tình hình đầu tư vào Khu chế xuất Tân Thuận giảm xuống và các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu chế xuất Tân Thuận rất hoang mang.

Ngoài ra, HBA cũng kiến nghị cần quán triệt nội dung tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong đó, HBA đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố “cán bộ là khâu then chốt, quyết định thành bại trong thực hiện mục tiêu”.

Theo HBA, giải pháp về con người, tốt nhất là giải pháp giáo dục, đào tạo nhân sự quán triệt, làm theo tư tưởng, quan điểm, tinh thần, đường lối, chính sách của Nghị quyết Đảng; Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, làm động lực phát triển. Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cho sự thành công của cán bộ, công chức và “người đứng đầu”.

Ngoài những kiến nghị liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu trong việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính, HBA còn kiến nghị Chính phủ quan tâm quy hoạch tăng thêm quỹ đất nhằm đầu tư xây dựng thêm các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu công nghệ cao.

Ngoài ra, HBA cũng xin gia hạn thêm thời gian hoạt động cho các khu chế xuất Tân Thuận, Khu chế xuất Linh Trung, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Tân Tạo, Tây Bắc Củ Chi, Lê Minh Xuân, Tân Phú Trung... Các khu công nghiệp này đa số đều tích cực chuyển đổi công nghệ thực hiện doanh nghiệp số... và đều có nguyện vọng xin gia hạn thêm 20 năm như luật định “Nhà nước cho thuê đất, giao đất không quá 70 năm”.

Để chính quyền đô thị TP.HCM phát huy hiệu quả
Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển cho TP.HCM; nâng cao tính tự chủ, tự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư