Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Để TP.HCM sánh vai với các thành phố lớn của châu Á: Cần “bệ đỡ” chính sách tầm chiến lược
Bảo Giang - Trọng Tín - 04/09/2022 11:35
 
Để tăng tốc phát triển trong giai đoạn tới, cần có nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, để tăng tốc phát triển trong giai đoạn tới, cần có nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết phải có tầm chiến lược cao, phù hợp xu thế phát triển mới.

PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

Sau nhiều năm phát triển, “đầu tàu kinh tế” TP.HCM đang có dấu hiệu hụt hơi, đặc biệt trong giai đoạn 2020-2021. Theo ông, lý do vì sao?

Với truyền thống năng động, sáng tạo, ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, TP.HCM đã xác định vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của cả nước, luôn tiên phong với những mô hình kinh tế mới, cách làm hay, sáng tạo. Tất cả được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố đưa vào cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian qua. Nhờ đó, quy mô kinh tế Thành phố ngày càng lớn mạnh, đóng góp 1/4 GDP và 26% ngân sách cả nước.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh, nhưng không được đầu tư đúng mức đã tạo ra những điểm nghẽn, làm chậm lại đà phát triển kinh tế của Thành phố. Đặc biệt, với quy mô dân số chiếm 9,46% cả nước, nhưng mật độ dân số gấp hơn 15 lần cả nước, TP.HCM là địa phương bị tác động nặng nề nhất từ cú sốc đại dịch Covid-19, ảnh hưởng mọi mặt kinh tế - xã hội, làm giảm sức chống chịu của nền kinh tế. Như vậy, có thể hiểu là các thách thức, điểm nghẽn đã và đang tồn tại, cộng dồn với tác động của đại dịch làm kinh tế Thành phố suy giảm nghiêm trọng trong 2 năm vừa qua.

Đóng góp đến 1/4 GDP, Chính phủ đã kỳ vọng vào sự phục hồi của TP.HCM sẽ có tác động rất lớn đến hành trình phục hồi kinh tế cả nước. Với trọng trách đó, theo ông, TP.HCM có cơ sở để thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra không?

Với ý chí tự lực, tự cường, TP.HCM đã bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh các giải pháp mở cửa dần nền kinh tế từ ngày 1/10/2021, với giai đoạn tiền thử nghiệm tại 3 địa phương đáp ứng tiêu chí của Bộ Y tế là quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, Thành phố khẩn trương xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2022 - 2025.

Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội Thành phố chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn phục hồi đến hết năm 2022.

Giai đoạn phát triển từ năm 2023 đến năm 2025 nhằm khơi thông các điểm nghẽn để phát huy các động lực tăng trưởng là thế mạnh của Thành phố; đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đột phá và đặc thù của đô thị đặc biệt để huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

Với sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực thống nhất cao, kinh tế TP.HCM đã dần tăng trưởng trở lại. Theo đó, quý I/2022 đạt 1,87%; quý II/2022 đạt 5,83%, dẫn đến tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3,82%. Có thể nói, đến nay kinh tế Thành phố đang phục hồi trở lại mốc trước đại dịch và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đang đi đúng hướng. Như vậy, Thành phố hoàn toàn có cơ sở đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2022.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương. Theo đó, đến năm 2025, TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Theo ông, để hiện thực hóa mục tiêu này, Thành phố sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết 16-NQ/TW (năm 2012) và Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/NQ/QH14 (năm 2017) về cơ chế đặc thù, tạo điều kiện để TP.HCM phát triển tương xứng với quy mô.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh Thành phố phải vực dậy nền kinh tế, cùng các diễn biến phức tạp về xu hướng địa chính trị toàn cầu, Thành phố đang đối mặt các thách thức, điểm nghẽn về thể chế - chính sách; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực, đang làm chậm đà phát triển. Nghĩa là, Thành phố rất cần sự ủng hộ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị để có những cơ chế đột phá hơn, xứng tầm quy mô đô thị.

Thưa ông, trong 3 vấn đề lớn trên, vấn đề nào là quan trọng nhất?

Tôi cho rằng, cả 3 vấn đề trên đều quan trọng và nó có sự tác động qua lại lẫn nhau. Khi thuận lợi về thể chế chính sách thì sẽ thu hút thêm được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho Thành phố. Vì vậy, tôi cho rằng, cả 3 vấn đề trên là 3 trụ cột quan trọng cần được đầu tư và tập trung tháo gỡ, cải cách quyết liệt, không chỉ từ Thành phố, mà cả các bộ, ngành trung ương cùng vào cuộc.

Thực tiễn đã chứng minh “chiếc áo chính sách” của Thành phố đã quá chật, chưa tạo được động lực tối đa để Thành phố tăng tốc. Do vậy, Trung ương đã “bật đèn xanh” để “may” một chiếc áo mới cho TP.HCM thông qua chuỗi hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/NQ/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Là cơ quan tham mưu cho Thành phố, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM có những kiến nghị trọng tâm gì về mặt cơ chế thay thế 2 nghị quyết trên?

Có thể nói, Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tháo gỡ một số điểm nghẽn về thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho Thành phố phát triển. Hơn nữa, ngày 24/10/2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 21/KL-BCT về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW. Trên cơ sở đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/NQ/QH14 với nhiều chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho Thành phố phát triển. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, nhưng TP.HCM vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, nguồn lực đầu tư đôi khi dàn trải, thiếu tập trung.

Trên cơ sở thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan, tôi cho rằng, ngoài nỗ lực vươn lên, đã đến lúc Thành phố cần có nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó phải là nghị quyết có tầm chiến lược cao, phù hợp xu thế phát triển mới, làm kim chỉ nam để Thành phố phát triển nhanh, bền vững, sánh ngang tầm các thành phố lớn khác trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á trong thời gian tới.

Nghị quyết 20-NQ/TW và Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tháo gỡ một số điểm nghẽn về thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển, trở thành đầu tàu kinh tế có vị trí quan trọng của cả nước.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương. Theo đó, đến năm 2025 (Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước), TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước…

Bên cạnh sự quyết tâm của lãnh đạo Thành phố, thực tế đã xuất hiện nhiều biến số quốc tế và nội tại khó lường (xung đột quốc tế, tác động từ đại dịch Covid-19…) đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế TP.HCM. Từ thực tế này cho thấy, đã đến lúc Thành phố cần một nghị quyết mới đủ tầm để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch và bứt phá trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI.
Trung tâm tài chính quốc tế: Chỉ thiếu một chữ “TIN” chưa dám bàn
Có lẽ điều mà trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam cần phải tập trung hướng tới nhiều hơn là phần hồn, chữ TIN, hơn là bàn quá nhiều về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư