Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp tuần qua: “Chênh vênh” sở hữu của HAGL tại HAGL Agrico, nhà đầu tư nhận "bom" cổ tức
Thanh Thủy - 11/08/2019 14:02
 
Sau giao dịch ngày 7/8, HAGL hiện còn sở hữu 51,04% HAGL Agrico. Nhiều khả năng, sau đợt chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu tới đây, HAGL Agrico không còn là công ty con của HAGL.

HAGL giảm sở hữu HAGL Agrico xuống 51,04%

Ngày 8/8, hai cổ đông CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HNG) thông báo đã hoàn tất giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO mua thêm 50 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu của cá nhân lên 80 triệu cổ phiếu (9,02%). Cùng với hai tổ chức liên quan gồm THACO và Trân Oanh, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông hiện là 18,76%. Trong khi đó, sau khi bán thỏa thuận 60 triệu cổ phiếu, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) giảm sở hữu còn 51,04%.Thông báo được đưa ra đúng tròn một năm THACO và HAG ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược, bước đi đầu tiên của một trong những thương vụ M&A nổi bật năm 2018 do MAF bình chọn.   

Trước đó, ngày 30/7, HNG cho biết sẽ thực hiện chuyển đổi trái phiếu phát hành cách đây một năm thành 221,71 triệu cổ phiếu vào ngày 9/8 (đến nay chưa có thông báo hoàn tất tăng vốn). Ngoài việc nâng vốn điều lệ từ 8.868 tỷ đồng lên 11.085 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này sẽ có sự thay đổi.

Trong khi nhóm ông Trần Bá Dương đang nắm giữ phần lớn trái phiếu sẽ tăng sở hữu lên 35%, ước tính HAGL giảm sở hữu xuống 40% nếu không thực hiện thêm giao dịch khác. Dù vẫn là cổ đông lớn nhất, HAG sẽ không còn là công ty mẹ, giảm sở hữu từ hơn 51% xuống 40% và không hợp nhất báo cáo tài chính của HNG trong trường hợp không có thêm các giao dịch mua vào cổ phiếu. HNG là công ty con lớn nhất của HAG, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng tài sản hợp nhất và đóng góp lớn vào doanh thu, lợi nhuận các năm.

Huy động vốn trái phiếu tiếp tục sôi động những thương vụ lớn

Chỉ riêng trong tuần, hai ngân hàng trong nhóm Big 4 đã đánh tiếng phát hành trái phiếu ra công chúng. Agribank chào bán trái phiếu với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, áp dụng lãi suất thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 1,2%/năm. Dù chưa có thông báo chào bán, BIDV cũng vừa cho biết sẽ ký hợp đồng với công ty con Chứng khoán BIDV để thực hiện hợp đồng tư vấn phát hành trái phiếu ra công chúng. Gần đây nhất, cuối năm 2018, BIDV cũng đã phát hành ra công chúng 4.000 tỷ đồng trái phiếu.

Trong khi đó, Vingroup lên kế kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với quy mô 750 triệu USD. Phương án này đang được trình cổ đông để lấy ý kiến, kỳ hạn cũng như mức lãi suất áp dụng chưa được thông tin. Ngoài Vingroup, VPBank, VIB và SHB cũng đang rục rịch cho kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế.

Đầu tháng 8, Mong Duong Finance - một tổ chức có liên quan đến Công ty TNHH Điện lực AES-TKV  Mông Dương, chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương II,  vừa niêm yết trái phiếu trên sàn chứng khoán Singapore với tổng giá trị 678,5 triệu USD. Cổ đông của doanh nghiệp này là 2 trong 3 cổ đông của Điện lực AES-TKV  Mông Dương.  Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu được dùng để mua lại khoản nợ vay từ các chủ nợ của Điện lực AES-TKV  Mông Dương. Do đó, khoản nợ vay lớn của doanh nghiệp 100% vốn ngoại này được chuyển từ chủ nợ cũ sang Mong Duong Finance và gián tiếp là các trái chủ mua trái phiếu của Mong Duong Finance.

Khối ngoại ròng rã bán hơn 1.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán tuần qua

Trên ba sàn chứng khoán tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ra tổng cộng 1.039 tỷ đồng, ghi nhận tuần bán ròng cao nhất từ đầu năm. Cổ phiếu nhiều doanh nghiệp lớn chịu áp lực lớn từ nguồn cung khối ngoại như Vietjet, Hòa Phát, Vinhomes, Vincom Retail

Ngoài ra, chứng chỉ quỹ ETF mô phỏng nhóm VN30 (E1VFVN30) cũng bị bán ròng hơn 13 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương 195 tỷ đồng. Báo cáo trong tuần, Vinacapital cho biết đã bán 156.350 cổ phiếu TIP của CTCP phát triển KCN Tín Nghĩa, qua đó giảm sở hữu còn 10,99%. Các quỹ do Dragon Capital cũng thông báo bán 360.000 cổ phiếu NKG, giảm sở hữu tại Thép Nam Kim xuống 17,94%.  

Thêm loạt doanh nghiệp chi cổ tức "khủng"

Tuần qua, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN) bất ngờ thông báo phương án chi trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ khủng 75%. Các cổ đông nhận về 1.752 tỷ đồng, riêng Bộ Công Thương thu 1.433 tỷ đồng. Lần trả cổ tức gần đây nhất của BHN là từ tháng 9/2017. Phương án phân phối lợi nhuận trình cổ đông các năm gần đây đều treo vì cần chờ ý kiến Bộ Công Thương. Nguồn chia cổ tức ngoài được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2017 (201 tỷ đồng), còn lấy từ  quỹ đầu tư phát triển và cổ tức được chia từ CTCP Bia Hà Nội Hải Dương theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

FPT Online (FOC)  cũng gây bất ngờ khi vừa chi trả cổ tức đợt 2/2018 hồi tháng 5 (80% bằng tiền), đã tiếp tục tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 với tỷ lệ 100%. Toàn bộ cổ tức đợt này đều chi trả bằng tiền. Đến cuối quý II, tiền và các khoản tiền gửi ngân hàng đạt 858 tỷ đồng trong tổng quy mô tài sản 1.021 tỷ đồng.

Khác với FOC, lượng tiền mặt của Vinacafe Biên Hòa (VCF) đến cuối quý II chỉ đạt 187 tỷ đồng, trong khi dự kiến chi trả 638 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức năm 2018 tỷ lệ 240% lần này. Tuy nhiên, có hơn 1.000 tỷ đồng tại VCF là khoản phải thu từ bán hàng hóa cho CTCP Hàng tiêu dùng Masan, bên sở hữu phần lớn cổ phần của VCF thông qua công ty con Masan Beverage. VCF sẽ dư dả lượng tiền sau khi thu lại được khoản vốn chiếm dụng cho người mua này.

Nhiều doanh nghiệp sắp chi cổ tức, tỷ lệ
Nhiều doanh nghiệp sắp chi cổ tức, tỷ lệ "khủng"

Khá nhiều giao dịch nội bộ được đăng ký thực hiện trong tuần qua với khối lượng đáng chú ý. Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP)  Nguyễn Thanh Tùng đăng ký bán 14,35 triệu cổ phiếu SIP, tương đương hơn 20% vốn điều lệ công ty nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Ước tính với giá đóng cửa 118.000 đồng/cp, cá nhân này có thể thu về gần 1.700 tỷ đồng nếu bán thành công. Cổ phiếu SIP lên sàn từ tháng 6/2019 với giá 17.200 đồng nhưng đã tăng gấp gần 6 lần trong hơn 2 tháng qua. Trước ông Tùng, hai Phó Tổng giám đốc khác của SIP cũng đã bán thành công cổ phần nhưng với số lượng quanh 100.000 cổ phiếu mỗi người.

CTCP Đầu tư Thành Thành Công cũng muốn bán ra lượng lớn 5 triệu cổ phiếu TID của Tổng công ty Tín Nghĩa để cơ cấu tài chính. Tuy nhiên, khối lượng cổ phiếu này mỗi phiên chỉ vài trăm cổ phiếu, thậm chí đa số phiên trắng thanh khoản, không dễ để Đầu tư Thành Thành Công bán khớp lệnh trên sàn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ở chiều mua vào, F&N Dairy Investments Pte. Ltd. vẫn kiên trì đăng ký mua 17,4 triệu cổ phiếu VNM dù đã có 5 lần mua bất thành từ đầu năm đến nay. Cả hai cổ đông ngoại F&N Dairy Investments PTE.LTD và Platinum Victory Pte. Ptd đều kỳ vọng sở hữu thêm cổ phần doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa này.

Agribank phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất dự kiến trên 8%
Agribank phát hành 5 triệu trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị lên tới 5.000 tỷ đồng, lãi suất luôn cao hơn 1,2%/năm so với mức trung bình lãi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư