Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt chủ động tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ
Thế Hải - 17/07/2020 16:14
 
Dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và Cục Xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp tronng nước đang nỗ lực kết nối để có thêm đơn hàng xuất khẩu từ thị trường Mỹ.
Thu hoạch vải thiều để xuất khẩu đi Mỹ tại Bắc Giang.
Thu hoạch vải thiều niên vụ 2020 để xuất khẩu đi Mỹ tại Bắc Giang

Tìm khách hàng mới

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Trung tâm Vietrade New York, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức "Hội nghị, giao thương trực tuyến: Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ" với kỳ vọng kết nối nhà cung cấp với bên mua hàng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp,

Gần 120 doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ cùng đại diện các cơ quan, tổ chức Xúc tiến thương mại Mỹ đã giao thương trực tuyến tìm kiếm các nhà cung ứng mới.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Washington khẳng định, với nền tảng 25 năm quan hệ  Việt Nam và Mỹ cùng những thành tựu thương mại, đầu tư, Việt Nam và Mỹ còn nhiều tiềm năng hợp tác toàn diện và tiếp tục thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tìm kiếm khách hàng, giao dịch thành công nhờ các hoạt động giao thương gián tiếp là cách mà doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, túi xách đã triển khai từ nhiều năm nay chứ không đợi đến khi có dịch mới sử dụng phương thức này.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường cho biết, với dệt may, vai trò của thương nhân đến giao thương trực tiếp, tức là phải đến Việt Nam làm việc mới ra hợp đồng là không phải là cơ chế hoạt động của ngành. "Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có quan hệ trong chuỗi cung ứng rất lâu dài, họ đã tổ chức đánh giá hà cung cấp hết rồi, và đã là ở trong chuỗi với nhau thì hoạt động đặt hàng toàn từ xa cả chứ không ai bay đến Việt Nam để ký hợp đồng".

"Nói cách khác, với nông sản, thương nhân có thể phải đến tận nơi xem chất lượng nông sản mùa này như thế nào mới quyết định mua còn dệt may lại không như vậy. Điều  mà chúng tôi thực sự quan tâm là các thị trường lớn của ngành như Mỹ, EU họ di làm lại bình thường chưa, bán lẻ trở lại thật sự chưa để từ đó tiên lượng tổ chức sản xuất", ông Trường nhấn mạnh.

Bà Bùi Kim Thúy, đại diện Công ty BT Natures cho biết, sau khi giao dịch với 5 khách hàng Mỹ tại Hội nghị trực tuyến Thúc đẩy thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, Công ty BT Natures và đối tác đang lên lịch đàm phán cho giai đoạn tiếp theo với đích đến cuối cùng là chốt được các hợp đồng trao đổi thương mại.

Tăng trưởng thương mại bền vững

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, những năm qua, Mỹ luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao, đạt mức 75,72 tỷ USD vào cuối năm 2019. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ và ở chiều ngược lại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.

Theo ông Phú, dịch Covid-19 đã khiến thương mại hàng hóa thế giới gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Chính vì vậy, tìm mọi kênh để kết nối giao thương, kích cầu tăng trưởng thương mại 2 chiều là nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam.

Điều quan trọng, việc tổ chức các hoạt động hội nghị, giao thương trực tuyến trong tình hình hiện tại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp an toàn hơn trong giao dịch xuyên biên giới, chuẩn bị sẵn tiềm lực ứng phó nhanh với các diễn biến thương mại, diễn biến thị trường sau khi dịch Covid-19 kết thúc.

Báo cáo của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN giảm 14% so với cùng kỳ 2019; EU giảm 8,8%; Nhật Bản giảm 2,3%, nhưng xuất khẩu sang Mỹ vẫn giữ được tăng trưởng, đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi sang nhiều thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao, Vina T&T Group cho biết, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu đặc biêt quan trọng với Công ty, kể cả giữa cao điểm dịch, hàng hóa nông sản của Công ty vẫn xuất khẩu sang Mỹ bình thường. Đến nay, doanh nghiệp đã khôi phục xuất khẩu rau quả được 90% so với trước khi bị dịch Covid-19.

Sau quá trình đầu tư công nghệ chế biến, mùa vải 2020, Vina T&T Group có thể bảo quản được trái vải tươi 45 ngày nên có thể đưa hàng sang Mỹ bằng đường biển, đường hàng không giúp quả vải đến tay người tiêu dùng tại Mỹ vẫn tươi ngon, giá cả hợp lý. Theo ước tính, trong mùa vải năm nay, Vina T&T thu mua khoảng 100 tấn vải gồm các giống Thanh Hà, u hồng và vải thiều chính vụ để xuất khẩu sang Mỹ.

Thaco tiếp tục xuất khẩu sơmi rơmoóc sang Mỹ
36 sơmi rơmoóc sản xuất tại Chu Lai đã được xuất khẩu sang một trong những thị trường khó tính nhất thế giới là Mỹ
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư