Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt nâng cao ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi vươn ra biển lớn
Nhung Bùi - 26/04/2023 17:10
 
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chú trọng hơn trong vấn đề xây dựng, bảo hộ thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.

Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), Amazon Global Selling Việt Nam đã công bố các xu hướng mới nhất về xây dựng, bảo hộ thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu trực tuyến của các đối tác bán hàng Việt Nam.

Theo Amazon, nhận thức của các đối tác bán hàng Việt Nam trong những vấn đề này ngày càng được cải thiện. Ví dụ, kể từ tháng 6/2020, Longevity Sea Grapes, thương hiệu rong nho của Việt Nam, đã đăng ký nhãn hiệu thành công tại Mỹ nhằm bảo vệ và củng cố uy tín của mình, cũng như tận dụng tối đa nhu cầu ngày càng tăng từ phía khách hàng toàn cầu. Hay vào tháng 3/2021, Tập đoàn An Phát Holdings cũng đăng ký thành công nhãn hiệu AnEco tại Mỹ, tạo bước tiến vững chắc để tăng cường phát triển dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn “Made in Vietnam”.

Dữ liệu của Amazon cho thấy trong ba năm qua, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đăng ký thương hiệu trên Amazon (Brand Registry) đã tăng gấp 7 lần và thời gian để đối tác bán hàng Việt Nam chuyển từ giai đoạn đăng ký tài khoản bán hàng đến đăng ký thương hiệu đã rút ngắn trung bình 85%.

Ngoài ra, các đối tác bán hàng Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến việc mở rộng toàn cầu, với 18,6% các đối tác bán hàng đã được bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cũng như các khu vực khác.

Theo một khảo sát gần đây của Amazon, bên cạnh tăng trưởng doanh số, việc xây dựng và phát triển thương hiệu toàn cầu cũng là một trong những động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập thương mại điện tử xuyên biên giới.

Điểm chung của những doanh nghiệp Việt thành công trên Amazon là sự đầu tư nghiêm túc vào việc đăng ký và xây dựng thương hiệu; tận dụng các công cụ của Amazon để tìm hiểu nhu cầu khách hàng, thu hút và thúc đẩy lượng truy cập vào cửa hàng trực tuyến, đồng thời nỗ lực nâng cấp hình ảnh, nội dung, câu chuyện về sản phẩm và thương hiệu.

Trong bối cảnh Việt Nam đang dần bước vào một giai đoạn mới của thương mại điện tử xuyên biên giới, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu trực tuyến ngày càng trở nên quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhìn nhận: “Đầu tư mạnh mẽ vào các quyền sở hữu trí tuệ là một động lực tích cực giúp kích thích năng lực đổi mới trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu, giúp các doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng và có hiệu quả với các quốc gia trên thế giới”.

Ông khuyên các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc hợp tác với các tổ chức và hiệp hội thương mại để hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Các doanh nghiệp có thể tìm hiểu hướng dẫn đăng ký, bảo vệ nhãn hiệu và bằng sáng chế của Bộ Khoa học và Công nghệ khi giới thiệu sản phẩm, dịch vụ ra thị trường trong nước, cũng như liên hệ các tổ chức quốc tế uy tín để được bảo hộ thương hiệu khi đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Về phần mình, Amazon cam kết nâng cao nhận thức và khả năng tuân thủ của các đối tác bán hàng, đồng thời thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu trực tuyến thông qua các công nghệ hiện đại, cũng như liên tục cung cấp các khóa đào tạo về bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp.

Mỹ đưa "Chợ mạng" của Tencent và Alibaba vào danh sách vi phạm sở hữu trí tuệ
Các trang thương mại điện tử do Tencent và Alibaba điều hành đã bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách "các chợ mạng vi phạm sở hữu trí tuệ quy mô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư