Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt và cơ hội trong Dự án Điện Hạt nhân
Thanh Hương - 28/11/2014 09:22
 
Diễn đàn các nhà cung ứng công nghiệp hạt nhân Atomex Asia được tổ chức tại Việt Nam có mục tiêu giới thiệu với các nhà thầu về dự án điện hạt nhân mà Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga Rosatom tham gia để tìm những cơ hội kết nối trong tương lai. Báo Đầu tư điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nikolay Drozdov, Giám đốc Khối Phát triển Quốc tế của Rosatom về quá trình triển khai Nhà máy điện Hạt nhân Ninh Thuận 1.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Khai trương phòng trưng bày điện hạt nhân
Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác với LB Nga
Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân
Đà Lạt: Thêm lò phản ứng hạt nhân thứ hai
Tận mắt khám phá Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một lĩnh vực mới mà các công ty Việt Nam chưa từng tham gia. Vậy các doanh nghiệp thầu phụ được chọn sẽ gặp khó khăn gì và sẽ phải chuẩn bị những gì?

Các doanh nghiệp thầu phụ muốn tham gia dự án phải nắm được quy trình tuyển chọn nhà thầu của Rosatom. Quy trình này không quá phức tạp hay đặc biệt nhưng có những nguyên tắc cụ thể.

Thứ nhất, nguyên tắc xây dựng hệ thống tuyển chọn nhà thầu phụ dựa trên cơ sở minh bạch, trung thực, dễ hiểu và tất cả các lĩnh vực thầu có khối lượng như nhau. Chúng tôi sẽ đăng tải trực tuyến hồ sơ mời thầu, điều kiện mời thầu và thông tin các gói thầu.

Thứ hai, vô cùng quan trọng là đảm bảo chất lượng. Đối với nhà máy điện hạt nhân, yếu tố an toàn, chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Các dự án điện hạt nhân hiện nay của Rosatom đều thoả mãn tất cả các yêu cầu về an toàn trên thế giới, đặc biệt sau sự cố Fukushima. Để đảm bảo độ an toàn cao, chúng tôi đặt ra yêu cầu cụ thể đối với tất cả các đơn vị muốn tham gia.

  Doanh nghiệp Việt và cơ hội trong Dự án Điện Hạt nhân  
  Ông Nikolay Drozdov, Giám đốc Khối Phát triển Quốc tế của Rosatom  

Chúng tôi hiểu các công ty thiết kế, xây dựng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đều rất mới mẻ khi tham gia dự án nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm ở Nga cũng như nước ngoài, các đơn vị từng thiết kế, xây dựng hay cung ứng vật tư cho các công trình thuộc lĩnh vực năng lượng thì đều có năng lực.

Việt Nam có rất nhiều đơn vị rất có kinh nghiệm trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện lớn. Theo kinh nghiệm của tôi, họ đều có đủ năng lực. Quan trọng nhất là họ có nguyện vọng tham gia dự án hay không. Khi tham gia dự án, các đơn vị đó phải sẵn sàng cho các khoản đầu tư nhất định như nâng cấp cơ sở hạ tầng hay đào tạo nhân lực.

Dựa trên kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc và Ấn Độ, tôi có thể đưa ra con số sơ bộ từ 30% đến 40% là tỷ lệ nội địa hoá dễ đạt được. Nguyên tắc của Rosatom là không hạn chế số lượng các doanh nghiệp tại nước sở tại tham gia dự án. Tuy nhiên, một số thiết bị chuyên dụng chỉ sản xuất tại Nga như thiết bị chính của lò phản ứng chiếm khoảng 25% giá trị nhà máy điện hạt nhân. Đây là những thiết bị đóng vai trò cốt lõi trong nhiệm vụ đảm bảo an toàn.

Về lý thuyết, ngoài 25% kể trên, các doanh nghiệp tại nước sở tại có thể đảm nhiệm phần còn lại nếu họ đủ năng lực. Hạn chế ở đây không đến từ phía chúng tôi, mà là các đơn vị thầu phụ có đủ năng lực đảm nhiệm hay không.

Diễn đàn Atomex Asia không chỉ đưa ra những yêu cầu và quy trình tuyển chọn nhà thầu phụ của Rosatom mà còn là dịp để chúng tôi đánh giá mức độ quan tâm cũng như độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tiến độ dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, phần công việc của Rosatom triển khai hiện nay đến đâu, thưa ông?

Rosatom, cụ thể là liên doanh E4, đã thực hiện xong báo cáo nghiên cứu khả thi. Tài liệu này đã được bàn giao cho chủ đầu tư thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 vào tháng 12/2013 và giai đoạn 2 vào tháng 10/2014. Hiện nay, chủ đầu tư đang nghiên cứu tài liệu này. Sau khi chủ đầu tư trình Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và báo cáo này được phê duyệt, Rosatom sẽ thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.

Tập đoàn Rosatom đứng trên lập trường là thực hiện dự án nhanh nhưng yếu tố không được bỏ qua đó là tính an toàn.

Về an toàn, tất cả các vấn đề liên quan đến nhà máy điện hạt nhân được phải được nghiên cứu rất kỹ lưỡng không chỉ bởi Rosatom, nhà thiết kế xây dựng, mà cả chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Nếu chủ đầu tư hay cơ quan pháp quy của Việt Nam cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu các tài liệu khả thi, chúng tôi tôn trọng các quyết định này.

Tiến độ của Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 hiện nay đã có điều chỉnh lùi lại. Điều này có ảnh hưởng gì các công việc mà Rosatom đang triển khai hay không?

Hiệp ước liên Chính phủ xác định khung thời gian từ năm 2014 đến năm 2021 cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Rosatom có khả năng thực hiện tiến độ này, tuy nhiên lộ trình sẽ do chủ đầu tư quyết định và chúng tôi không thúc ép tiến độ. Rosatom có cách nhìn lạc quan khi làm việc với chủ đầu tư và hy vọng rằng năm sau chúng tôi sẽ ký được những hợp đồng đầu tiên. Xin nhấn mạnh lại rằng, chúng tôi sẽ tuân theo quyết định của chủ đầu tư nếu khung thời gian được lùi lại theo yêu cầu.

  Dự án Điện Hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam  
     

Một thế mạnh của Rosatom đó là khả năng cộng tác tích cực với các công ty địa phương có năng lực làm thầu phụ cho dự án. Diễn đàn Atomex Asia là kênh tiếp cận với các công ty có nguyện vọng làm thầu phụ, đặc biệt trong ngành xây dựng. Dự án khi được thực hiện sớm thì các doanh nghiệp thầu phụ Việt Nam sẽ sớm thực hiện hợp đồng hợp tác, sớm có điều kiện tham gia một công trường lớn, dự án dài hạn có nguồn kinh phí ổn định. Do vậy, chúng tôi thấy rằng, nếu có thể thực hiện dự án này sớm, trong lộ trình cho phép, thì sẽ có lợi cho các đơn vị kinh tế của Việt Nam và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một quá trình rất phức tạp, đòi hỏi phải tuân thủ quy trình do pháp luật Việt Nam quy định, đồng thời, nghiên cứu kỹ lưỡng những vấn đề liên quan đến điện hạt nhân. Theo chúng tôi, đây là sở trường của chủ đầu tư, chính vì thế, chủ đầu tư sẽ có những quyết định phù hợp.

Gần đây, Hoa Kỳ đã ký Hiệp định cung cấp hạt nhân dân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định 123), mở đường cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia vào việc bán công nghệ điện hạt nhân cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Rosatom có những lợi thế gì về công nghệ, tài chính để cạnh tranh với các đối thủ khác?

Trước tiên, tôi xin khẳng định Rosatom đang cạnh tranh trực tiếp và rất hiệu quả với các công ty trong ngành công nghiệp hạt nhân Hoa Kỳ cả về xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng như một số lĩnh vực khác trên toàn thế giới.

Trong khoảng 10 năm qua, chúng tôi tự hào đã không thất bại trong bất kỳ cuộc đấu thầu quốc tế nào, kể cả các cuộc đấu thầu có doanh nghiệp Hoa Kỳ cùng tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định tất cả các đơn vị tham gia đấu thầu các dự án điện hạt nhân đều là những đơn vị rất lớn và có uy tín. Những đơn vị đó đều có ưu điểm về mặt kỹ thuật và có đề xuất thương mại rất hay. Trên thực tế, chúng tôi không chỉ là đối thủ cạnh tranh với nhau mà còn có thể học hỏi lẫn nhau. Có cạnh tranh thì thị trường mới mở rộng và tất cả những đơn vị trong ngành công nghiệp hạt nhân đều mong muốn thương trường phát triển.

Đối với Việt Nam, chúng tôi không chỉ đề xuất một nhà máy điện hạt nhân - giải pháp năng lượng - mà còn cung ứng nhiên liệu hạt nhân, bảo đảm thu hồi nhiên liệu đã qua sử dụng về Nga, đồng thời đề xuất dịch vụ vận hành và hỗ trợ. Qua đó, chủ đầu tư sẽ không chỉ xây một nhà máy điện hạt nhân, mà còn ký một hợp đồng lâu dài thu hồi nhiên liệu đã qua sử dụng. Điều đó giúp chủ đầu tư có thể tính ra ngay chi phí điện sẽ là bao nhiêu. Đây là giải pháp đầu tiên trong 5 giải pháp thuộc gói tổng thể.

Giải pháp thứ 2 là giải pháp công nghệ hoá, liên quan đến việc nội địa hoá trong quá trình xây dựng và cung ứng vật tư. Xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ tác động, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, khoa học, hay mạng lưới điện tập trung ở xung quanh khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Theo đánh giá của chúng tôi, 1 việc làm trong nhà máy điện hạt nhân sẽ tạo ra 5 việc làm khác trong các lĩnh vực liên quan. Đây là một hệ số rất cao.

Giải pháp thứ 3 là cung cấp vốn cho dự án. Chúng tôi bảo đảm một nguồn vốn phù hợp cho dự án, dưới nhiều dạng và điều kiện cấp vốn khác nhau, nhưng có lẽ thuận lợi nhất cho chủ đầu tư là hình thức cấp vốn cấp nhà nước do lượng vốn rất lớn và phần trăm tín dụng khá thoải mái.

Giải pháp thứ 4 là đào tạo nhân lực. Từ thời kỳ Liên Xô đến nay, hai nước Việt Nam - Nga vốn cộng tác rất nhiều trong lĩnh vực đào tạo nhân lực cho công nghiệp, nông lâm lẫn năng lượng. Nga đã và đang đào tạo rất nhiều sinh viên Việt Nam chuyên ngành năng lượng và điện hạt nhân. Ngoài ra, công nhân, kỹ sư có kinh nghiệm đã trực tiếp tham gia vào dự án nhà máy điện hạt nhân tại Nga.

Tại nhà máy điện hạt nhân Rostov, tôi đã gặp gần 150 kỹ sư Việt Nam đang thực tập. Tháng 12/2014, chúng tôi sẽ khởi động tổ máy số 3 nhà máy điện Rostov, nơi các kỹ sư Việt Nam đang làm việc. Các lãnh đạo của nhà máy Rostov đều đánh giá cao về năng lực và kỷ luật lao động của họ.

Giải pháp thứ 5 trong gói đề xuất tổng hợp là phát triển cơ sở hạ tầng. Rosatom hỗ trợ cơ quan pháp quy Việt Nam phát triển hệ thống văn bản pháp quy đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá điện hạt nhân.

Năm đề xuất nói trên đã được Rosatom áp dụng dần ở Việt Nam, trong đó, công đoạn nội địa hoá đang tiến hành triển khai.

Nói cách khác, chúng tôi không e ngại sự cạnh tranh với đơn vị nào và hoàn toàn tự tin về tính cạnh tranh của công nghệ Nga.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư