Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Doanh nghiệp xuất khẩu đón sóng hồi phục
Thế Hoàng - 02/05/2024 10:38
 
Xuất khẩu hàng hóa hồi phục nhanh và rõ đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo, điển hình là điện tử, đồ gỗ, giày dép, trong khi nhóm nông sản tiếp tục duy trì “phong độ”.

Đón sóng hồi phục

Đi qua chưa đầy 4 tháng của năm 2024, nhưng mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện đã mang về doanh thu xuất khẩu 18,87 tỷ USD, tăng 34,78% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đứng thứ hai, với kim ngạch đạt 16,18 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD. Còn xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 12,63 tỷ USD, đứng thứ 3, tăng 10,3%, tương ứng tăng thêm 1,18 tỷ USD.

Tính đến ngày 15/4, riêng 3 mặt hàng trên đóng góp cho xuất khẩu gần 45 tỷ USD.

Nhóm nông, lâm, thủy sản trong quý I/2024 ghi nhận tăng trưởng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cà phê tăng 54,2%, gạo tăng 40%, chè các loại tăng 27%, rau quả tăng 25,8%, nhân điều tăng 20,5%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 21,1%.

Tổng cục Hải quan ước tính, từ đầu năm đến ngày 15/4, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 107,82 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 4/2024 do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho thấy sự hồi phục xuất khẩu ở hầu hết sản phẩm công nghiệp chế tạo chính, như máy tính, điện thoại, hàng dệt may, giày dép.

Nhu cầu bên ngoài tăng lên đã tác động mạnh đến xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu trong quý I/2024 tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước, nhờ xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu tăng mạnh.

Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ quý I/2024 đạt 25,77 tỷ USD, tăng 24,2% (tương ứng tăng 5,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường Mỹ đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

EU là thị trường có đóng góp lớn thứ hai vào tăng trưởng xuất khẩu của nước ta, vượt qua Trung Quốc và ASEAN, đạt 12,2 tỷ USD, tăng 17,4% (tương ứng tăng 1,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo hiện chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu và dự kiến tăng trưởng khả quan hơn trong 2 năm tới, khi nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia đối tác thương mại lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc tăng lên.

Vượt qua trở ngại

Xuất khẩu, tiêu dùngđầu tư đang có những dấu hiệu hồi phục, tạo động lực cho tăng trưởng năm 2024. Nhưng, chuyên gia của WB cũng lưu ý kịch bản ngoài ý muốn khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến, làm giảm nhu cầu của nước ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Dẫn chứng là Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) dao động quanh mức 50 trong quý I/2024 cho thấy sự phục hồi còn khá mong manh.

Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị và thiên tai gia tăng sẽ làm tăng rủi ro cho Việt Nam.

Lúc này, dù đơn hàng đang trở lại, nhưng về tổng thể, cầu hàng hóa toàn cầu vẫn yếu, chỉ là khá hơn năm ngoái, chứ chưa quay lại như năm 2022. Chưa kể, các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu đang có xu hướng tăng.

Mới nhất, xơ sợi xuất khẩu liên tiếp bị khởi xướng điều tra tại Mỹ và Brazil. Năm 2023 phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu nước ta.

Ngành tôm tạo doanh thu xuất khẩu năm cao điểm trên 4 tỷ USD cũng vướng vụ kiện chống trợ cấp ở thị trường Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ mới đây công bố mức thuế sơ bộ vụ kiện này là 2,84%. Mức thuế này dù thấp hơn so với ngành tôm Ấn Độ và Ecuador, nhưng vẫn là lực cản không nhỏ.

Tại Hàn Quốc, tôm xuất khẩu của Việt cũng đang hẹp đường vì cơ chế hạn ngạch. Theo cam kết về hạn ngạch tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (KVFTA), hiện còn 7 dòng sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất sang Hàn Quốc chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế hạn ngạch (hạn ngạch miễn thuế hiện là 15.000 tấn/năm), khối lượng sản phẩm nhập khẩu vượt quá hạn ngạch phải chịu thuế 20%. Với thực tế này, nhà nhập khẩu Hàn Quốc ưu tiên mua tôm từ Peru vì thuế 0%.

Nhìn rộng ra với các ngành hàng khác, dự báo vẫn còn nhiều thách thức do nhiều nguyên nhân như bất ổn địa chính trị và căng thẳng liên tục leo thang tại nhiều khu vực trên thế giới, chi phí đầu vào tiếp tục tăng (điện, dầu, vận tải), chi phí nhân công gia tăng từ ngày 1/7/2024, áp lực cạnh tranh về lao động…

Trong điều kiện thị trường ngày càng bất định, các doanh nghiệp sản xuất cho hay, họ chú trọng nhiều hơn vào việc mở rộng tệp khách hàng, thị trường và quản trị rủi ro, tập trung hiện đại hóa sản xuất, đáp ứng các yêu cầu mới từ các nhà mua hàng toàn cầu.

Nghịch lý với doanh nghiệp xuất khẩu cà phê: Càng bán càng lỗ
Giá cà phê nguyên liệu tăng cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào khó khăn, thậm chí thua lỗ nặng, vì phải mua giá cao để đảm bảo giao hàng đủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư