Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp xuất khẩu "long đong" tìm đường về thị trường trong nước
Gia Hân - 06/04/2024 07:45
 
Doanh nghiệp xuất khẩu quay về thị trường nội địa với mong muốn chiếm lĩnh “miếng bánh” sân nhà, bù đắp vào khoản thất thoát của xuất khẩu do tác động thị trường. Tuy nhiên đường về của các doanh nghiệp này chưa dễ dàng.

Từng bỏ thị trường nội địa, giờ tìm cách quay về

Mệnh danh là “ông vua” xuất khẩu nông sản của Việt Nam với các mặt hàng chủ lực như tiêu, cà phê, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group thời gian gần đây liên tục có các động thái mở rộng kinh doanh, cung ứng ra thị trường nội địa sản phẩm vốn trước nay đã định vị được thương hiệu trên nhiều quốc gia. 

Dù đang có đơn hàng xuất khẩu rất lớn nhưng bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Bình Tây Food vẫn muốn chiếm lĩnh cả thị trường trong nước, nơi mà trước đây doanh nghiệp bà đã bỏ ngỏ. (Ảnh: Gia Hân)

Động thái rõ nhất là thời gian qua, Phúc Sinh liên tục cho ra mắt các thương hiệu cửa hàng, sản phẩm cà phê, trà như KCOFFEE, Cascara…Đáng nói, đại diện doanh nghiệp này còn dự kiến sẽ là mở rộng 300 cửa hàng KCOFFEE (bao gồm mô hình quán cà phê truyền thống và shop-in-shop) tại Việt Nam trong năm 2024.

Một doanh nghiệp khác, có hơn 50 năm hoạt động với những thương hiệu quen thuộc một thời với người dùng trong nước như mì chay lá Bồ Đề, mì hai con tôm, bún Nàng Hương…hiện lại chiếm tới 80% thị phần xuất khẩu.

Bà Lê Thị Giàu – Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Bình Tây (Bình Tây Food) cho biết, hiện Bình Tây Food đã kín đơn hàng cho cả năm, thậm chí phải mở rộng cơ sở sản xuất để cung ứng cho nhu cầu vốn rất lớn của nước ngoài. Tuy nhiên, nhận diện được tiềm năng cũng như mong muốn cung cấp sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn cho khách hàng trong nước. Trong 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp này đang dần có những chiến lược tái định vị lại thương hiệu vốn sẵn có của mình trên chính “sân nhà”.

“Riêng ở thị trường nội địa, chúng tôi đã đưa các sản phẩm của thực phẩm Bình Tây có mặt tại các hệ thông như Top Market, Family Mart, Coop Mart...và thời gian tới cũng sẽ vào chuỗi siêu thị Go!”, bà Giàu cho hay.

Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp gặp khó tại các thị trường xuất khẩu nên quay về tìm thị phần trong nước nhằm bù đắp vào khoản thất thoát. Điển hình như nước đi của Công ty cổ phần Nam Việt (Navico), do hụt đơn hàng xuất khẩu thuỷ sản đã quay về tìm đối tác nội địa với mục đích đẩy nhanh tiêu thụ cá tra đã đến lứa thu hoạch doanh nghiệp này đã ký kết hợp đồng tiêu thụ 300 tấn cá tra trong 3 tháng với một hệ thống bán lẻ lớn. Tuy nhiên, quá trình hợp tác trên sân nhà cũng nhiều gian truân. 

“Đường về” không dễ 

Trước bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động như hiện nay, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu đều gặp khó. Việc quay về chinh phục thị trường trăm triệu dân trong nước là  bài toán được nhiều doanh nghiệp tính đến. Tuy nhiên việc thực hiện không phải dễ.

“Đường về” của doanh nghiệp thực sự không dễ, bởi dù các sản phẩm của Phúc Sinh Group đã được xuất khẩu đi hơn 120 nước trên thế giới như Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nga, Trung Đông, Úc, châu Á…với sản lượng và giá trị luôn ở top đầu. Nhưng “ông vua xuất khẩu nông sản” cũng chỉ rõ, với Phúc Sinh, dù có khá nhiều kinh nghiệm về làm sản phẩm chế biến sâu tuy nhiên không phải sản phẩm nào ra mắt cũng bán được ngay lập tức. 

“Phúc Sinh cũng gặp nhiều thách thức khi đầu tư vào nhiều sản phẩm đa dạng và khác biệt thì sẽ phải tốn rất nhiều tiền và cũng không hề dễ dàng trong phân phối sản phẩm giá trị cao nhất là ở thị trường nội địa”, ông Thông nói.

Đồng thời, ông Thông chia sẻ, mở rộng thị trường sẽ giúp doanh nghiệp tự chủ trong sản xuất, tăng thời hạn bảo quản của sản phẩm nông sản, tránh được tình trạng bị ép giá, rớt giá

Vì thế, dù là doanh nghiệp có tới 99% doanh thu từ hoạt động xuất khẩu bên cạnh chú trọng phân khúc này hiện nay Phúc Sinh đã có sự quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa. 

Còn với Navico, dù tìm được đối tác để giải quyết tồn kho nhưng quy trình nuôi trồng, sản xuất cung ứng cho các đơn hàng xuất khẩu lớn nay phải thay đổi sang “bán lẻ” khiến doanh nghiệp gặp khó và phải đầu tư thay đổi, tinh gọn.

Với Bình Tây Food, bà Lê Thị Giàu cho biết thị trường nội địa tuy có lượng khách hàng tiềm năng rất lớn nhưng hiện doanh nghiệp của bà đã đầu tư 2 nhà máy tiêu chuẩn quốc tế hàng chục triệu USD, cộng thêm nguồn nguyên liệu đầu vào nhất là gạo liên tục đội lên cao thì giá thành sản phẩm buộc không thể nằm ở mức trung bình thấp – mức giá mong muốn của phần lớn người dùng nội địa trước bối cảnh kinh tế khó khan, thắt chặt chi tiêu.

Thêm một khó khăn hiện hữu nữa là Bình Tây đang trong giai đoạn tái định vị thương hiệu sau nhiều năm đẩy mạnh xuất khẩu thì hiện nay những “Mì hai con tôm”, mì chay Bồ Đề cùng với bún Nàng Hương là thương hiệu quen thuộc hàng chục năm trước đây lại ít được người dùng trẻ tuổi nhận diện.

Thêm một điểm khó khi các doanh nghiệp “sừng sỏ” gặp khó ngay trên sân nhà bởi sự cạnh tranh không chỉ với các doanh nghiệp nội địa mà còn với cả những doanh nghiệp nước ngoài đã và đang mong muốn chiếm lĩnh thị phần hơn 100 triệu dân nhiều tiềm năng, nhất là về thực phẩm tiêu dùng, bán lẻ.

Thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam
Ngày 29/8, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư