Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Doanh nhân Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Cao su Đà Nẵng: Quả ngọt sẽ đến từ những ngày cháy hết mình với đam mê
Thanh Thủy - 15/02/2024 12:11
 
Với vị thuyền trưởng Lê Hoàng Khánh Nhựt của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, cơ hội đang chín muồi cho các kế hoạch đi xa hơn, bước chân vào những thị trường khó tính.
Doanh nhân Lê Hoàng Khánh Nhựt

Bước chân tới thị trường Mỹ

Cuối tháng 10/2023, trong khuôn viên rộng hơn 2 triệu feet vuông, tương đương 26 sân bóng tiêu chuẩn, tại TP. Las Vegas (bang Nevada, Mỹ), gian hàng của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) như một chấm nhỏ, bên cạnh hơn 2.600 hãng xe, hãng độ xe, nhà sản xuất và phân phối săm lốp, linh kiện/phụ tùng ô tô.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt vẫn nhớ cảm giác háo hức khi lần đầu có mặt tại SEMA Show - một trong những triển lãm chuyên ngành ô tô lớn nhất thế giới trong vai trò là người trong cuộc.

“Trong hơn 160.000 lượt khách tham quan của SEMA Show 2023, tôi không biết bao nhiêu người đã dừng lại ở gian hàng của chúng tôi, nhưng chúng tôi rất bận rộn đón khách. Họ hỏi hiểu về sản phẩm, về ‘Made in Việt Nam’. Từ sau Tết Dương lịch đến giờ, lịch tiếp khách hàng từ thị trường Mỹ dày đặc”, ông Nhựt chia sẻ, với nhiều kỳ vọng. Khả năng DRC tiếp tục bứt phá nhờ sự gia tăng thị phần tại Mỹ đang hiện hữu.

Cũng phải nói thêm, xuất khẩu săm lốp DRC sang Mỹ là điểm sáng trong bức tranh chung ảm đạm của năm 2023. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của cả nước giảm 4,4%, con số DRC đạt được tại thị trường Mỹ lên tới 22%. Đây chính là động lực tăng trưởng của Cao su Đà Nẵng trong một năm mà theo đánh giá của vị thuyền trưởng DRC là “quá thách thức”.

Trước đó, đầu quý II/2023, DRC đối diện thách thức “kép” từ thị trường khi Brazil - điểm đến xuất khẩu lớn nhất của DRC áp mức thuế nhập khẩu săm lốp từ 0% lên 16%, trong khi thị trường nội địa giảm sâu do nền kinh tế Việt Nam chưa phục hồi mạnh. Đó là chưa kể sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhắc lại thời điểm này, ông Nhựt vẫn tin rằng, chìa khóa để hóa giải là những điều tưởng như rất lý thuyết, nhưng rất hiệu quả. Đó là sự linh hoạt về giá, về cơ chế hợp tác với các nhà phân phối. Đặc biệt, con người luôn là gốc rễ của sự thành công.

“Chúng tôi ‘sống’ bằng sản phẩm, nên nguồn nhân lực là cốt lõi. Cùng đó, việc kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng trong gần 50 năm tạo nên uy tín và thương hiệu của DRC, giúp Công ty không phụ thuộc hoàn toàn vào chiến lược hạ giá sản phẩm”, ông Nhật chia sẻ.

Từ chục năm trước, những chiếc lốp xe đầu tiên của Cao su Đà Nẵng lăn bánh trên đất Mỹ.  Năm 2019, chiến lược đẩy mạnh vào thị trường này chính thức khởi động. Cũng nhờ chất lượng sản phẩm sau quá trình dày công nghiên cứu thị trường, xây dựng chủng loại và dòng sản phẩm phù hợp, săm lốp của DRC thuyết phục được các khách hàng Mỹ thông qua hiệu quả sử dụng khi so sánh giữa các sản phẩm săm lốp cùng mức giá.

Năm 2021, DRC chọn một đối tác đầu tiên ở Mỹ để làm thương mại. Tới năm 2023, công ty có đã 3 - 4 đối tác thương mại lớn, cùng hệ thống đối tác cấp dưới mở rộng nhanh trong chuỗi phân phối.

Mọi việc càng thuận lợi hơn khi tháng 9/2023, lãnh đạo hai nước Mỹ và Việt Nam công bố nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.

“Quyết định này cũng ‘nâng cấp’ suy nghĩ của người tiêu dùng quốc gia này về hàng hóa Việt Nam. Hơn thế, trong điều kiện kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có sự chuyển dịch từ sản phẩm của các ‘ông lớn’ như Michelin, Bridgestone… sang sản phẩm từ các quốc gia đang phát triển”, ông Nhựt phân tích. Ngoài ra, sản phẩm lốp xe tải và xe buýt (TBR) nhập khẩu từ Thái Lan - nước xuất khẩu TBR lớn nhất sang Mỹ đang có nguy cơ vào diện áp thuế chống bán phá giá…

Cơ hội đủ chín muồi, DRC hiện diện tại SEMA Show, gia tăng sản lượng, giành lấy thị trường.

Sẵn sàng từ những nền tảng tích luỹ

Trong năm 2024, mục tiêu của DRC sẽ là doanh số với mức kế hoạch khoảng 5.400 tỷ đồng. Đây là con số thách thức, nhưng có khả năng thực hiện tốt. Cơ hội tăng sản lượng không chỉ đến từ những thị trường tiềm năng, mà còn qua các dòng sản phẩm chủ lực.

Sau 5 năm lốp PCR thuộc phân khúc xe tải nhẹ và xe con ra mắt, sản lượng tiêu thụ dòng lốp này đã tăng mạnh trong các quý cuối năm 2023 nhờ doanh nghiệp tìm kiếm được khách hàng mới tại Brazil. Ở dòng sản phẩm có quy mô thị trường gấp nhiều lần xe tải, Công ty cũng đã lên kế hoạch triển khai bán tại thị trường nội địa ngay năm 2024.

Công suất sản xuất cũng đã sẵn sàng khi chiếc lốp radial đầu tiên từ dây chuyền thuộc Dự án Đầu tư, mở rộng Nhà máy Sản xuất lốp xe tải radial nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm chính thức được sản xuất vào những ngày cuối năm 2023. Dự án sẽ quyết toán trong năm 2024. Tuy nhiên, CEO Công ty Cao su Đà Nẵng cho biết, ngay từ bây giờ, một số công đoạn như thành hình và lưu hóa đã được đưa vào hoạt động với 100% công suất.

Việc hoàn tất đầu tư cho Dự án Mở rộng công suất Nhà máy lốp radial từ 600.000 lốp/năm lên 1 triệu lốp/năm được thực hiện song song trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn. Đây cũng là một thách thức của DRC trong năm qua, khi dòng tiền phải phân bổ cho cả hai hoạt động.

Tuy vậy, trong nguy có cơ, chi phí đầu tư được tiết giảm rất mạnh, tới gần 40% trong tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng dự tính ban đầu. Ông Nhựt gọi đây là “điểm rơi tốt nhất trong công tác đầu tư”, khi chính nhà cung cấp phải hạ giá thiết bị để thúc đẩy đầu ra. Thậm chí, chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán Vietcombank tính toán biên lợi nhuận gộp của sản phẩm Radial có thể tăng thêm 2 - 3% nhờ suất đầu tư thấp hơn 2 giai đoạn trước, bên cạnh việc công suất thiết kế mới sẵn sàng cho mục tiêu gia tăng sản lượng.

Ở thời điểm hiện tại, DRC đã sẵn sàng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NÐ-CP, có hiệu lực từ năm 2024. Theo đó, tỷ lệ tái chế bắt buộc của sản phẩm săm lốp là 5%, áp dụng cho 3 năm đầu tiên. Còn tại DRC, năng lực đắp lốp để tái chế là 110.000 lốp trên tổng công suất 1 triệu lốp (sau nâng cấp).

“Không phải bây giờ, mà ngay từ những năm 2019 và đầu năm 2020, với vai trò trực tiếp phụ trách mảng này, tôi đã bắt tay xây dựng phương thức thu hồi, tái chế và tham gia cùng nhóm biên soạn quy chế về trách nhiệm xã hội. DRC đã chuẩn bị từ rất sớm, rất lâu. Công ty sẽ không chịu ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí có thêm điều kiện để thu hồi lốp xe cũ, làm đầu vào cho hoạt động tái chế”, ông Nhựt chia sẻ.

Tại DRC, sản xuất xanh không chỉ dừng lại ở đó. Từ lâu, Công ty đã tập trung đẩy mạnh năng lượng tái tạo, ưu tiên lò hơi cao áp để chuyển từ đốt dầu sang đốt biomass (nhiên liệu sinh khối). Năng lượng từ điện mặt trời áp mái hiện đóng góp tới 40% nguồn điện trong thời gian có ánh nắng mặt trời và phấn đấu đạt con số 100% trong mục tiêu dài hạn.

Để đáp ứng các quy định kiểm kê khí nhà kính, DRC cũng đã thành lập bộ phận tương tác với cơ quan tài nguyên và môi trường cùng các tổ chức liên quan và hiện đã công bố công khai nhiều số liệu.

“Luôn ở tâm thế chuẩn bị sẵn sàng” là điều vị thuyền trưởng của Cao su Đà Nẵng tâm niệm. Điều này không chỉ thể hiện ở việc tuân thủ những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của các thị trường, mà còn là sự chủ động, linh hoạt trong môi trường kinh doanh toàn cầu đầy bất định và liên tục biến động.

“Tôi làm theo đam mê với công việc”

Từ 20 năm trước, có một bài báo nhắc đến ông với tên gọi “chàng trai trị giá 20 tỷ đồng” bởi những sáng kiến về máy móc, thiết bị giảm tải khó khăn cho nhà máy. Thời điểm đó, ông có suy nghĩ gì?

Tôi làm theo đam mê với công việc, nên cũng không suy nghĩ nhiều.

Việc tập trung cho công việc đôi khi khiến thời gian dành cho bản thân và gia đình bị co hẹp có từng khiến ông cảm thấy nuối tiếc không?

Thực sự thì có ngày đó mới có tôi bây giờ. Có ngày đó đam mê, gắn bó với công việc, để có hiệu quả và được ghi nhận, đánh giá, tôi mới có ngày hôm nay.

Nhiều bạn trẻ hiện nay dành ưu tiên nhiều hơn cho bản thân cũng như sự cân bằng cuộc sống và công việc. Ông nghĩ sao về điều này?

Như người ta thường nói, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Khi đã có một cái gì đó trong tay, chúng ta mới có thể làm chủ bản thân, cả mong muốn đầu tư cũng như mong muốn song hành. Khi đó, tiếng nói, uy tín của bản thân sẽ tốt hơn nhiều.

Tôi cho rằng, nếu chỉ lo cho mình, nhất là bàng quan với nghề nghiệp và chuyên môn, cơ hội để phát triển cũng như việc định hình cho bản thân sẽ khó khăn.
Doanh nhân Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc CTCP Cao su Đà Nẵng: Bước đi cùng công nghệ
Một đơn vị tập trung sản xuất sản phẩm để bán như Cao su Đà Nẵng, đi cùng công nghệ luôn là chiến lược tối ưu. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt nói...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư