Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Nguyễn Đình Tùng: Khai thác đúng thế mạnh để xuất khẩu hiệu quả
Hoài Sương - 19/11/2023 09:37
 
Ý thức được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, nắm bắt trúng nhu cầu thị trường và đặc biệt là hiểu rõ thế mạnh của từng nông sản Việt là bí quyết giúp doanh nhân Nguyễn Đình Tùng đưa ra chiến lược phù hợp, chinh phục các thị trường xuất khẩu.
Trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Đình Tùng
Doanh nhân Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group.

Nắm bắt cơ hội để phát triển thị trường mới

Trái dừa tươi Bến Tre mới đây đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và Mỹ. Việc trở lại các thị trường “khó tính” của mặt hàng này là tin vui với nông dân vùng dừa, đồng thời cũng là tin vui với các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này nói chung, Vina T&T nói riêng và cá nhân ông Nguyễn Đình Tùng.

Trái dừa Việt Nam đã có mặt tại Mỹ từ năm 2017, nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, việc xuất khẩu bị nghẽn vì Mỹ siết chặt các quy định. Hiện tại, quả dừa Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ ở dạng được loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ ngoài và xơ dừa, hoặc dạng quả dừa non đã loại bỏ ít nhất 3/4 lớp vỏ.

“Thực hiện quy định mới của Mỹ, nên quả dừa được bảo quản lâu hơn, từ 70 đến 80 ngày, có thể vận chuyển được xa hơn, đến được với nhiều tiểu bang hơn”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.

CEO của Vina T&T tiết lộ, mỗi tháng, Công ty xuất khẩu khoảng 16 - 20 container dừa sang Mỹ và đang chuẩn bị cho các đơn hàng đầu tiên ở thị trường Trung Quốc.

Trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Đình Tùng

Đâu là yếu tố được Vina T&T chú trọng nhất trong hoạt động xuất khẩu, thưa ông?

 Trong xuất khẩu nông sản, công nghệ bảo quản là quan trọng nhất. Không có bất kỳ doanh nghiệp nào có thể thâm nhập thị trường quốc tế nếu thiếu công nghệ, sự nghiên cứu, thử nghiệm trong bảo quản… Đó cũng là một trong những hoạt động mà Vina T&T tập trung đầu tư rất mạnh trong thời gian qua nhằm bảo quản quả dừa, thanh long, bưởi… theo các tiêu chuẩn của thế giới.

Những người trong ngành còn thấy ông nỗ lực không ngừng nghỉ trong xây dựng thương hiệu…

Chúng tôi tham gia rất nhiều diễn đàn xuất khẩu; hợp tác với nông dân ở các tỉnh để thành lập chuỗi liên kết khăng khít; tham gia với các bộ, ban, ngành trong việc đóng góp ý kiến phát triển và xây dựng ngành hàng rau quả…

Từ đó, tôi được tín nhiệm và được bầu làm Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch Hội Sản phẩm nông nghiệp sạch TP.HCM. Như một tác dụng của “hữu xạ tự nhiên hương”, thương hiệu Vina T&T được nâng cao uy tín cả ở thị trường trong và ngoài nước.

Sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết vào tháng 7/2022, Vina T&T Group là một trong 25 doanh nghiệp đầu tiên có mã số nhà máy đóng gói, vùng trồng. Doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế này và đều đặn mỗi ngày xuất khẩu 1 container sầu riêng sang thị trường tỷ dân.

Tuy nhiên, niềm vui cũng đi cùng nỗi lo. Ông Nguyễn Đình Tùng e ngại có thể xảy ra tình trạng “tăng trưởng nóng” với cây sầu riêng. Thực tế, đã xuất hiện cuộc đua mở rộng diện tích trồng gây nguy cơ vỡ quy hoạch. Tính đến cuối năm 2022, cả nước có 110.000 ha sầu riêng, tăng 25.000 ha so với năm 2021, vượt 35.000 ha so với quy hoạch và vẫn đang tiếp tục tăng.

Nhìn sang Thái Lan, mới đây, nước này thông báo tự nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc. Điều này cho thấy, nếu doanh nghiệp Việt không chú trọng nâng cao chất lượng, thương hiệu, mà chỉ quan tâm số lượng, thì khó đi đường dài.

Bởi vậy, CEO Nguyễn Đình Tùng xác định, Vina T&T phải đảm bảo uy tín qua từng từng lô hàng, sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng, từ quy trình trồng, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đến đóng gói, vận chuyển…, cộng với chiến lược bán hàng, truyền thông phù hợp, để có thể cạnh tranh lâu dài tại thị trường Trung Quốc.

Không chỉ sầu riêng, trái chanh leo của Việt Nam cũng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc từ tháng 7/2022 và đang có kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ. Nắm bắt cơ hội này, Vina T&T đã lên kế hoạch đầu tư vào vùng trồng chanh leo tại Gia Lai, xây dựng cơ sở thu mua và chế biến; nghiên cứu công nghệ bảo quản và đáp ứng tất cả các tiêu chí để xuất khẩu trong thời gian tới.

Ông Tùng chia sẻ, mục tiêu của Vina T&T là luôn phát triển sản phẩm mới, thị trường mới. Do đó, khi các loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch, Công ty chủ động dồn lực đầu tư để tiếp cận thêm nhiều thị trường. Cụ thể, Vina T&T đã đưa trái dừa vào Hàn Quốc; đưa trái bưởi vào New Zealand; đưa sầu riêng vào Canada, Dubai và đưa dưa hấu vào Trung Đông…

Kết quả 9 tháng đầu năm 2023, Vina T&T ghi nhận doanh thu tăng trưởng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, mỗi năm, doanh nghiệp đều dành 10 - 20% lợi nhuận để nghiên cứu, áp dụng và liên tục cập nhật công nghệ mới để bảo quản tốt hơn.

Hiểu rõ thế mạnh của từng nông sản Việt

Vina T&T là doanh nghiệp Việt đầu tiên xuất khẩu thanh long sang thị trường Mỹ vào năm 2008, sau khi Mỹ mở cửa cho trái cây Việt Nam.

Nhìn lại giai đoạn khởi đầu này, ông Tùng chia sẻ, lúc đó, doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm và suy nghĩ còn đơn giản, cho rằng trái cây thu hoạch xong và qua chiếu xạ là có thể xuất khẩu được. Nhưng không ngờ, tác động của chiếu xạ rất lớn, các container thanh long xuất bằng đường biển cập cảng Mỹ đều phải cho xe chở thẳng ra… bãi rác, bởi tất cả thanh long đều bị vàng hoặc hỏng.

“Tất cả những vấn đề này khi ở Việt Nam chúng tôi chưa từng gặp, nhưng đến Mỹ lại xảy ra. Trái thanh long bị hỏng, cầm thì nước chảy qua kẽ tay. Đến năm 2012, khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến hoạt động kinh doanh của Công ty liên tiếp bị thất bại. Buồn chán, tôi muốn bỏ cuộc, nhưng nhờ người thân khuyên giải, đến tháng 8/2014, tôi quay trở lại”, ông Tùng nhớ về hành trình gian nan.

Trong giai đoạn dừng xuất khẩu, ông Tùng dành thời gian nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan để tránh đi lại vết xe đổ, tìm hiểu công nghệ bảo quản, tìm thị trường và định hướng đa dạng sản phẩm. Đó là tiền đề cho sự trở lại mạnh mẽ, đưa Vina T&T từng bước phát triển và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn, chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Canada...

Sau nhiều năm va vấp trên thị trường và đúc kết kinh nghiệm từ những lần thất bại, ông Tùng cho rằng, doanh nghiệp rau quả Việt Nam muốn thành công, thì cần hiểu rõ thế mạnh của mình. Hiện nay, các sản phẩm của Việt Nam đều được thị trường biết đến, nhưng chỉ khi lựa chọn những loại quả tại địa phương có thế mạnh để xuất khẩu, kết hợp với bà con để hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng mã số vùng trồng…, thì Vina T&T mới giữ vững được chất lượng sản phẩm và tạo được tiếng vang trên thị trường thế giới.

Với một số loại nông sản đang mất dần lợi thế về thị trường truyền thống, Vina T&T lựa chọn tìm kiếm thị trường mới. Ví dụ điển hình là trái thanh long, đến nay, loại quả này đã được Mexico, Ecuador… trồng quanh năm. Do đó, Việt Nam gần như không thể xuất khẩu thanh long trắng vào Mỹ. Một số quốc gia ở châu Phi cũng trồng được những loại nông sản tương tự Việt Nam và xuất khẩu vào EU, nên doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh vì kém lợi thế về vị trí địa lý, thuế, công nghệ bảo quản…

Gắn bó với xuất khẩu nông sản, hiểu được đặc điểm của hoạt động này là luôn lệ thuộc vào thị trường, nên ông Tùng có những chiến thuật kinh doanh hiệu quả trong từng giai đoạn. Ví dụ, khi mùa bưởi tại Trung Quốc bắt đầu, hay vào mùa nông sản nhiệt đới của Florida…, Vina T&T chủ động giảm sản lượng xuất khẩu sang Mỹ. Ông Tùng lý giải, đây là thời điểm doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá, nên Vina T&T phải ưu tiên bán hết được hàng và giảm thiểu hư hại nông sản.

“Đây là cách doanh nghiệp giữ vững thương hiệu, chứ không đơn thuần là đẩy mạnh doanh thu không bền vững. Nắm được điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình, hiểu rõ nhu cầu thị trường, Vina T&T giảm được những rủi ro không đáng có”, ông Tùng chia sẻ.

Cùng tạo nên giá trị

Theo ông Tùng, hiện nay, chất lượng nông sản tại các vùng trồng không đồng đều, nhưng khi xuất khẩu lại mang một thương hiệu chung là Việt Nam. Nếu doanh nghiệp vì lợi nhuận mà pha trộn trái cây kém chất lượng, thì sẽ đánh mất uy tín thương hiệu Việt.

“Phải xuất khẩu nông sản với chất lượng đồng đều, thì thương hiệu Việt mới gia tăng chỗ đứng trên thị trường thế giới”, Tổng giám đốc Vina T&T Group nhấn mạnh.

Không những thế, Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu chung trong lĩnh vực nông sản trên sân chơi quốc tế, như nho mẫu đơn Hàn Quốc, táo Mỹ, kiwi New Zealand… Tại New Zealand, chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu trái kiwi đã bằng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Vì vậy, theo ông Nguyễn Đình Tùng, để nông sản Việt có thể ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế, cần phải xây dựng một “ngôi nhà chung”.

Vina T&T cũng đang đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn một số loại quả và phát triển thành thương hiệu quốc gia, như bưởi, dừa, sầu riêng… Đây là các loại trái cây mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt và đáp ứng được về sản lượng.

“Ngoài ra, câu chuyện hợp tác với bà con nông dân cũng cần được chú trọng để đảm bảo vùng trồng đồng bộ chất lượng. Kinh nghiệm của Vina T&T cho thấy, sau một thời gian đối thoại nhằm hướng đến lợi ích chung, doanh nghiệp và người nông dân đã có sự gắn kết bền chặt”, ông Tùng chia sẻ.

Trong xuất khẩu nông sản, nếu doanh nghiệp đơn độc, thì rất khó cạnh tranh. Do đó, cần có sự liên kết trong chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Quá trình liên kết này cần có sự phối hợp giữa các địa phương và các bộ, ngành chức năng trong quy hoạch vùng trồng, sơ chế, chế biến, logistics…

Đó cũng là lý do Vina T&T còn tham gia đại diện hỗ trợ cho nhiều thương hiệu như: Nước mắm Thanh Quốc, Khải Hoàn; bánh tráng Đại Lộc Quảng Nam để đưa hàng Việt vào chuỗi siêu thị trên thế giới nói chung và xuất khẩu sang thị trường Mỹ nói riêng, góp phần tạo ra chuỗi liên kết lớn.

Doanh nhân Võ Đình Danh: Giấc mơ vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao
Tiên phong trên hành trình tái canh cây cà phê của huyện Đắk Mil, Võ Đình Danh không chỉ hoàn thiện mô hình sản xuất theo hướng bền vững, mà còn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư