-
Vì sao start-up cần thành lập hội đồng quản trị? -
Chủ tịch CEO viết sách mời người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư bất động sản -
Giúp khách hàng vượt qua thử thách và nắm bắt cơ hội mới -
Doanh nhân Phạm Quốc Anh, Tổng giám đốc CTCP Thiết kế Xây dựng và Phát triển Minimal: Khởi nghiệp từ nét vẽ tối giản -
Doanh nhân nữ không cô đơn trên hành trình chuyển đổi kép -
Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thái Bình: Điểm tựa vững chắc của các doanh nhân nữ
Niên vụ 2022-2023, Hợp tác xã của Võ Đình Danh có 50 tấn cà phê chất lượng cao đưa ra thị trường |
Có thể ví von huyện Đắk Mil như “trái tim cà phê” của tỉnh Đắk Nông, địa phương đứng thứ 3 cả nước về diện tích trồng cà phê. Từng là một đồn điền cà phê lớn dưới thời Pháp thuộc, đến nay, cà phê vẫn là mảnh ghép quan trọng trong đời sống nông dân Đắk Mil. Họ sinh ra trên rẫy cà phê, lớn lên cùng với mùa cà phê chín đỏ và yên nghỉ bên những tán cà phê.
Nhưng bao năm qua, nông dân Đắk Mil không thể kiếm được thu nhập ổn định từ cây cà phê, do giá cả luôn biến động. Nhiều thanh niên Đắk Mil lựa chọn con đường cố gắng học hành, thoát ly lên thành phố để bứt ra khỏi thế bế tắc của ngành trồng cà phê. Cuối cùng, một trong số họ đã “đi thật xa để trở về”, mang theo lời giải cho loại cây công nghiệp chủ lực của huyện. Người đó chính là Võ Đình Danh, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đắk Mil.
Tất cả bắt đầu từ cây giống
Võ Đình Danh từng theo học Trường cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Trong một lần nghe thầy giáo giảng về môn xã hội học, anh tiếp nhận thông tin rằng, với quốc gia lấy nông nghiệp làm trụ cột như Việt Nam, cây giống, con giống là yếu tố chủ lực, quyết định tương lai của toàn ngành. Tia sáng đó vẽ ra trong Danh một góc nhìn mới. Ngoài thời gian trên trường, anh chủ động tới Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Viện WASI) để tham quan, học hỏi kiến thức về cây giống và các kỹ thuật ghép giống.
Năm 2004, Võ Đình Danh trở lại Đắk Mil, đem những kiến thức đã học vào thử nghiệm tại trang trại của gia đình. Anh là người đầu tiên trong huyện chuyển đổi từ cây cà phê trồng giống thực sinh sang giống ghép, bằng cách sử dụng nguồn chồi cà phê của Viện WASI ghép trực tiếp với cây cà phê địa phương theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng tới mục tiêu tăng sản lượng và chống chịu sâu bệnh tốt hơn.
Nhưng cà phê là cây công nghiệp dài ngày. Phải mất 3 năm, người nông dân mới có thể thu hoạch vụ đầu tiên. Quãng thời gian đó, ngoài sự ủng hộ của một số cán bộ cấp tiến trong huyện, Võ Đình Danh gần như cô độc trên hành trình của mình. “Hàng xóm bảo rằng, đi chân thật còn chẳng ăn thua, nữa là đi chân giả”, anh ngậm ngùi nhớ lại.
Võ Đình Danh được tỉnh Đắk Nông cũng như huyện Đắk Mil trao tặng nhiều bằng khen về thành tích trong phong trào nông dân sản xuất giỏi, xây dựng mô hình kinh tế tập thể đoàn kết, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, điều anh cảm thấy hứng khởi nhất là làm được “một chút gì đó” cho quê hương của mình. “Tôi vui khi thấy người nông dân hạnh phúc trên cánh đồng của họ”, anh nói.
Cuối cùng, trời không phụ lòng người, sau 3 năm, cây cà phê ghép cho thu hoạch với sản lượng tăng khoảng 35%. Từ đây, uy tín của Võ Đình Danh được nâng cao. Anh trở thành nguồn cung cấp cây giống cho nông dân trong huyện và thậm chí cả các huyện xung quanh.
Giai đoạn 2012-2013, toàn huyện Đắk Mil đối diện với bài toán bức thiết là tái canh cây cà phê, khi các vườn cũ dần thoái hóa, năng suất suy giảm. Tại một hội nghị nông dân của huyện, Võ Đình Danh mạnh dạn đề xuất giải pháp dùng nguồn giống ghép do anh sản xuất. Phương án này giúp huyện chủ động kiểm soát được chất lượng nguồn giống, chưa kể các nông hộ không phải đi xa để tìm mua cây giống.
Sau 3 ngày chờ đợi, Danh được huyện Đắk Mil đồng ý bố trí quỹ đất để làm vườn giống. Trùng hợp thời điểm đó, một tập đoàn đa quốc gia triển khai chương trình hỗ trợ cây giống cà phê tái canh cho người trồng với mức chi phí 50%, nông hộ tự trả phần còn lại. Danh mạnh dạn đến xin tài trợ. Tuy nhiên, chương trình không làm việc với cá nhân, nên từ đây, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đắk Mil được thành lập, trở thành tổ chức trung gian chịu trách nhiệm về nguồn giống cho bà con nông dân. Võ Đình Danh giữ vị trí Giám đốc.
Mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao
Vấn đề tái canh cà phê với nguồn giống chất lượng đã được giải quyết, nhưng Võ Đình Danh vẫn không yên lòng khi người dân trong vùng than thở rằng, “làm cà phê đâu có giá trị gì”. Anh lại trăn trở với một bài toán mới, là làm sao vừa tăng sản lượng, vừa nâng cao giá trị cho hạt cà phê. “Tôi nghĩ mình may mắn, vì nếu bạn đủ quyết tâm, bạn sẽ hút được một cái gì đó”, anh lý giải.
“Cái gì đó”của anh diễn ra vào mùa hè 2012, khi một nhóm sinh viên từ TP.HCM lên Đắk Mil thực tập ủ phân vi sinh. Một thành viên trong nhóm, vốn là người yêu thích cà phê, đã giúp anh nhận ra bản thân là trước giờ hoàn toàn “mù” với mùi thơm cà phê, vì những hệ lụy của phương pháp chế biến truyền thống. Sinh viên đó kiên trì pha cà phê mỗi ngày cho anh nếm thử, đến khi anh nhận ra cà phê có một mùi hương riêng. Rồi họ cùng nhau nói về câu chuyện nâng giá trị cà phê, từ vấn đề thu hoạch quả chín cho đến các phương pháp sơ chế phù hợp.
Vì có một người cậu từng trồng cà phê trong đồn điền của Pháp, Danh đem những kiến thức mới tiếp thu ra trao đổi với cậu mình. Không ngờ, cậu anh tiết lộ, đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Trong thời Pháp thuộc và kể cả những năm về sau, người trồng cà phê chỉ thu hái khi tỷ lệ quả chín trên vườn đã đạt khoảng 85%. Tuy nhiên, từ năm 1994, giá cà phê xô tăng đột biến, khiến thị trường bị phá vỡ hoàn toàn. Thương lái ồ ạt thu mua không quan tâm quả xanh hay quả chín, khiến chất lượng ngành cà phê bị mai một cho tới hiện tại.
“Khi nhìn rõ bức tranh tổng thể, tôi hiểu rằng, làm cà phê chất lượng cao không quá khó, chỉ cần tổ chức lại quy trình là được”, vị giám đốc 7x chia sẻ.
10 năm trước, cà phê chất lượng cao là một khái niệm mới lạ, không thể tìm thấy thông tin trên Internet. Để có kiến thức, anh tự mình đi học các lớp ngắn hạn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế cà phê. Anh cũng đi qua nhiều địa phương để quan sát và học hỏi thêm.
Năm 2013, Võ Đình Danh tự mình thử nghiệm sản xuất 70 kg cà phê theo hướng chất lượng cao. Anh thu hoạch những trái chín để riêng, sau đó kiểm soát lên men nguyên trái và tiến hành phơi chậm. Trong lúc những người xung quanh đều không tin vào con đường này, anh may mắn được nhóm sinh viên ngày xưa hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm ở TP.HCM. Cứ như vậy, anh vừa sản xuất, vừa nghe ngóng thị trường.
Đến năm 2017, làn sóng cà phê chất lượng cao phát triển bùng nổ, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đắk Mil bắt đầu mở rộng hợp tác. Họ mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng để chuẩn hóa quy trình, gia tăng số lượng và kiểm soát chất lượng đầu ra. Hợp tác xã hiện sở hữu 1.000 m2 nhà kính đi kèm giàn phơi, cùng với hệ thống máy rửa, máy phân loại quả xanh, chín, máy xát vỏ…
Niên vụ 2022-2023, Hợp tác xã thu về 200 tấn cà phê, trong đó có 50 tấn cà phê chất lượng cao được đưa ra thị trường. “Từ năm 2018 đến nay, cà phê chất lượng cao của chúng tôi luôn không đủ để bán”, anh Danh nói.
Nền tảng hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao
Võ Đình Danh tính toán, khi đối tác mở rộng quy mô, họ sẽ cần nguồn nguyên liệu đầu vào với số lượng lớn hơn, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. “Chiến lược của tôi là xây dựng vùng nguyên liệu, tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh, đưa công nghệ vào quy trình chế biến”, anh khẳng định.
Trong mô hình đó, người nông dân đóng vai trò chủ đạo. Những người nông dân tuân thủ quy trình, chỉn chu từ lúc trồng trọt cho đến thu hái, sơ chế sẽ là nền tảng quan trọng để hình thành vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao, chứ không phải máy móc hay công nghệ.
Với 12 thành viên chính thức và 25 thành viên liên kết, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đắk Mil vẫn đang tích cực mở rộng mạng lưới, tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân, sau đó đứng ra bao tiêu sản phẩm.
Không truyền động lực một cách chung chung, anh Danh đưa cho các nông hộ hướng đi cụ thể. Anh khuyên họ nên bắt đầu thử nghiệm từ số lượng ít: thay vì chuyển đổi cả 3 - 4 tấn cà phê theo hình thức chất lượng cao, mỗi nông hộ có thể làm 400-500 kg trong năm đầu tiên. Làm như vậy, trường hợp thất bại, họ sẽ không bị ảnh hưởng nặng về kinh tế và vẫn đủ động lực để khắc phục vào năm tiếp theo. Hoặc với hình thức chế biến tự nhiên, thay vì thu hái xanh chín lẫn lộn, người nông dân chỉ cần hái riêng trái chín rồi phơi khô, thì giá trị hạt cà phê đã tăng ít nhất 20%. Bằng cách mở rộng thành viên theo hướng này, Võ Đình Danh chia sẻ tới đâu, các nông hộ dám thay đổi ngay tới đó.
Từ năm 2019, anh bắt đầu nghiên cứu giải pháp công nghệ để chuyển giao cho người nông dân tự áp dụng tại nhà. Chẳng hạn, với sản phẩm thùng rửa cà phê tự động, anh tìm hiểu, học hỏi các loại máy móc nhập khẩu, sau đó sản xuất và bán cho nông hộ với giá chỉ bằng 1/4 giá hàng nhập. Đến giờ, sau 3 năm, sản phẩm vẫn hoạt động tốt.
Niên vụ năm nay, anh chuẩn bị đưa vào thử nghiệm máy xát cà phê trực tiếp (bỏ qua công đoạn rửa hạt). Máy có tính năng tương tự, nhưng có giá chỉ khoảng 15 triệu đồng/máy, thay vì 75 triệu đồng như dòng sản phẩm nhập khẩu. Nếu thử nghiệm thành công, sang năm, mỗi hộ nông dân có thể tự trang bị một máy để dùng cho phương pháp chế biến “mật ong”, một trong 3 phương pháp chế biến cà phê chất lượng cao.
“Tôi thích tạo ra hệ sinh thái mà ở đó người nông dân là trung tâm của sự thay đổi. Tôi tìm kiếm giải pháp phù hợp để chuyển giao cho họ. Càng nhiều nông hộ tiếp cận kiến thức và công nghệ, thì vùng nguyên liệu càng sớm hình thành”, Võ Đình Danh tâm sự.
Trong năm 2024, Hợp tác xã tiếp tục kiện toàn quy trình, tìm kiếm thêm nguồn lực bên ngoài để đầu tư máy bắn màu công suất lớn, phục vụ quá trình phân loại chính xác quả xanh, quả chín. Anh Danh cũng mong muốn hỗ trợ thêm máy móc đến từng thành viên, để sản phẩm được chuẩn hóa ngay từ quy mô hộ gia đình.
“Tôi hy vọng, sau này, nhìn vào quy trình, hệ thống máy móc mà chúng tôi đã xây dựng, người trẻ yêu nông nghiệp sẽ có niềm tin và cơ sở để đi tiếp”, Võ Đình Danh nhìn nhận.
-
Giúp khách hàng vượt qua thử thách và nắm bắt cơ hội mới -
Benoît Chaigneau, Nhà sáng lập Chu Ben Fish Sauce: Nâng tầm nước mắm Việt Nam -
Doanh nhân Phạm Quốc Anh, Tổng giám đốc CTCP Thiết kế Xây dựng và Phát triển Minimal: Khởi nghiệp từ nét vẽ tối giản -
Doanh nhân nữ không cô đơn trên hành trình chuyển đổi kép -
Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thái Bình: Điểm tựa vững chắc của các doanh nhân nữ -
Doanh nhân Nguyễn Thúy Cải: Ba thập kỷ lan tỏa giá trị ẩm thực và tiệc cưới truyền thống -
Chu Văn Nam, nhà sáng lập thương hiệu Nada Oils: Tìm chỗ đứng trên thị trường tinh dầu
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 22/11 -
2 Thời gian vận hành chính thức tuyến metro số 1 TP.HCM -
3 Lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt: Rõ dần phương hướng -
4 Công chức không ăn vài trăm năm mới mua được nhà, sao không mở rộng đất cho nhà ở xã hội? -
5 Làm rõ suất đầu tư Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 35.940 tỷ đồng
- Ký kết hợp tác chiến lược Vietnam Land và CaraWorld: Khai mở những cơ hội mới
- SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond
- Giải Golf ngành Nhôm - Kính - Cửa toàn quốc 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị
- NAB Vietnam nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” tại APEA 2024
- SeABank thông báo mời thầu
- Huawei Việt Nam chính thức khởi động cuộc thi ICT Competition 2024 - 2025