Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Doanh nhân Nguyễn Đức Thạch Diễm: Nếu không chịu được áp lực, có lẽ không có tôi của hôm nay
Thùy Vinh thực hiện - 15/10/2022 08:08
 
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho rằng, dù ở bất cứ vị trí nào, khi bạn luôn trách nhiệm, nỗ lực hoàn thiện mình, đặt tâm huyết vào từng công việc, thì sẽ được tín nhiệm và có nhiều cơ hội chinh phục các mục tiêu cao hơn.

 

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Sacombank
Nữ doanh nhân Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Sacombank.

Trước hết, xin chúc mừng bà lọt Top doanh nhân tiêu biểu 2022. Nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), bà có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn gặp phải trong quá trình điều hành ở lĩnh vực tài chính, mà cụ thể là tại Sacombank ở giai đoạn khó khăn hơn 5 năm vừa qua?

Tôi rất vui mừng và vinh dự được bình chọn danh hiệu này. Có thể nói, hậu sáp nhập là thời điểm khó khăn nhất của Sacombank khi phải đối diện với rất nhiều vấn đề tiêu cực, như gần 97.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, uy tín thương hiệu giảm sút... Sacombank là một ngân hàng có quy mô lớn, thách thức với tôi không hề nhỏ, bởi mỗi quyết định của tôi sẽ ảnh hưởng đến hơn 18.000 cán bộ, nhân viên và con đường tái cơ cấu “sống còn” của Sacombank.

Tôi cũng có những thuận lợi nhất định, như nền tảng văn hóa mang tính nhân văn, kỷ luật và đoàn kết. Quan trọng nhất, tôi được HĐQT, Ban Kiểm soát, đặc biệt là Chủ tịch Dương Công Minh, cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, khách hàng, đối tác tin tưởng, đồng hành và ủng hộ.

Khi bà mới ngồi vào ghế “nóng” trong thời kỳ đầu chuyển giao và bắt đầu quá trình tái cơ cấu Sacombank, đã có không ít người đặt câu hỏi về việc liệu Ngân hàng có đạt được thành công khi phải xử lý các tồn đọng lớn sau sáp nhập. Nhưng đến nay, Sacombank đã đạt được những thành quả vượt bậc. Điều gì đem lại thành công này?

Để có những thành quả đó, ngoài việc xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản, mô hình quản trị chuyên nghiệp, chúng tôi còn tập trung vào đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm cải tiến sản phẩm - dịch vụ theo hướng hiện đại và nâng tầm trải nghiệm cho khách hàng. Chuyển đổi số được ứng dụng sâu rộng trong vận hành, tác nghiệp hằng ngày của cán bộ, nhân viên, để giảm thiểu các thao tác thủ công, nâng cao năng suất lao động và hòa nhịp với xu thế của thị trường.

Từ năm 2017 đến năm nay, chúng tôi đã thu hồi và xử lý được gần 76.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống còn 0,86% đến cuối tháng 9/2022.

- Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm

Một yếu tố quan trọng nữa là đội ngũ nhân sự có chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của Sacombank. Chính họ đã cùng tôi biến những hoài bão, chiến lược, kế hoạch trở thành hiện thực. Chúng tôi đã cùng chia sẻ, thấu hiểu định hướng phát triển và cùng dốc lòng để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Sacombank có tốc độ xử lý nợ xấu rất tích cực, vậy khi nào Ngân hàng sẽ hoàn tất được đề án tái cấu trúc?

Đề án cho phép Sacombank tái cấu trúc trong vòng 10 năm, nhưng chỉ sau hơn 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa nữa. Từ năm 2017 đến năm nay, chúng tôi đã thu hồi và xử lý được gần 76.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống còn 0,86% đến cuối tháng 9/2022. Đó là sự nỗ lực rất lớn của Ban điều hành, cũng như sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Với tốc độ này, dự kiến vào năm 2023, chúng tôi sẽ hoàn thành tái cấu trúc. 

Trải qua hơn 5 năm điều hành ở Sacombank và hiện là Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng, có thể thấy, bà đã nhận được sự tín nhiệm rất cao từ HĐQT. Nhưng có quá áp lực đối với một nữ lãnh đạo khi điều hành một ngân hàng lớn như Sacombank?

Nếu không chịu được áp lực, thì có lẽ không có tôi của hôm nay. Tôi tâm niệm, cuộc sống luôn mang lại thử thách, có vượt qua thì mới có phát triển. Dù ở bất cứ vị trí nào khi bạn luôn trách nhiệm, nỗ lực hoàn thiện mình, đặt tâm huyết vào từng công việc, thì sẽ được tín nhiệm và có nhiều cơ hội để chinh phục các mục tiêu cao hơn. Tôi cho rằng, một khi đã mang sứ mệnh dẫn dắt, thì yếu tố giới tính không còn quan trọng.   

Đâu là bí quyết để có thể cân bằng được áp lực công việc (khi bà đang kiêm nhiệm nhiều vị trí trong Sacombank) và cuộc sống?

Đó là tôi luôn hết mình. Khi làm việc, tôi tập trung 100%, vừa bao quát mọi mặt hoạt động của Ngân hàng, vừa xử lý những hạng mục quan trọng, đồng thời không ngừng hoạch định cho tương lai. Còn khi có thể tạm gác công việc, tôi dành hết thời gian để yêu thương gia đình, làm thiện nguyện. Kể cả khi kết nối trên mạng xã hội, ngoài việc góp phần truyền thông sản phẩm, dịch vụ của Sacombank và học hỏi, tôi mong muốn truyền cảm hứng và lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người.

Có lần tôi đã chia sẻ về dự định mà tôi đang ấp ủ là tham gia giảng dạy tại một số trường đại học hoặc cơ sở đào tạo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng để truyền tải những kinh nghiệm thực tiễn của mình cho các sinh viên, góp phần đào tạo những tài năng trẻ cho ngành ngân hàng. Dù trong công việc hay cuộc sống, lúc nào tôi cũng hướng đến việc tạo ra các giá trị thiết thực nhất cho tổ chức, xã hội và cộng đồng.

Định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng và hiện đại, Sacombank đã đầu tư vào hoạt động chuyển đổi số từ sớm. Riêng năm 2022, Sacombank tập trung đẩy mạnh hoạt động này, xem đây là yếu tố tiên quyết để nâng cao năng lực số, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế trên thị trường. Bà có thể chia sẻ về chiến lược của Sacombank trong chuyển đổi số?

Chuyển đổi số là một hành trình đòi hỏi tổ chức phải có năng lực số tương ứng. Chuyển đổi số không đơn thuần là các dự án công nghệ mới, mà phải thay đổi tư duy, thay đổi mô hình kinh doanh và quy trình, nâng cao kỹ năng và năng lực số trong tổ chức, thì mới có thể thành công.

Tại Sacombank, chuyển đổi số đã được chú trọng từ sớm và tập trung cao độ trong vòng vài năm trở lại đây với trọng tâm mang lại trải nghiệm tốt và giá trị đến khách hàng, cổ đông và nhà đầu tư. Từ đó, đóng góp tích cực vào hiệu quả tài chính của ngân hàng và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo khi bám sát xu hướng thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Từ lúc mới đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc, tôi đã trực tiếp phụ trách khối công nghệ thông tin để chỉ đạo và sâu sát quá trình chuyển đổi số của Sacombank. Hàng loạt dự án, ý tưởng được khởi động với định hướng số hóa tối đa các hoạt động, tác nghiệp để gia tăng năng suất lao động, phát triển sản phẩm dịch vụ, tối ưu công tác quản trị - điều hành và khả năng phát triển, ứng dụng trong tương lai.

Với tinh thần của Ngày Chuyển đổi số quốc gia - 10/10/2022, chúng tôi vừa tổ chức phiên họp quan trọng đánh giá kết quả chuyển đổi số. Có thể nói, năm 2021 là năm bản lề đánh dấu quyết tâm mạnh mẽ, kiên định của Sacombank trong thúc đẩy thực thi các chương trình chuyển đổi số. Chúng tôi đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số vào tháng 10/2021 với trọng trách nâng cao năng lực số, đưa Sacombank trở thành ngân hàng số dẫn đầu thị trường tại Việt Nam trong 5 năm tới.

Năm 2022 ghi nhận hàng loạt dự án chuyển đổi số được đưa vào vận hành nhằm cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và tối ưu hóa hoạt động. Phiên họp cũng tái xác định mục tiêu chuyển đổi số tập trung vào giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, khách hàng theo đúng định hướng của Chính phủ.

Kết quả kinh doanh trong 3 quý đầu năm 2022 của Sacombank ra sao? Nguồn thu ngoài lãi đóng góp thế nào vào tổng lợi nhuận, thưa bà?

Tính đến hết quý III/2022, Sacombank tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng tài sản đạt gần 564.200 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm; tổng huy động đạt 502.535 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu 0,86%. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỷ trọng thu ngoài lãi là 39,4%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư