Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Doanh nhân Nguyễn Duy Chính: Tự tin nắm tay chèo
Anh Vũ - 24/01/2015 08:45
 
Bắt đầu từ năm 2015, vị trí Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã được bà Nguyễn Thị Mai Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nguyên Tổng giám đốc chính thức chuyển giao cho con trai là Nguyễn Duy Chính.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
CEO Tò he: Đam mê vitamin hồn nhiên
Chân dung BIM Group, Tập đoàn nâng cánh cho sếu đầu đỏ Air Mekong
Trò chuyện với sếp tổng 7x của Ngân hàng HSBC
Doanh nhân Việt và tinh thần “hiệp đồng tác chiến”
Doanh nhân Đỗ Long: Từ thầy giáo thành ông chủ Bitas

Giá trị Việt

Lần đầu tiên, thương hiệu Tân Á Đại Thành được xướng danh trong Lễ trao giải Thương hiệu Quốc gia năm 2014. Đây cũng là lần đầu tiên, ông Nguyễn Duy Chính, người thừa kế gia sản của Tập đoàn này xuất hiện với tư cách là tân Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành để nhận giải.

Doanh nhân Nguyễn Duy Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành
Doanh nhân Nguyễn Duy Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành

Là công ty duy nhất trong ngành kinh doanh inox đạt được Thương hiệu Quốc gia 2014, ông nghĩ thế nào về kết quả này?

Đối với một doanh nghiệp sản xuất, cái gốc để doanh nghiệp đứng vững trên thị trường là chất lượng sản phẩm. Việc Tân Á Đại Thành có mặt trong giải thưởng Thương hiệu Quốc gia năm 2014 chứng minh, chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng.

Trong hơn 20 năm qua, bám sát kim chỉ nam “chất lượng tạo nên uy tín”, chúng tôi đã không ngừng nghiên cứu, đầu tư để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất với mức giá hợp lý nhất, mong muốn sản phẩm của doanh nghiệp Việt sẽ đủ sức thay thế những sản phẩm nhập ngoại cùng loại.

Tất nhiên, muốn làm được như vậy, nỗ lực của một vài doanh nghiệp là không đủ, nhưng từng doanh nghiệp phải ý thức rõ trách nhiệm của mình để tạo được sức mạnh chung.

Riêng với Tân Á Đại Thành, chúng tôi xác định rõ, công việc thường xuyên phải làm là đổi mới, sáng tạo, cập nhật những công nghệ tiên tiến của thế giới không thể thiếu. Bởi, nhu cầu tiêu dùng của thị trường ngày càng khắt khe, nếu bạn không đổi mới có nghĩa là bạn sẽ lùi dần so với sự đi lên của xã hội.

Trong năm 2014 , Tân Á Đại Thành đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Tráng men D.E.V (Đức), liên tục tham gia các hội chợ thế giới để tìm hiểu, học hỏi và đưa những dây chuyền, công nghệ mới nhất, hiện đại nhất của thế giới để áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình. Chính những nỗ lực này đã giúp chúng tôi trở thành công ty duy nhất trong lĩnh vực kim khí gia dụng đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2014.

Nhưng cái đích lớn mà chúng tôi muốn theo đuổi là giá trị Việt. Sẽ còn nhiều việc phải làm để đạt được mục đích này.

Giá trị Việt vẫn là câu chuyện dài của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Tôi có thể khẳng định rằng, với chất lượng sản phẩm và dịch vụ của Tân Á Đại Thành cung ứng ra thị trường, với trách nhiệm của doanh nghiệp đối với  sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng, chúng tôi sẽ chinh phục được người tiêu dùng bằng chính nội lực của mình.

Nhưng phải thừa nhận, vài năm trước, chúng tôi có phần bỡ ngỡ trong các kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu vì cho rằng, “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhưng trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp buộc phải xây dựng đường đến với người tiêu dùng một cách thông minh, thân thiện.

Hiện giờ, chúng tôi đã có định hướng rõ rệt và đang từng bước thực hiện kế hoạch đó. Tất nhiên, thực hiện việc này đòi hỏi thời gian, công sức và quyết tâm cao.

Đưa một thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng Việt Nam có khó khăn không, khi thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn là hướng ngoại? Ở đây, phải chăng có trách nhiệm của chính doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Là một thương hiệu thuần Việt, tôi hiểu được trách nhiệm của doanh nghiệp khi nhận danh hiệu Thương hiệu Quốc gia. Con đường ngắn nhất để đến với người tiêu dùng vẫn là chất lượng.

Trong thị trường đang hội nhập sâu và rộng, một khi sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn thì cũng sẽ có thể đủ sức thâm nhập các thị trường nước ngoài. Đây cũng sẽ là hướng đi tới của Tân Á Đại Thành.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện có vô số thương hiệu trong nước, nước ngoài với thông tin rối ren, nên người tiêu dùng sẽ không khỏi lúng túng trong việc lựa chọn các mặt hàng. Ở đây, có trách nhiệm của phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát chất lượng của sản phẩm dịch vụ, đảm bảo thông tin chính xác, đáng tin cậy cho người tiêu dùng. Điều này vừa bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, vừa bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhưng trách nhiệm của doanh nghiệp Việt trong câu chuyện này là rất lớn. Người tiêu dùng có nhớ, có tin và dùng sản phẩm thương hiệu Việt hay không phụ thuộc vào chất lượng, giá cả của sản phẩm, dịch vụ có thực sự cạnh tranh hay không.

Cũng phải nói rõ, Thương hiệu Quốc gia là tập hợp các nhận thức và liên tưởng của cộng đồng toàn cầu về hình ảnh và bản sắc của quốc gia đó thông qua các đối tượng như sự phát triển kinh tế - xã hội, các giá trị thân thiện… và những định hướng về hình ảnh mong ước của quốc gia đó trong tương lai. Điều này thể sự kỳ vọng của Chính phủ đối với các doanh nghiệp có sản phẩm, thương hiệu được lựa chọn.

Nghĩa là khi nhắc đến chúng tôi, người tiêu dùng quốc tế đều biết đó là thương hiệu quốc gia của Việt Nam, sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản nhất như chất lượng sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh..., nhưng quan trọng hơn, sản phẩm đó thể hiện được những giá trị như thân thiện với người sử dụng, thân thiện với môi trường, kết tinh sự sáng tạo của con người Việt, từng bước khẳng định thương hiệu Việt có thể sánh ngang các thương hiệu quốc tế...

Nung nấu quyết tâm đổi mới

Chính thức nhận ghế Tổng giám đốc của Tân Á Đại Thành từ đầu năm 2015, ông có thể chia sẻ những cảm xúc đầu tiên?

Thực sự đây là thời điểm rất quan trọng đối với cá nhân, gia đình tôi và Tập đoàn. Mặc dù thách thức rất lớn, nhưng với trách nhiệm của một người đã được tạo mọi điều kiện về chiến lược, cũng như được trải nghiệm qua các vị trí quan trọng tại Tập đoàn trong suốt 4 năm qua, tôi tự tin sẽ “chèo lái” Tân Á Đại Thành tiếp tục phát triển, có được vị thế trên trường quốc tế.

Ngoài ra, trách nhiệm với gần 3.000 cán bộ, công nhân viên đã hết lòng vì Tập đoàn suốt những năm qua thôi thúc tôi phải nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường làm việc, chất lượng cuộc sống cho họ.

Điều gì là thách thức lớn nhất với tân Tổng giám đốc Tân Á Đại Thành vào lúc này?

Quan điểm của tôi khi điều hành là phải liên tục đổi mới, để duy trì rồi sau đó mới là phát triển. Sau một thời gian làm việc và được thử sức ở tất cả các khối trong Tập đoàn, tôi nung nấu quyết tâm đổi mới.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là làm thế nào và bằng hình thức nào để các nhân sự trong Tập đoàn chủ động nhận thức được hiệu quả của việc đổi mới. Tôi có một quan điểm: năng lực của con người  là vô hạn, nhưng để họ tâm huyết, mang toàn bộ chất xám vào công việc thì cần phải giúp họ nhận thức rằng, họ đang làm việc cho công ty nhưng cũng làm cho chính ho, thành công của công ty cũng chính là thành công của họ vì chúng tôi là một gia đình.

Khó nhưng tôi tin sẽ làm được vì chúng tôi có nền tảng vững vàng, xây dựng trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Ông muốn làm điều gì đầu tiên sau ngày chính thức nhận chuyển giao?

Chuyển giao là một việc không dễ với người chuyển giao và người được chuyển giao. Thậm chí, tôi biết là đội ngũ cán bộ nhân viên trong Công ty cũng có thể chịu những tác động do sự thay đổi này. Tất cả điều này sẽ ảnh hưởng tới công việc.

Đối với tôi, nhiệm vụ đầu tiên là duy trì những gì Tân Á Đại Thành đã hoạt động, nên tôi sẽ có buổi nói chuyện với các cổ đông ở vị trí quản lý, sau đó là với từng phòng, từng nhà máy. Để mọi người thấy rằng, việc chuyển giao là để Tập đoàn tiếp tục phát triển và làm cho cuộc sống của từng người được nâng lên.

Tôi có một khát khao và niềm tin mãnh liệt rằng, Tập đoàn Tân Á Đại Thành sẽ tiếp tục phát triển, không những tại Việt Nam mà sẽ được khẳng định trên thị trường quốc tế. Giải thưởng Thương hiệu Quốc gia 2014 là một tín hiệu tốt trong quá trình thực hiện định hướng toàn cầu hoá của Tập đoàn.

Khi bắt đầu tham gia công việc tại Tập đoàn, đầu tiên tôi nghĩ là nhằm giảm bớt áp lực cho bố mẹ, để cho các cổ đông quản lý và cán bộ nhân viên có một môi trường làm việc chuyên nghiệp, có thể gắn bó trọn cuộc đời. Nhưng khi đã nhận trách nhiệm của người điều hành, tôi sẽ phải thực hiện tất cả các định hướng của Tập đoàn.

Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi triết lý “Phồn vinh cuộc sống Việt” mà bố mẹ tôi đã lựa chọn. Cùng với đó, những thành viên trong gia đình, những thành viên của Tân Á Đại Thành sẽ là trọng tâm trong mọi định hướng và điều hành của tôi.

CEO Nguyễn Duy Chính:

Năm 2010: Gia nhập Tập đoàn Tân Á Đại Thành năm 2010 với vị trí Phó tổng giám đốc. Trước đó, ông học Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Queen Mary – Vương Quốc Anh.

12/1/2015: Chính thức được bổ nhiệm Tổng giám đốc điều hành

Tân Á Đại Thành là một công ty chuyên lĩnh vực kim khí gia dụng hiện nay với các sản phẩm chính bồn nước Inox, máy nước nóng năng lượng mặt trời, bình nước nóng, sen vòi, chậu rửa…..

Năm 1992, Công ty Tân Á (tiền thần của Tân Á Đại Thành) gia nhập thị trường với bước đi đầu tiên là làm thương mại cho thương hiệu inox do Đài Loan sản xuất.

1993-1996: Tân Á bắt đầu sản xuất bồn nước inox.

Năm 2007, Tập đoàn Tân Á Đại Thành được thành lập với sự sáp nhập của các công ty là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nam Đại Thành và Tân Á Đông ở TP.HCM

Nguyễn Phương Mai: Mục tiêu của tôi là tăng điểm

Trong quá trình lập thân, Nguyễn Phương Mai - Giám đốc khu vực phía Nam - Navigos Search, ít nhất ba lần đối diện với khủng hoảng. Chao đảo nhưng chưa lần nào chị đầu hàng số phận.

Nguyễn Thị Việt Hòa: "Tốt gỗ vẫn hơn là tốt nước sơn"

Dù ra đời chỉ mới 8 năm nhưng Asia Dragon đã trở thành nhà xuất khẩu sợi nông nghiệp hàng đầu Đông Nam Á. Trong 3-5 năm tới, Asia Dragon đặt mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu châu Á trong lĩnh vực sợi nông nghiệp. Người lèo lái và đưa Asia Dragon lên tầm vóc quốc tế là chị Nguyễn Thị Việt Hòa, nữ giám đốc mới 40 tuổi.

Từ dịch sách sang… bán gà

() Sau 10 năm làm nghề dịch sách, ông Lê Linh Duy đột nhiên chuyển hướng sang bán gà, khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên. Nhưng nhờ sự chuyển hướng này, sản vật của nhiều vùng, miền đã có chỗ đứng vững chắc trong kênh bán hàng siêu thị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư