Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Nguyễn Thị Oanh: Bắt đầu từ lối nhỏ
Hà Quang - 16/08/2015 09:50
 
Độc quyền phân phối hàng loạt sản phẩm văn phòng phẩm cao cấp sau gần 8 năm khởi nghiệp, doanh nhân Nguyễn Thị Oanh đã có doanh số hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Câu chuyện về nữ Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị văn phòng phẩm Hoàng Minh là bài học gần gũi cho những ai mong muốn bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ đồng vốn ít ỏi.
TIN LIÊN QUAN

Tuổi thơ... chưa tàn buổi chợ, chưa về

Tiếp chúng tôi trong văn phòng tại đường Minh Khai, Hai Bà Trưng (Hà Nội) tấp nập, với phong thái dịu dàng đặc trưng của người phụ nữ xứ Thanh, doanh nhân Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị văn phòng phẩm Hoàng Minh chia sẻ, thời điểm chị bắt đầu công việc kinh doanh xuất phát từ nhu cầu rất đời thường - là có thời gian cũng như chủ động công việc cho bản thân và con nhỏ - khi người phụ nữ bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Dù có khiếu kinh doanh từ nhỏ nhưng “nghiệp” kinh doanh của chị chỉ thực sự đến sau khi lập gia đình.

“Ngày đi học, tôi còn sợ kinh doanh, vì thấy ông bà kinh doanh quá vất vả, nên không muốn kinh doanh. Nhưng đến khi học xong, đi làm ở công ty thương mại, thì tôi bắt đầu có ý tưởng thích kinh doanh, vì muốn có sự chủ động; không chỉ là chủ động về thời gian, mà vì nếu có một ý tưởng, một kế hoạch nào đó, tôi muốn là người chủ động thực hiện và không phải phụ thuộc vào người khác. Khi được chủ động, thì hoàn toàn có thể sắp xếp công việc phù hợp, không bị phụ thuộc vào người khác”, chị Oanh tâm sự.

.
Doanh nhân Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị văn phòng phẩm Hoàng Minh

 

Từ thuở nhỏ, Oanh đã tỏ ra là một người có khiếu kinh doanh khi mới 9 - 10 tuổi đã xin bà nội (làm nông nghiệp) mang rau ra chợ quê bán. “Tôi xin bà mang rau ra chợ bán với sự tò mò và hiếu động. Mãi rồi bà cũng đồng ý. Chợ cách nhà chừng hơn 1 cây số, họp buổi chiều. Đầu giờ chiều tôi mang rau đi bán, tối chờ mãi không thấy tôi về, cả nhà lo lắng. Rồi bà đi tìm và hỏi tôi sao bán lâu thế, mãi không về để cả nhà lo? Tôi trả lời: Cháu bán rau của bà tí là hết, rồi thấy chợ chưa tan, nên cháu tìm mua lại rau của người khác để bán kiếm tiền thêm”, chị Oanh dí dỏm kể.

Và cứ thế, nghiệp kinh doanh như một mối duyên vận vào chị, càng làm càng thích, càng làm càng đam mê, tâm huyết và muốn theo đuổi đến thành công; dù trước đó, chị đã muốn rẽ theo ngả khác là học nghề luật.

Khởi nghiệp đừng sợ... thiếu tiền

Bắt đầu với công việc kinh doanh văn phòng phẩm vào năm 2007 với số vốn ban đầu chưa đầy 30 triệu đồng, doanh nhân Nguyễn Thị Oanh khẳng định, tiền để khởi nghiệp không phải là vấn đề lớn. Theo chị, chỉ khi đã khởi nghiệp rồi, doanh nghiệp đã đi vào kinh doanh sâu, rộng, thì vốn lúc đấy mới là vấn đề, chứ khi bắt đầu khởi nghiệp, vốn không phải là vấn đề quan trọng nhất. Điều quan trọng lúc đó là phải có ý tưởng, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh phù hợp với năng lực, điều kiện và các phương án, giải pháp cho nó. Bản thân chị đã lựa chọn một công việc kinh doanh nhỏ nhất với sự đầu tư thấp nhất, an toàn nhất và ý tưởng là khả thi nhất. Đó là việc kinh doanh văn phòng phẩm, một mặt hàng tiêu hao thiết yếu dùng cho các hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp và khu chế xuất mà ít người trẻ nào thích.

Chị kể, khi bắt đầu khởi nghiệp có 2 lĩnh vực cũ và mới để chị lựa chọn. Một là, kinh doanh máy tính - là lĩnh vực chị đã có thời gian trải nghiệm. Hai là, văn phòng phẩm - lĩnh vực kinh doanh mới. Cuối cùng, chị đã quyết định lựa chọn  lĩnh vực văn phòng phẩm, bởi đây là lĩnh vực không đòi hỏi về kỹ thuật, bảo hành. Tuy nhiên, bước chân vào lĩnh vực mới, chị phải đối mặt với một thế giới mênh mông với hàng ngàn mặt hàng, chủng loại sản phẩm khác nhau. Hàng loạt yêu cầu đặt ra, làm sao để hiểu biết về sản phẩm, khai thác thị trường thế nào, chọn phân khúc nào, lối đi nào để có thể tồn tại và phát triển. Sau thời gian đầu lúng túng, chị cũng tìm được hướng đi cho riêng mình. 

Hai năm đầu, khách hàng chủ yếu là những người tiêu dùng cuối cùng. Sau 2 năm, dựa vào các mối quan hệ và cách đi riêng, chị đã đến tận “gốc rễ” vấn đề của nhà phân phối. Đó là trở thành đại lý cấp I, trực tiếp phân phối sản phẩm từ các nhà sản xuất. “Sau 2 năm là khách mua hàng của các đại lý chợ Đồng Xuân, từng bước, mình đã tiến tới cung cấp sản phẩm cho họ và đến nay, thì tất cả họ đều trở thành khách hàng thân thiết của mình”, chị Oanh tiết lộ.

Tồn tại trong môi trường cạnh tranh

Câu chuyện mà chị Oanh phác ra cho chúng tôi cách đây 10 năm, khi chị bắt đầu khởi nghiệp, thị trường văn phòng phẩm chưa cạnh tranh gay gắt như bây giờ. Hồi đó, những người kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực này đổ xô vào dòng hàng sản xuất từ Trung Quốc. Và không ít người trở thành “đại gia” nhờ vào việc kiếm lời từ việc nhập nguồn hàng này. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, chị đã nhận định, phân khúc này không bền vững, vì chủ yếu là hàng chất lượng thấp và trung bình, nhập khẩu theo đường tiểu ngạch... và ai cũng có thể dễ dàng trở thành nhà phân phối sản phẩm.

Cách chị Oanh chọn là con đường nhập khẩu, phân phối hàng chính ngạch, chất lượng cao. Con đường này mất nhiều thời gian, khó khăn hơn, nhưng nếu kiên trì và tin tưởng, sẽ có cơ hội thành công. Theo chị, cũng như các nước phát triển khác trên thế giới như Nhật Bản và Hàn Quốc cách đây 30 năm, thị trường của họ cũng cạnh tranh về giá. Nhưng hiện nay thì không phải như vậy, hàng hóa chất lượng cao và dịch vụ tốt  luôn được ưu tiên lựa chọn.

“Việt Nam cũng sẽ không phải là ngoại lệ với xu hướng chung của thế giới. Vì vậy, tôi vẫn kiên trì với hướng đi này”, chị Oanh nói.

Theo nữ doanh nhân Nguyễn Thị Oanh, một khó khăn khác mà doanh nghiệp của chị cũng phải đối mặt là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các bạn trẻ tham gia thị trường với những cách thức kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp. Bên cạnh điểm mạnh là làm tốt công việc marketing online, giảm giá, khuyến mại..., nhưng nhược điểm của họ là không có sản phẩm chính hãng, cạnh tranh bằng giá, nên cũng dễ làm “nhiễu loạn” thị trường, khiến những người kinh doanh hàng chất lượng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Để tồn tại trong điều kiện đó, cách chị chọn là trở thành đại lý cấp I của các nhà sản xuất. Bản thân chị tập trung xây dựng và huấn luyện đội sale chuyên nghiệp để quản lý kênh phân phối, chú trọng hơn đến dịch vụ, tập trung vào các hàng hóa mà nó có chất lượng cao, độc đáo và doanh nghiệp có cơ hội độc quyền. Trong sự cạnh tranh quyết liệt đó, nếu ai trải nghiệm sẽ cảm nhận được sức hút của công việc kinh doanh.

“Kinh doanh thú vị ở chỗ thị trường luôn luôn vận động, càng làm, càng khám phá và chinh phục thử thách càng tìm ra những cái mới, mang lại lợi ích cho cuộc sống, cho cộng đồng. Thế nên, tất cả những ai lựa chọn con đường kinh doanh, họ gần như không bao giờ bỏ cuộc dù phải đối mặt với khó khăn như thế nào chăng nữa. Với mình, do đã có thị trường, có hệ thống khách hàng từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Mình luôn mong muốn ngày càng có nhiều hơn khách hàng đồng hành với Hoàng Minh cùng chung tư tưởng của doanh nghiệp mình là nâng cao giá trị của người dùng bởi những sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ tốt”, chị Oanh chia sẻ bí quyết để tồn tại trong môi trường kinh doanh văn phòng phẩm nhiều cạnh tranh.

CHAT với doanh nhân Nguyễn Thị Oanh:

Nếu có một ngày hoàn toàn rảnh rang công việc và gia đình...?
Đọc sách, thiền, khám phá thế giới xung quanh để cân bằng cuộc sống.

Còn một ngày Chủ nhật thông thường thì sao?
Chủ Nhật là ngày tôi hoàn toàn dành cho gia đình. Một trong những việc tôi yêu thích là làm bánh pizza hoặc chế biến những món ăn cho các con rồi đưa chúng đi chơi.

Khoảnh khắc khó khăn nhất đã từng trải qua?
Cách đây gần 3 năm là thời gian tôi khó khăn nhất. Nền kinh tế suy thoái, ảnh hưởng tương đối lớn đến nhu cầu văn phòng phẩm, đặc biệt là với người phân phối những sản phẩm chất lượng cao.

Câu nói hay chia sẻ với các con là gì?
Câu chuyện tôi thường chia sẻ với 2 con của mình, muốn làm việc gì, đầu tiên phải là người có đạo đức. Từ việc ý thức về đạo đức, sẽ hình thành nên một nhân cách. Mong muốn con là người có nhân cách và trí tuệ. Tôi cũng thường gieo cho con những “từ khóa” để hình thành tư tưởng và nhân cách ngay từ nhỏ và ngấm dần lời dạy của mẹ sau này khi lớn hơn...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư