Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 26 tháng 01 năm 2025,
Doanh nhân Nguyễn Văn Cường, CEO Nụ Cười Mới: Luôn nở nụ cười với khách hàng
Viễn Nguyệt - 22/05/2021 14:08
 
Nguyễn Văn Cường không quá nặng nề vì những thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Anh luôn nhìn về tương lai tràn đầy hứng khởi, đúng như cái tên mà anh đã chọn cho doanh nghiệp của mình.
doanh nhân Nguyễn Văn Cường
Doanh nhân Nguyễn Văn Cường

Đến với du lịch nhờ chữ “duyên”…

Cường hẹn tôi tại một quán cà phê nhỏ ở phố cổ Hà thành. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Cường là đúng giờ - tác phong của người làm du lịch chuyên nghiệp. Mặc áo sơ mi “đóng thùng”, giày tây, Cường có dáng vẻ của “dân công sở” hơn là ông chủ của một doanh nghiệp vận chuyển khá “số má” trong làng du lịch, dù Công ty Nụ Cười Mới “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành.

“Em tuổi Sửu, nên số vất vả như… trâu”, Cường mở đầu câu chuyện bằng câu nói hài hước. Nhưng rồi, bất chợt giọng anh chùng xuống. Anh bảo, bước chân vào nghề du lịch đến nay đã tròn 16 năm, nhưng chưa khi nào anh chứng kiến không khí ảm đạm của du lịch như những ngày này. Từ khi Covid-19 bùng phát, hàng loạt hợp đồng thuê xe du xuân, vãn cảnh, lễ chùa… của Công ty bị hủy, trong đó có nhiều đoàn khách đông, giá trị hợp đồng lớn.

Tôi tin vào sự phục hồi của du lịch sau khi Covid-19 được khống chế, bởi đây là nhu cầu không thể thiếu của người dân, nhất là sau thời kỳ bị dồn nén vì đại dịch, nhu cầu đi du lịch sẽ tăng rất mạnh. Tuy nhiên, có một thực tế là, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đang rất đuối sức, kiệt quệ, rất khó khởi động để chạy đà, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường khi du lịch trở lại trạng thái bình thường. Nếu có một cái “phao” trợ lực của Nhà nước, thì mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Đây là điều mà hầu hết doanh nghiệp du lịch đang trông đợi.

Doanh nhân Nguyễn Văn Cường, CEO Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển du lịch Nụ Cười Mới

Khá tâm trạng, nhưng Cường không hề “sốc”, mà chỉ coi đó như một cơ hội để thể hiện năng lực ứng phó. Anh bảo, sự điềm tĩnh, cách nhìn nhận và xử lý vấn đề là bài học quý báu nhất mình tích lũy được sau những năm tháng “cầm mic” rong ruổi trên mọi nẻo đường…

Đam mê văn chương, yêu nghề đứng trên bục giảng để chia sẻ, truyền nhiệt huyết, nên khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Cường chọn thi vào khoa Văn, Trường đại học Sư phạm Đà Lạt. Nhưng, “thần may mắn” đã không mỉm cười với Cường. Không nản chí, anh lao vào ôn lại kiến thức để năm sau “phục thù”.

Vừa ôn thi, Cường vừa đi làm thêm cho một cửa hàng bán xe máy của người bà con ở TP.HCM. Chẳng mất quá nhiều thời gian, Cường đã thông thạo các thông số, giá cả, đặc tính của từng loại xe để giới thiệu mỗi khi khách hỏi.

Sớm nọ, một vị khách dáng vẻ phong trần bước vào cửa hàng để tìm “con chiến mã” đủ sức cho mọi địa hình. Thấy cậu nhân viên trẻ tuổi, tay cầm cuốn sách văn học, nhưng nói về các thông số kỹ thuật lại “chuẩn không cần chỉnh”, vị khách này khá ngạc nhiên. Trò chuyện một hồi, hiểu được tâm tư của cậu học trò người Bắc, ông chia sẻ với Cường, mỗi nghề đều có đặc thù, nếu đam mê, có nhiệt huyết với công việc, thì chắc chắn, nghề chẳng phụ người.

Vốn là hướng dẫn viên của một công ty du lịch, ông khuyên Cường có thể chọn nghề du lịch nếu muốn, không nhất thiết phải chờ một năm nữa để thi đại học. Lời khuyên của vị khách hàng dễ mến khiến Cường trằn trọc mấy đêm liền. Và rồi, anh quyết định chọn du lịch là lối đi cho mình.

Năm 2004, Cường thi vào Trường đào tạo nghề Du lịch và Tiếp thị quốc tế. Chỉ sau 1 năm, nghề hướng dẫn viên du lịch đã mở ra một chân trời mới với Cường. Không đầu quân cho công ty lữ hành nào (mặc dù thời đó, hướng dẫn viên du lịch chưa ra trường đã được nhiều nơi chào mời), Cường chọn làm hướng dẫn viên tự do để không bị gò bó và có thể chủ động chọn những tour yêu thích.

Trong 5 năm làm hướng dẫn viên cho các công ty du lịch ở TP.HCM, Cường gần như thông thuộc hết các tuyến, điểm chủ đạo như Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long…

“Những năm trước, công việc của hướng dẫn viên du lịch rất khác so với bây giờ. Khi đó, Internet chưa phổ biến, chưa có điện thoại thông minh, các thiết bị điện tử phục vụ giải trí cũng ít. Sự hỗ trợ phục vụ giải trí trên xe cũng chưa đa dạng, chỉ có micro cắm dây và phát qua hệ thống loa ô tô… Chính vì vậy, yêu cầu của du khách đối với hướng dẫn viên rất cao. Hướng dẫn viên không chỉ cần có kiến thức, hiểu biết xã hội, mà cần cả những kỹ năng hoạt náo, nhất là với hành trình dài ngày, để luôn tạo không khí vui tươi, sôi nổi cho đoàn khách. Ngoài ra, hướng dẫn viên cũng phải hỗ trợ khách rất nhiều. Thế nên, mỗi chuyến đi là một hành trình chia sẻ, mỗi khách hàng là một cuốn sách mà mình ít nhiều có thể học hỏi…”, Cường kể lại.

Nỗ lực tạo dựng uy tín, thương hiệu

Năm 2010, Cường ra Bắc, dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp được để thành lập Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển du lịch Nụ Cười Mới, trong đó, vận chuyển du lịch là mũi nhọn.

Kỳ vọng tạo ra một sắc thái mới lạ, khác biệt so với những đơn vị vận chuyển du lịch tại miền Bắc lúc đó, Cường đã nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang đậm phong cách phương Nam với tiêu chí “luôn luôn nở nụ cười” cùng những dịch vụ tốt nhất, cung cách phục vụ tận tình, chu đáo nhất để mang lại những trải nghiệm ý nghĩa cho khách hàng.

Với nguồn tài chính vừa đủ đầu tư 2 chiếc xe 45 chỗ, “doanh nghiệp siêu nhỏ” của Cường gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh với các công ty lớn, đã có thương hiệu, lại chưa được nhiều khách hàng biết đến. Thêm vào đó, thời gian này, nhiều khách hàng có xu hướng đi du lịch bằng đường hàng không thay vì đường bộ như trước, khiến thị trường co hẹp lại…

“Trưởng thành từ nghề hướng dẫn viên, được đi đến nhiều vùng miền trong nước và nước ngoài, nên tôi hiểu khá rõ tâm lý du khách. Họ bỏ tiền đi du lịch để thư giãn, giải trí, nên vấn đề đầu tiên đơn vị phục vụ phải đáp ứng được là đảm bảo sự yên tâm, an toàn, thoải mái”, Cường nói.

Vì vậy, theo anh, muốn thu hút khách hàng, trước tiên, doanh nghiệp phải tạo ra sản phẩm tốt, cộng hưởng nhiều yếu tố để mang lại sắc thái mới. Cũng là một chiếc xe đời mới, hiện đại, nhưng người phục vụ không tốt sẽ làm mất đi giá trị của chiếc xe, mất lòng tin của khách hàng, từ đó ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu doanh nghiệp mà phải mất rất nhiều tâm huyết mới gây dựng được. Vì vậy, Công ty của Cường đưa ra những quy chế rất rõ ràng, thưởng phạt công minh để duy trì văn hóa doanh nghiệp, tạo dựng uy tín, thương hiệu với khách hàng.

Điều rất đáng trân trọng ở Cường là sự ham học hỏi và theo đuổi đam mê đến cùng. Dù vô cùng bận rộn, anh vẫn dành thời gian theo học ngành quản lý văn hóa tại Trường đại học Văn hóa Hà Nội.

Cường kể, năm 2010, trong thời gian tìm hiểu thị trường cũng như tiến hành các thủ tục thành lập doanh nghiệp, những kỷ niệm về chặng đường “cầm mic” bất chợt ùa về. Anh nhớ nghề, nhớ những bài giảng đầy nhiệt huyết của thầy cô năm xưa và ngọn lửa đam mê nghề nhà giáo từ lâu vẫn nhen nhóm trong anh lại bùng cháy.

“Tôi nhớ, khi giảng về tuyến điểm du lịch, thầy giáo tôi với chất giọng miền Trung như thổi hồn vào mỗi bài giảng, khiến chúng tôi bị cuốn theo. Những bài giảng của thầy về giá trị văn hóa tiêu biểu của Huế, những ngôi chùa cổ, thành cổ Quảng Trị, những gian lao anh dũng của các thế hệ cha anh trong những năm tháng kháng chiến, lòng tự hào dân tộc… thấm vào suy nghĩ của chúng tôi. Tôi luôn tự hỏi, tại sao mình không cố gắng hoàn thiện bản thân để được một phần như thầy?”, Cường bộc bạch.

Những nỗ lực của anh đã thu về kết quả tương xứng. Cường nhận bằng cử nhân ngành quản lý văn hóa vào năm 2014 và bằng thạc sĩ vào năm 2019. Hiện nay, bên cạnh công tác điều hành doanh nghiệp, Cường còn tham gia giảng dạy tại Trường đại học Nguyễn Trãi, Trường đại học Đông Đô và một số trường có ngành liên quan đến văn hóa, du lịch…

Trở lại câu chuyện “du lịch thời Covid-19”, Cường kể, anh đã ấp ủ kế hoạch cho sự phát triển bứt phá mới của Công ty sau chặng đường 10 năm thành lập, nhưng đại dịch khiến dự định này phải thay đổi.

“Đặc thù trong hoạt động vận chuyển là khấu hao rất lớn. Hơn 1 năm qua, Công ty chỉ hoạt động với 20% công suất, trong khi mọi chi phí vẫn phải duy trì. Đây là khó khăn lớn, nhưng chúng tôi đã và đang nỗ lực hết sức để nụ cười luôn lan tỏa. Công ty hỗ trợ anh em lái xe một phần chi phí để trang trải cuộc sống khi khó khăn, giữ chân người lao động, sẵn sàng vào việc ngay khi du lịch có tín hiệu tích cực”, Cường chia sẻ.

Doanh nhân Lê Thị Hải Châu, CEO Mövenpick Phu Quoc: Làm dịch vụ bằng trái tim, duy trì thương hiệu bằng cái đầu
Lê Thị Hải Châu vẫn đau đáu ước mơ Phú Quốc có những thương hiệu du lịch “đích thực Phú Quốc”, nơi có vườn tiêu, có làng chài và những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư