Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Trần Hoàng Phú Xuân, CEO Faslink: Luôn sẵn sàng cho mọi thay đổi
Nguyễn Ngân - 10/02/2023 08:18
 
Với tâm thế luôn sẵn sàng cho mọi thay đổi, không ngừng sáng tạo và lan tỏa những điều mới mẻ, “nữ thuyền trưởng” Trần Hoàng Phú Xuân đã chủ động điều hướng “con thuyền” Faslink vào “hải trình” nhiều sóng gió là làm thời trang bền vững.
Doanh nhân Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kết nối thời trang (Faslink).

Tái khởi nghiệp với thời trang bền vững

Được thành lập năm 2008, Công ty cổ phần Kết nối thời trang (Faslink) là sự hợp nhất giữa Công ty cổ phần May mặc Xuân Phương Nam và Công ty Vải sợi may mặc An Thuận Phát. Ở mảng kinh doanh đồng phục, Faslink đã được hơn 900 doanh nghiệp và tổ chức tin dùng, trong đó có các doanh nghiệp nổi tiếng như Heineken, Coca-Cola, PepsiCo, Ajinomoto, KFC, Vietnam Airlines, Nguyễn Kim…

Tuy nhiên, không an phận với thành công đó, CEO Trần Hoàng Phú Xuân và đội ngũ Faslink mong muốn làm được nhiều hơn thế.

Trong quá trình làm việc, khảo sát thị trường, bà Xuân nhận ra rằng, thế giới đang hướng tới xu hướng thời trang xanh, bền vững và thị trường dệt may trong và ngoài nước hiện có rất nhiều loại sợi thông minh, an toàn với môi trường. Một lần đến tham quan hội chợ lớn nhất toàn cầu trưng bày các nguyên liệu ngành may mặc, bà rất ấn tượng với những loại vải vừa tốt cho sức khỏe người sử dụng, vừa thân thiện với môi trường.

“Tôi tự hỏi: Tại sao không ai cung cấp những chất liệu tuyệt vời này cho thị trường trong nước? Và ngay lúc đó, tôi đã nhận ra, đây sẽ là hướng phát triển bền vững của Faslink”, bà Xuân nói.

Thời điểm năm 2010, khi bắt đầu chuyển sang làm thời trang bền vững, Faslink chưa chịu sự thúc ép bởi luật pháp hay nhu cầu thị trường, mà chỉ đơn giản là sự lựa chọn của bà Xuân. “Ước mơ của tôi là Faslink sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam làm thời trang bền vững. Ở Faslink luôn tồn tại tinh thần không ngừng sáng tạo và lan tỏa những điều mới mẻ”, bà Xuân chia sẻ.

Với bà Xuân, việc chuyển hướng sang thời trang bền vững được coi là quá trình khởi nghiệp lần thứ hai. Faslink bắt đầu lần khởi nghiệp mới này bằng các loại sợi sinh học, thông minh và thân thiện với môi trường, với sản phẩm đầu tiên là vải sợi tre và đơn hàng đầu tiên là 500 m vải được bán cho Tổng công ty May Nhà Bè.

“Faslink đã có nhiều đơn hàng đồng phục trị giá nhiều tỷ đồng, nhưng tôi và đội ngũ thật sự hạnh phúc khi có được đơn hàng vải sợi tre đầu tiên này. Đối với Faslink, đây là một cột mốc cho thấy hướng phát triển sản phẩm sợi thời trang bền vững đã được thị trường đón nhận, dù chỉ với một số lượng khiêm tốn”, bà Xuân tâm sự.

Hiện tại, riêng đơn hàng vải tre của Faslink đã lên tới nửa triệu mét mỗi năm. Đây là tín hiệu tích cực cho sự phát triển thời trang bền vững tại Việt Nam. Người tiêu dùng, thị trường đã có nhu cầu ngày càng cao và ngày càng quan tâm hơn tới thời trang bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Chăm sóc sức khỏe người sử dụng

Không chỉ thân thiện, an toàn với môi trường, mỗi loại sợi vải trong ngạch thời trang bền vững đều có những đặc tính riêng rất thông minh, một số loại sợi ngoài bền, đẹp, còn có thể đem tới lợi ích cho sức khỏe người sử dụng.

Phần lớn sợi của Faslink được làm theo 2 loại công nghệ: sinh học và polymer. Các loại sợi tiêu biểu có thể kể đến như sợi bã cà phê, sợi sen, sợi từ vỏ hàu, sợi tái chế từ vỏ chai nhựa… Các loại sợi này đều có những tính năng vượt trội so với vải thông thường như thoáng mát, chống nắng, nhanh khô, vẫn giữ nguyên sợi vải sau nhiều lần giặt, tiết kiệm nước khi sản xuất vải…, thường được dùng để may đồ thể thao và nội y.

Đơn cử như vải sợi cà phê, bà Xuân hào hứng cho hay: “Cần 5 chai nhựa và 3 tách cà phê để làm ra một chiếc áo thun polo. Chúng tôi từng test tính khử mùi của loại vải sợi cà phê này bằng cách treo ở không gian nặng mùi trong 48 tiếng liền, nhưng vải không bị ám mùi khó chịu”.

Bà phân tích, bình thường, rác từ bã cà phê tạo ra khí metan là tác nhân gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng bằng công nghệ polymer hóa, bã cà phê (với nguồn xenlulose dồi dào) kết hợp cùng chai nhựa cũ tạo ra vải sợi cà phê có thể giữ lại được hầu hết các tính năng của cà phê, giúp khử mùi cơ thể đặc biệt hiệu quả. Loại vải này đảm bảo đặc tính co giãn tự nhiên, hút ẩm tốt, mỏng nhẹ, nhanh khô, chống nắng, chỉ số làm mát cao giúp người dùng thoải mái vận động. Đặc biệt, các tính năng này được bảo toàn trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm.

Một sản phẩm đặc trưng khác của Faslink là vải sợi hàu. Sản phẩm này được kết hợp từ chai PET tái chế và bột vỏ hàu ứng dụng công nghệ Nano hóa để tạo nên hạt nhựa hàu đặc biệt. Sản phẩm có nhiều tính năng khác biệt như chống tĩnh điện, chống nắng, nhanh khô, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, có thể tái sử dụng nhiều lần.

Hay như vải sợi sen, với nguyên liệu chính từ lá sen, sử dụng công nghệ kháng bên ngoài bề mặt, giúp vải có khả năng tự làm sạch bề mặt và chống bám bẩn hiệu quả, đồng thời còn có đặc tính mềm mại, co dãn. Bà Xuân cho biết thêm, điểm đặc biệt của vải sợi sen là chứa nhiều ion âm, rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, tạo nên sự thoải mái khi sử dụng…

Hướng đến mục tiêu phục vụ người Việt

Không có hành trình khởi nghiệp nào trải đầy hoa hồng, kể cả với một doanh nghiệp đã có uy tín ở mảng đồng phục như Faslink. “Không khó để tìm ra các loại sợi mới, mà khó ở việc làm thế nào để thương mại hóa được chúng”, bà Xuân chia sẻ.

Khi tới các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới, CEO của Faslink được tiếp cận rất nhiều loại sợi khác nhau làm từ bắp (ngô), cà phê, sen, sữa, bạc hà, ngải cứu, chuối, dứa… Nhưng bài toán đặt ra với bà là phải chọn được loại sợi nào có tính ứng dụng cao, thành phẩm phù hợp thị hiếu và yêu cầu tiêu dùng của người Việt, quan trọng là có mức giá hợp lý nhất.

Nguyên liệu của Faslink rất bền, có tuổi thọ lên tới 5-7 năm, dù giặt máy. Điều này cho thấy, sản phẩm của Faslink tối ưu về kinh tế, nhưng do thời gian sử dụng lâu, nên các mẫu thiết kế phải hướng tới những trang phục cơ bản, đơn giản, tiện lợi, với đầy đủ các tính năng như nhanh khô, khử mùi, không phải là ủi…

Còn nhớ, vào những năm đầu tiên Faslink tái khởi nghiệp, sợi bền vững là khái niệm rất xa lạ với người Việt và mức giá cũng khá cao ngay cả với người tiêu dùng thế giới. Với mục tiêu để người Việt được dùng những sản phẩm tốt nhất với giá cả hợp lý nhất, Faslink đã đưa ra tổ hợp các giải pháp đồng bộ.

Theo đó, trước hết, Faslink tiến hành thương lượng với đối tác làm sợi để có mức giá hợp lý nhất. Tiếp đến là minh bạch mọi thông tin về sản phẩm, như tính năng bảo vệ sức khỏe, các chỉ số đóng góp cho việc bảo vệ môi trường..., từ đó các nhãn hàng sẽ không còn lăn tăn khi đặt hàng, dù phải mua với giá cao hơn các loại vải thông thường từ 30 đến 40%.

Bước tiếp theo là tìm những người đồng hành, cùng tiên phong trong hướng phát triển thời trang bền vững. Hiện Faslink có hơn 50 đối tác là các thương hiệu hàng đầu trong nước và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các nhà máy dệt.

Theo bà Xuân, chi phí cao là một trong những khó khăn lớn nhất của hành trình chuyển đổi xanh. Trong thời gian đầu, hàng chưa bán được, nhưng chi phí đầu tư, nhân sự, cơ sở vật chất… vẫn phải đảm bảo. Tuy nhiên, Faslink may mắn có mảng đồng phục có kết quả kinh doanh ổn định, nên có thể vừa nhận các đơn hàng may đồng phục, vừa thực hiện chuyển đổi dần sang thời trang bền vững.

Thời gian tới, Faslink dự định tập trung nhiều hơn vào 2 thị trường ngách là hàng nội y và quần áo cho trẻ sơ sinh. Đây đều là những sản phẩm chú trọng đến chất lượng. Quan trọng hơn, ở Việt Nam, hai thị trường ngách này vẫn còn rất nhiều tiềm năng.

Ở tầm chiến lược, Faslink đang nỗ lực đầu tư để chuyển sang phương thức ODM (Original Design Manufaturer). “Faslink sẽ tiến tới sở hữu khả năng nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, thay vì chỉ là vai trò kết nối giữa các phòng lab với khối sản xuất như hiện tại”, bà Xuân chia sẻ.

Khó khăn là động lực để tiến tới

Lần khởi nghiệp thứ hai chắc hẳn cũng có nhiều khó khăn, thưa bà?

Đã có lúc, Faslink gặp rất nhiều khó khăn như khách hàng trọng điểm sụt giảm nghiêm trọng, phải thực hiện giãn cách xã hội… Nhưng chúng tôi đã vượt qua nhờ sự linh hoạt trong tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề. Điểm mạnh của Faslink chính là sự linh hoạt, thích ứng rất nhanh. Khó khăn là động lực để chúng tôi hướng đến những mục tiêu mới mẻ và khác biệt hơn.

Từ thực tế của mình, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm gì với những người đang khởi nghiệp?

Kinh nghiệm xương máu là để tồn tại, các nhà khởi nghiệp phải có tầm nhìn và chuẩn bị nhiều kế hoạch, kịch bản để sẵn sàng đối phó bất kỳ thử thách nào. Trong đó, quan trọng nhất là thái độ khi đối diện với sự thay đổi, phải tiếp nhận một cách chủ động, thay vì bị động. Faslink luôn có tâm thế phải sẵn sàng cho mọi thay đổi.
Doanh nhân Trần Đức Kiên, Nhà sáng lập, CEO SC Tech: Giấc mơ IPO đang gần lại
CEO Trần Đức Kiên khởi nghiệp với SC Tech khi đã ngấp nghé tuổi 50, nhưng tuổi tác không phải lý do để ông vội vàng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư