Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Vũ Hoài Thu - bà chủ của những cây nấm nhỏ
 
Vẫn là một ngày bận rộn như mọi ngày của nữ doanh nhân Vũ Hoài Thu. Chị đã từ bỏ vị trí phó giám đốc một công ty truyền thông có tiếng, công việc đã gắn bó trong suốt 10 năm qua, để bước sang một chương mới, tự mình kinh doanh nấm.
doanh nhân Vũ Hoài Thu
Doanh nhân Vũ Hoài Thu

Trong văn phòng nhỏ bé, đơn giản với kệ sách chất đầy giấy tờ, nổi bật lên là mùi hương và sắc vàng rực rỡ của bình hoa ly, như những ánh nắng ấm áp trong ngày đầu đông Hà Nội.

Khi tôi đến, chị đang tất bật với những cuộc điện thoại không ngớt, cả chồng giấy tờ chờ ký… Nhưng với nét mặt tập trung và giọng nói quyết đoán, tôi nhận ra rằng, đây chính là người mà mình cần gặp, một phụ nữ sẵn sàng bỏ sự “an toàn” để theo đuổi đam mê đích thực. 

Quyết đoán, sáng tạo và chữ “tâm”

Khác hẳn sự nghiêm túc, có đôi chút lạnh lùng khi giải quyết công việc, khi chia sẻ với tôi, chị trở lại với vẻ dịu dàng, điềm tĩnh của một người biết mình muốn làm gì và đang tận hưởng niềm vui trong quá trình thực hiện. Bắt đầu kinh doanh tại một lĩnh vực mới chắc hẳn gặp không ít khó khăn, khi được hỏi về những áp lực và trách nhiệm trên con đường mới này, chị cho biết, dù phải đối mặt với nhiều vấn đề nhưng mỗi ngày với chị đều tràn đầy năng lượng.

Trước đây, khi còn làm trong lĩnh vực truyền thông, chị vốn đã quen với áp lực từ công việc, với việc tư vấn, xây dựng chiến lược truyền thông, giải quyết khủng hoảng cho khách hàng. Giờ đây, với tư cách là chủ một doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước tất cả mọi hoạt động của công ty, phạm vi lớn hơn nên sức ép cũng lớn hơn rất nhiều. Từ việc phải lo được đời sống cho hơn 40 nhân viên tới việc lo mở rộng thị trường, ổn định phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu…

Dù vậy, theo chia sẻ, chị lại cảm thấy thú vị hơn nhiều, bởi chị được tự xử lý mọi việc một cách chủ động, chịu trách nhiệm với mọi quyết định của mình. Chị nói đơn giản rằng, mỗi vấn đề giải quyết hàng ngày là một kinh nghiệm, mỗi sai lầm là học phí cho kiến thức, bài học của chính mình. Chị nhìn nhận đó là những thử thách mà mình phải bước qua và thoải mái đón nhận nó.

Lối suy nghĩ tích cực của người điều hành hẳn đã góp sức cho sự vận hành doanh nghiệp. Bắt đầu hình thành vào năm 2012, với ý tưởng bất ngờ xuất hiện về việc hình thành một công ty kinh doanh nấm, Công ty Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam (Ideal Foods Vietnam) do chị gây dựng đã dần tạo được chỗ đứng trên thị trường.

Trước đây, tại thị trường nội địa, hầu hết các sản phẩm nấm đều là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc.. hoàn toàn thiếu vắng bóng dáng của sản phẩm “thuần” Việt. Cho tới nay, cây nấm và các sản phẩm chế biến từ nấm của Công ty đã phủ sóng 100% tại hệ thống các siêu thị tại Hà Nội và miền Bắc.

Chị Thu cho biết, các sản phẩm của công ty chủ yếu được đưa ra thị trường qua các kênh phân phối hiện đại, điển hình là siêu thị, thay vì kênh truyền thống tại các chợ. Đôi với kênh siêu thị, nấm Lý tưởng Việt chiếm thị phần thứ 2 trên thị trường với các loại sản phẩm đa dạng và độ phủ lớn.

Sản phẩm nấm của Ideal Foods Vietnam có mặt tại hệ thống các siêu thị: Metro, Big C, Vinmart, Co-op mart, Aeon, Aeon Fivimart, Lotte mart,Intimex, Aeon Citimart… và nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch tại thủ đô cũng như chuỗi các cửa hàng lẩu nấm lớn như Ashima.

Chị Thu cho biết thêm, thị trường các sản phẩm chế biến từ nấm tại Việt Nam gần như bị bỏ trống, trong khi tại nước ngoài, các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn từ nấm lại rất đa dạng. Nhận ra khoảng trống này, chị đã tự mày mò nghiên cứu về khẩu vị của người Việt, cách thức chế biến đa dạng của nước ngoài và tự kết hợp để tạo ra các sản phẩm chế biến sẵn từ nấm phù hợp với người Việt như các loại nem chả nấm đông lạnh, các loại ruốc nấm, pate nấm rồi cả giả Bò khô nấm, bánh đa (mì) nấm…

Theo tâm sự của chị, mặc dù hiện tại quy mô của Ideal Foods còn khá khiêm tốn, nhưng thị trường của các sản phẩm từ nấm là rất hứa hẹn, bởi ngày càng có nhiều người tìm tới loại thực phẩm sạch này, giữa những lo âu về chất lượng thực phẩm hiện tại. Bản thân chị là một người kinh doanh, cũng là một người phụ nữ chăm lo cho gia đình của mình, nên mối trăn trở về việc tìm một loại thực phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe luôn thường trực.

Chắc nhiều người đã biết tới câu chuyện về “mối duyên” của chị với cây nấm, khi trong một chuyến công tác sang Mỹ, chị thấy có một doanh nghiệp trồng nấm trong hộp để làm sản phẩm trang trí trong gia đình, văn phòng và lập tức bị ấn tượng mạnh. Tuy nhiên, quyết định bỏ việc, từ bỏ “vùng an toàn” của mình để gắn bó với cây nấm không chỉ vì sự ưa thích khám phá điều mới mẻ. Chị cho biết, khi đưa ra quyết định kinh doanh nấm, bên cạnh việc phân tích thị trường là mặt hàng này có nhiều tiềm năng, có khả năng phát triển thì còn có một phần lý do cá nhân. Đó là mong muốn kinh doanh một sản phẩm có ích cho cộng động như thực phẩm sạch,  đóng góp một phần nhỏ nhưng mang ý nghĩa nhân văn cho xã hội.

Khi nói những điều này, chị có đôi chút ngập ngừng, có lẽ vì “ngại” những lời lẽ trên dễ bị hiểu nhầm rằng chị đang tìm cách để “tô hồng” đôi chút về công việc kinh doanh. Nhưng với việc kinh doanh thực phẩm – một mặt hàng rất nhạy cảm, cái tâm của người doanh nhân là điều không thể thiếu.

Chị tự nhận mình là một người có nhu cầu cá nhân cực kỳ thấp, không đặt ra mục tiêu phải làm thật lớn, thu về nhiều lợi nhuận. Làm giàu không phải là động lực đầu tiên, cũng không phải là mục tiêu cuối cùng trong kinh doanh. Tất nhiên, yếu tố lợi nhuận là một phần, nhưng chị mong muốn có thể tự thỏa mãn mình khi làm một việc có ích cho cộng đồng, cho xã hội.

Không “tham công, tiếc việc”

Hiện tại, việc kinh doanh đã vào guồng, dù vậy khối lượng công việc hàng ngày vẫn rất lớn. Khi hỏi rằng liệu chị đã phải hy sinh những gì để đạt được thành công nhất định ngày hôm nay, tôi đã nhận được câu trả lời bất ngờ và đơn giản “Không gì cả!”. Với chị, từ “hy sinh” có lẽ không được chính xác.

Chị chia sẻ rằng, trước đây, khi còn làm trong lĩnh vực truyền thông, khi được giao nhiệm vụ hoặc tự nhận một công việc nào đó, nếu ước lượng rằng mình có thể đáp ứng được thì chị mới làm, nhất định không nhận nếu mình phải khổ sở, phải hy sinh nhiều thứ để làm được việc đó.

Trước đây là vậy và hiện tại cũng vậy. Chị luôn “ước tính” trước khối lượng công việc phù hợp với sức mình thì mới làm và làm trong tâm thế thoải mái. Cũng nhờ vậy, chị sắp xếp thời gian cho công việc, gia đình, cho bản thân khá hài hòa, cân đối. Không hy sinh một thứ quá nhiều cho cái khác.

Quan điểm của chị là không để bản thân bị quá tải, vì khi đó vừa khổ cho mình mà công việc cũng không được như ý. Nếu bây giờ có lời đề nghị tham gia cùng một dự án nào đó, kiếm được rất nhiều tiền, nhưng nếu không thể cam kết bỏ ra thời gian, công sức phù hợp với sức mình thì chị cũng không nhận. Chừng nào công việc được chuẩn hóa hơn hay có thể giao được việc cho người mà mình yên tâm, có thêm thời gian thì mới nhận công việc khác.

Theo chị, một trong những khó khăn của người phụ nữ khi làm kinh doanh, chính là làm sao để biết tiến và dừng đúng lúc. Nhiều người khi kinh doanh nói chung và phụ nữ kinh doanh nói riêng, dễ bị lao theo guồng quay của công việc vì quá say mê, “tham công tiếc việc”. Từ kinh nghiệm của bản thân, cách để cân bằng giữa công việc và cuộc sống đó là biết tự bằng lòng. Tuy làm kinh doanh bận rộn nhưng phải biết khi nào nên tiến thêm, khi nào tiến được và khi nào dừng, để cân đối quỹ thời gian dành cho gia đình, bản thân mình được trọn vẹn, hoàn hảo.

Chia sẻ với những kế hoạch mới của Công ty trong thời gian sắp tới, chị Thu cho biết, sang năm 2016, Công ty sẽ mở một khu vui chơi chuyên về nấm lần đầu tiên xuất hiện tại miền Bắc. Tại đây, du khách có thể tới tham quan, trải nghiệm cách trồng nấm, thu hoạch…

Ngoài ra, chị tiết lộ đôi chút về việc sẽ thành lập thêm một số vùng sản xuất và thu mua nấm với số lượng lớn, phục vụ cho nhu cầu sản xuất chế biến thêm những sản phẩm thực phẩm từ nấm để tiêu dùng trong nước và có thể xuất khẩu. Đây có thể coi là một mô hình đại chúng, tạo thêm nhiều việc làm cho người nông dân lúc nông nhàn, đồng thời tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp.

Khi được hỏi về lời khuyên đối với các các bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp, chị nhấn mạnh rằng, cần và nên phân tích kỹ mọi khía cạnh, lắng nghe chỉ dẫn của những bậc tiền bối, tuy nhiên, nếu sẵn sàng chấp nhận tình huống xấu nhất thì hãy vững tin để thực hiện. Bởi có những cơ hội chỉ tới khi còn trẻ, một khi đã qua sẽ không thể quay lại được. Với “bà chủ của những cây nấm nhỏ” này, chị đã biết nắm bắt được cơ hội tại thời điểm thích hợp, mạnh dạn đi theo điều mình tin là đúng để có được vị trí ngày hôm nay.

Nữ doanh nhân Đinh Thị Song Nga: Kinh doanh kiểu “nhà giáo”
Giám đốc Đinh Thị Song Nga không nổi tiếng như chiếc cặp phao mà Công ty TNHH Nam Thăng Long của bà đang “phổ cập” cho học sinh vùng sông nước....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư