Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Đổi mới chất vấn tại Quốc hội: Không giới hạn bộ ngành, ưu tiên vấn đề nóng
Nguyễn Lê - 15/07/2023 10:15
 
Các Đoàn đại biểu Quốc hội nêu nhiều ý kiến đánh giá, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
.
Một phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua của Quốc hội.

Nên dành khoảng 1/3 thời gian chất vấn và trả lời chất vấn cho các vấn đề đang nóng tại thời gian đó; không giới hạn là bộ nào, ngành nào để phiên chất vấn và trả lời chất vấn mang hơi thở cuộc sống hơn, đáp ứng nguyện vọng cử tri và Nhân dân hơn.

Đó là một trong nhiều nội dung được nêu tại ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Chiều 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo báo cáo được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày, với mong muốn hoạt động chất vấn đạt hiệu quả, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm chuẩn bị kỹ câu hỏi, nêu chất vấn ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề; tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy giải quyết hiệu quả các bức xúc trong xã hội và tạo chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực.

Các thành viên Chính phủ cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc vấn đề thuộc phạm vi quản lý, cầu thị lắng nghe, tiếp thu, trả lời đầy đủ, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp; giải trình nghiêm túc, rõ trách nhiệm, giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, trong đó, xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành, làm cơ sở để giám sát việc thực hiện, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện nghiêm túc các cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước. Đây cũng là căn cứ để Quốc hội giám sát lại và xem xét lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Cường cho biết. 

Vẫn đánh giá về hoạt động chất vấn, Tổng thư ký Quốc hội cũng nêu rõ hạn chế, đó là một số câu trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đi vào trọng tâm câu hỏi, chưa thực sự đưa ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề.

Báo cáo tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cũng cho thấy hoạt động chất vấn cần được đổi mới.

Tại kỳ họp 5 vừa qua, Quốc hội đã dành 2,5 để chất vấn 4 bộ trưởng, trưởng ngành, gồm: Bộ trưởng Bộ Lao động , thương binh – xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng  Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Tổng thư ký Quốc hội phản ánh, có ý kiến cho rằng vẫn còn tình trạng đại biểu chất vấn chưa bám sát những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội của đất nước đã và đang diễn ra trước, trong Kỳ họp, nhất là những vấn đề kinh tế - xã hội mà cử tri quan tâm, một số nội dung câu hỏi chưa sâu sắc, chưa mang tầm chất vấn, một số ý kiến trùng nhau, số lượng câu hỏi quá nhiều, liên quan nhiều vấn đề, nhưng thời gian trả lời không tương xứng nên ảnh hưởng chất lượng trả lời của các Bộ trưởng.

Bên cạnh đó, có ý kiến nhận xét một số nội dung trả lời chưa đúng ý chất vấn của đại biểu, cần được người đứng đầu ngành trả lời trọng tâm, chi tiết hơn nữa, đi vào trọng điểm câu hỏi của đại biểu.

Có vấn đề chưa thực sự đưa ra được các giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề; còn đổ lỗi cho khách quan, chưa mạnh dạn nhận trách nhiệm dù thực tế trách nhiệm là do chủ quan của ngành quản lý, chỉ đạo thực hiện nội dung được chất vấn; bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế và thách thức, cần phải có quyết tâm cao, có nhiều giải pháp đột phá, hành động quyết liệt, cụ thể, sâu sát để khắc phục trong thời gian tới.

Một số Bộ trưởng lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn còn thiếu tự tin, chưa nắm chắc vấn đề, nhiều nội dung chưa được trả lời, giải trình thỏa đáng; khi đại biểu đặt câu hỏi để tìm hiểu thông tin và một số câu chất vấn chưa được trả lời; trong khi đó, nhiều đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn do không còn thời gian.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc lại nguyên tắc sau 12 tháng mới chất vấn lại nội dung đã có trong nghị quyết chất vấn tiếp theo, vì thực tiễn có thể ngay sau kỳ họp đã cần chất vấn lại những vấn đề “nóng”, “bức xúc”, mà đại biểu Quốc hội đã phản ảnh ý kiến cử tri tại Hội trường.

Đề nghị nghiên cứu bố trí thêm thời gian cho hoạt động này tại Kỳ họp để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy việc chất vấn về các vấn đề bức xúc, các thành viên Chính phủ trả lời thẳng vấn đề, tăng cường tranh luận, làm rõ vấn đề...; dành thời gian (khoảng 1/3 thời gian) chất vấn và trả lời chất vấn cho các vấn đề đang nóng tại thời gian đó; không giới hạn là bộ nào, ngành nào để phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ mang hơi thở cuộc sống hơn, đáp ứng nguyện vọng cử tri và Nhân dân hơn.

Bên cạnh đó, trong điều hành phiên chất vấn, đề nghị Chủ tọa cần ưu tiên các đại biểu đã đăng ký chất vấn theo thứ tự, hạn chế ưu tiên các đại biểu đăng ký tranh luận.

Cạnh đó, có ý kiến cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu để có giải pháp phù hợp để đại biểu không dùng quyền tranh luận để phát biểu hoặc để chất vấn .

Trong chất vấn, có ý kiến cho rằng có thể xem xét chất vấn một số Tập đoàn, Tổng Công ty doanh nghiệp Nhà nước, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, Tổng cục Thuế, Kiểm toán Nhà nước (thí điểm trước 1, 2 đơn vị), báo cáo nêu. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư