Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dồn lực thúc tăng trưởng kinh tế
Hà Nguyễn - 04/10/2023 08:06
 
Chỉ còn một quý cuối cùng để nỗ lực, làm sao đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2023 là bài toán đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả nền kinh tế.
Một thông tin tích cực là, 9 tháng năm 2023, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước

Lựa chọn khó khăn

Sau khi con số tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2023 được công bố ở mức 4,24%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế quý IV và cả năm 2023. Điều đáng chú ý, ở cả ba kịch bản, con số cao nhất chỉ là 6%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,5%).

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, lựa chọn con đường nào cho nền kinh tế cũng không phải dễ dàng. Với kịch bản 1 - thấp nhất, muốn tăng trưởng GDP cả năm 5%, thì quý IV cần đạt mức tăng trưởng 7%. Trong khi đó, ở kịch bản 2 - tăng trưởng 5,5%, thì tăng trưởng quý IV phải ở mức 8,8%. Còn ở kịch bản cao nhất - tăng trưởng 6%, thì quý IV, tăng trưởng lên tới 10,6%.

“Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu như vậy tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2023.

Cũng tại phiên họp này, mặc dù cho rằng, kịch bản 2 là mức có thể đạt được, song Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vẫn yêu cầu lựa chọn kịch bản 3 - tăng trưởng 6% để “tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023”. Đây là một lựa chọn khó khăn, bởi để tăng trưởng GDP quý IV đạt 10,6%, cần sự phục hồi mạnh mẽ của cả 3 động lực tăng trưởng: giải ngân đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Giải ngân đầu tư công, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, lần đầu tiên đạt trên 51,38% kế hoạch và cao hơn cùng kỳ năm trước 110.000 tỷ đồng. “Chúng ta chưa năm nào mà 9 tháng giải ngân vượt qua 50% vốn kế hoạch cả”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và đề nghị cân nhắc khi nói rằng “giải ngân vốn đầu tư công thấp”, vì thực tế không thấp.

Trong khi đó, xuất khẩu vẫn rất khó khăn. 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ 8,2%. Thậm chí, nếu tính theo tháng thì tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Xuất khẩu có vẻ đang “hụt hơi” và có thể tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp.

Một thông tin tích cực là sản xuất công nghiệp đã được cải thiện hơn. 9 tháng năm 2023, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%. Tuy vậy, mức tăng này vẫn còn thấp.

Một thông tin kém vui là Chỉ số Nhà quan trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 9/2023, do S&P Global Market Intelligence vừa công bố, lại giảm xuống chỉ còn 49,7 điểm, dưới mốc 50 điểm, sau khi có sự cải thiện vào tháng 8. Điều này cho thấy, các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm, mặc dù suy giảm ở mức nhỏ. Tuy nhiên, điểm tích cực là số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ hai liên tiếp.

Trong khi đó, do kinh tế khó khăn, thị trường trong nước chưa được thúc đẩy phát triển hiệu quả. Tiêu dùng phục hồi chậm, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ở mức cao. Nghĩa là, cả 3 động lực tăng trưởng đều chưa thực sự sẵn sàng cho sự tăng tốc mạnh mẽ.

Dồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Khi cả 3 động lực tăng trưởng đều đang yếu, trong khi Thủ tướng Chính phủ quyết lựa chọn kịch bản tăng trưởng 3, thì không cách nào khác, phải dồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khi cả 3 động lực tăng trưởng đều đang yếu, trong khi Thủ tướng Chính phủ quyết lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao nhất, thì không cách nào khác, phải dồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

“Giải pháp là phải tăng được tổng cầu của nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói và nhấn mạnh việc hiện nay, nguồn lực đầu tư công mới giải ngân được hơn một nửa, còn gần một nửa vốn kế hoạch năm 2023 cần phải đưa vào giải ngân để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. “Chúng ta phải quan tâm các giải pháp trước mắt đã. Đầu tư công phải bung ra, phải thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho tiếp cận đất đai, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư bất động sản”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Thực tế, dù đạt được những kết quả rất tích cực, song áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay vẫn còn rất lớn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến việc các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm giải ngân được 95% kế hoạch trong năm nay, đặc biệt là vốn đầu tư thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Là một trong những địa phương thuộc top 10 cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, với 9 tháng đạt tỷ lệ trên 71%, Bắc Giang đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình này. Hồ hởi thông báo việc tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 14,59% trong quý III và 12,25% trong 9 tháng, đứng thứ hai cả nước, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn hàng đã tăng, lực lượng lao động làm việc trong các khu công nghiệp có thời điểm giảm 20.000 người, nay đã tăng thêm 50.000 người.

“Năng lực sản xuất cũng tăng thêm, khi vừa rồi có thêm nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động, trong đó có nhà máy bán dẫn đầu tiên ở khu vực phía Bắc Hana Micron. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Lê Ánh Dương nói và cho biết, Bắc Giang phấn đấu tăng trưởng GRDP quý IV sẽ cao hơn quý III, cả năm sẽ không có chỉ tiêu nào không hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đánh giá cao nỗ lực của Bắc Giang, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, nếu tỉnh nào cũng được như Bắc Giang, thì “cả nước phấn khởi”.

Hà Nội cũng đang nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vui mừng cho biết, đã lâu rồi giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội mới vượt con số bình quân của cả nước (hơn 24.600 tỷ đồng, đạt 52,3% kế hoạch - PV).

Hơn nữa, tăng trưởng dư nợ tín dụng 9 tháng của Hà Nội đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 10,65% so với cuối năm 2022, trong khi dư nợ tín dụng của cả nước chỉ tăng 5,91%. “Điều này chứng tỏ doanh nghiệp trên địa bàn còn sức sống”, ông Trần Sỹ Thanh nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài...

Song, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường. Đó là, sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao; xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát; rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Bởi thế, đây là thời điểm dồn lực để thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phải thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Đấy chính là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024
Những phác thảo ban đầu về kinh tế - xã hội năm 2024 đã được hé lộ. Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đặt mục tiêu như...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư