Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Dồn tiền đối ứng cho dự án ODA giao thông
Anh Minh - 13/09/2016 08:13
 
Chủ đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giao thông đang tích cực gỡ “giáp hạt” vốn đối ứng để đẩy nhanh tiến độ thi công.
TIN LIÊN QUAN

Cho đến thời điểm này, chủ đầu tư Dự án Đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện – công trình có tổng mức đầu tư lên tới 11.850 tỷ đồng có thể yên tâm về tiến độ xây dựng cũng như kế hoạch giải ngân do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao hồi đầu năm.

Theo Ban quản lý dự án 2, tính đến cuối tháng 8/2016, gói thầu xây lắp chính của tuyến cao tốc dài 15,6 km, trong đó phần cầu vượt biển dài 5,6 km do liên danh Sumitomo Mitsui – Trường Sơn – Cienco4 đã đạt đạt khoảng 6.511 tỷ đồng/ 7.632 tỷ đồng, tương ứng khoảng 85% giá trị Hợp đồng, trong đó sản lượng của Sumitomo Mitsui đạt 4.829 tỷ đồng, tương đương 96% tổng giá trị sản lượng của Nhà thầu. Nhà thầu chính đến từ Nhật Bản cũng đã cơ bản thi công xong toàn bộ kết cấu phần dưới và đúc xong 1433/1495 đốt dầm của cầu vượt biển – hạng mục được coi là đường găng tiến độ Dự án.

Kết quả giải ngân sẽ được đẩy mạnh nếu việc bố trí sớm và đủ vốn đối ứng cho các Dự án. Ảnh: Đức Thanh
Kết quả giải ngân sẽ được đẩy mạnh nếu việc bố trí sớm và đủ vốn đối ứng cho các dự án. Ảnh: Đức Thanh

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án 2 cũng đã giải ngân được 1.287 tỷ đồng trong tổng số 1.300 tỷ đồng vốn kế hoạch ODA được Chính phủ, Bộ GTVT giao năm 2016.

Ông Bùi Huy Kiểm, Giám đốc điều hành Dự án cho biết, nếu được bố trí thêm vốn, việc giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng vốn ODA ngay trong năm này là điều nằm trong tầm tay.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án Đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện - hợp phần quan trọng của Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện có quy mô vốn hơn 25.000 tỷ đồng nếu hoàn thành vào quý I/2017 sẽ tạo cú hích quan trọng cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Không chỉ riêng Dự án Đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, một loạt các dự án hạ tầng sử dụng vốn vay ODA do Bộ GTVT quản lý đang bắt đầu bứt tốc sau thời gian chạy “rốt đa”. Từng bị đưa vào danh sách 17 dự án sử dụng vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) có vấn đề về giải ngân hồi giữa tháng 6/2016, tiến độ thi công và giải ngân tại Dự án Đường cao tốc Nẵng – Quảng Ngãi đã có sự cải thiện đáng kể nhờ công tác điều hành vừa quyết liệt, vừa linh hoạt của chủ đầu tư. Tính đến cuối tháng 8/2016, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã hoàn thành 55% khối lượng xây lắp, giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng.

Sẵn sàng cắt chuyển khối lượng của các nhà thầu chậm tiến độ, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng chủ động ứng 1.136 tỷ đồng từ nguồn thu phí để có đủ vốn phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thay vì thụ động đợi Chính phủ bố trí vốn đối ứng. Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng mục tiêu thông xe đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ vào đầu năm 2017 mà VEC cam kết với lãnh đạo Chính phủ và Bộ GTVT đã nằm trong tầm tay.

Những tín hiệu tích cực từ các dự án nói trên đã góp phần giảm bớt áp lực giải ngân vốn xây dựng cơ bản cho Bộ GTVT vốn đang rất căng thẳng. Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tính đến hết tháng 8/2016, kết quả thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 36.434,97 tỷ đồng, đạt 47,4%; giải ngân ước đạt 36.352,03 tỷ đồng, đạt 47,29% kế hoạch năm 2016.

Trên thực tế, kết quả giải ngân sẽ được cải thiện hơn nếu như các bộ ngành liên quan bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án. Hiện các chủ đầu tư trong ngành đang ngóng khoản tiền trị giá 4.000 tỷ đồng vốn đối ứng năm 2016 cho các dự án sử dụng vốn ODA từ nguồn thu cổ phâfần hóa doanh nghiệp nhà nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung vào tháng 7/2016.

Nếu đề xuất này được thông qua, Bộ GTVT sẽ nhận thêm 3.210 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận 260 tỷ đồng; các địa phương nhận 530 tỷ đồng vốn đối ứng năm 2016 cho các dự án, chương trình sử dụng vốn vay ODA.

Được biết, các dự án đủ điều kiện xem xét bổ sung vốn đối ứng theo tiêu chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong năm 2016 là 36 dự án có nhu cầu bổ sung vốn đối ứng là 9.284 tỷ đồng. Trong đó, Bộ GTVT là 8.488 tỷ đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông là 260 tỷ đồng của 6 dự án; các địa phương là 535,3 tỷ đồng của 12 dự án.

Các dự án không đủ điều kiện xem xét bổ sung vốn đối ứng trong năm 2016 là 2.680,1 tỷ đồng, trong đó các bộ ngành là 2.193 tỷ đồng; các địa phương là 487 tỷ đồng.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng số kế hoạch vốn đối ứng năm 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành và địa phương là 4.264,5 tỷ đồng (chưa bao gồm phần đối ứng cho ngân sách địa phương chịu trách nhiệm cân đối), trong khi tổng nhu cầu vốn đối ứng năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương là 11.964 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án 2, tổng số tiền nợ nhà thầu đối với phần vốn đối ứng (thuế VAT, thuế nhập khẩu, VAT nhập khẩu) tại Dự án Đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện hiện khoảng 448 tỷ đồng (tính từ tháng 6/2015).

Nhà thầu đã chính thức có thư khiếu nại về việc giảm năng suất công việc; yêu cầu bồi thường phí tài chính, lũy kế đến thời điểm hiện tại và từ nay trở về sau, đối với khoản tiền chưa thanh toán trong khoảng thời gian trì hoãn.

“Trường hợp Dự án không bố trí kịp nguồn vốn đối ứng để thanh toán cho Nhà thầu các chi phí nêu trên sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án và gây ra các khiếu nại, khiếu kiện từ phía Nhà thầu”, ông Lưu Việt Khoa, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư