Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Động lực tăng trưởng năm 2024: Lời giải từ những thách thức hiện hữu
Khánh An - 04/01/2024 09:51
 
Cho dù những dấu hiệu khả quan của nền kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 chưa đủ khỏa lấp nhiều dự báo đầy khó khăn, song các động lực tăng trưởng của nền kinh tế dường như đang được đặt vào thế buộc phải xoay chuyển.

Những nghịch lý phát triển

Doanh số mua hàng cuối năm 2023 ở Mỹ tăng thấp cùng với kỳ Giáng sinh tiết kiệm ở châu Âu khiến đồ thị tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu quý I/2024 của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Việt Nam (CIEM) nhiều khả năng vẫn ở tình trạng nhích lên, sau cú lao dốc vào cuối năm 2022 (xem đồ thị).

“Tôi đã rất cân nhắc khi chọn từ “cải thiện từng bước” thay vì “phục hồi”, dù ở mức nhẹ, chưa bền vững, để nói về hoạt động xuất khẩu, cũng như sản xuất công nghiệp năm 2024. Cộng dồn kim ngạch xuất khẩu năm 2023 có tốc độ tăng trưởng âm so với năm 2022, trong khi khó khăn đang đợi phía trước giảm đi không nhiều, thậm chí khá nhiều yếu tố bất ổn khi các nghịch lý phát triển ngày càng lộ rõ”, TS. Cung phân tích.

Có thể nhắc đến nghịch lý của một thế giới kết nối kinh tế chưa từng có, nhưng đồng thời lại phân mảnh về địa chính trị hơn bao giờ hết. Nghịch lý trong thế cạnh tranh quyết liệt giữa các siêu cường nhằm định hình trật tự thế giới, đồng thời cần hợp tác sâu rộng để giải quyết những thách thức chung của toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng.

Đặc biệt, chưa bao giờ hội nhập kinh tế quốc tế có biểu hiện phân mảnh, chậm lại và tập trung nhiều vào “nội khối” như hiện tại. Các chuỗi cung ứng đang được thúc đẩy tái cấu trúc theo hướng chuyển hoạt động sản xuất sang các nước thân thiện (friendshoring), về gần nhà (nearshoring), hoặc thậm chí về hẳn sân nhà (reshoring) để quản lý rủi ro và giảm chi phí vận hành các chuỗi cung ứng.

Dự báo cũng đang cho thấy, tăng trưởng các nền kinh tế đối tác thương mại chính của Việt Nam có thể thấp hơn trong năm 2024, nhất là kinh tế Trung Quốc, đồng nghĩa với cầu thế giới vẫn chưa tăng nhanh trở lại trong nửa đầu năm 2024.

Áp lực không chỉ đổ vào xuất khẩu hay các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Theo phân tích của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), khi các chuỗi giá trị ngắn hơn và sự dịch chuyển từ tìm kiếm nguồn cung ứng toàn cầu sang tìm kiếm nguồn cung nội địa sẽ khiến một phần dòng đầu tư sẽ dịch chuyển ra khỏi các nước mới nổi.

Cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ trở nên gay gắt hơn và có nhiều đơn hàng xuất khẩu bị mất đi.

Thời điểm cho bước chuyển lớn

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ muốn đặt ra cách nhìn tích cực về thực trạng “mất đơn hàng”, nhất là câu chuyện đang được tranh luận nhiều về việc nhiều đơn hàng dệt may của doanh nghiệp Việt Nam bị rơi vào tay doanh nghiệp Bangladesh.

“Chúng ta có cần phải cạnh tranh với Bangladesh để đòi lại những đơn hàng giá rẻ, thâm dụng lao động không, hay xác định bỏ qua các đơn hàng đó, tham gia chuỗi giá trị cao hơn của dệt may, hay kêu gọi các nhà đầu tư làm ô tô, sản phẩm điện tử, bán dẫn... để xuất khẩu”, TS. Kiên đặt vấn đề, nhưng hàm ý nội dung trả lời khá rõ.

Trong phân tích về các mặt được - mất trong bức tranh xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam thậm chí khẳng định, về lâu dài, Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh xuất khẩu một số mặt hàng nhạy cảm về giá, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động, đương nhiên cũng sẽ mất đi các dòng vốn đổ vào lĩnh vực này.

Tương tự, chuyên gia UNDP cũng nhận định, trong xu hướng sản xuất các linh kiện công nghệ cao như chất bán dẫn chuyển sang Mỹ và các nước tiên tiến khác, Việt Nam có thể mất một số nhà đầu tư nước ngoài và thị trường nước ngoài trong các ngành này.

Tuy nhiên, cơ hội của Việt Nam lại hiện hữu, khi các lợi thế rất rõ, đó là chi phí sản xuất, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, chính trị ổn định và thị trường nội địa đang phát triển. Tận dụng được những lợi thế này, có cơ chế kịp thời khuyến khích sản xuất các sản phẩm và linh kiện có giá trị gia tăng cao hơn, nâng cấp năng lực công nghệ và chất lượng lực lượng lao động, đồng thời hoàn thành quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững, thì khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các điểm đến đầu tư khác là nổi trội.

Hơn thế, Việt Nam cũng đang được nhà đầu tư Mỹ và Trung Quốc lựa chọn là điểm kết nối hai bên có cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại sau khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với hai nước được nâng cấp...

“Việt Nam nên chuẩn bị cho việc thay đổi lợi thế cạnh tranh quốc gia này ngay từ bây giờ. Theo kinh nghiệm của các quốc gia có nền kinh tế thành công ở Đông Á, xây dựng các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đóng vai trò rất quan trọng, tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào các công ty nước ngoài để tăng năng suất và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế”, bà Ramla Khalidi khuyến nghị.

Đặc biệt, bà nhắc đến những khuyến nghị từng nêu ra, song vẫn cần nhắc lại và nhấn mạnh, đó là tăng cường liên kiết hai chiều giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển... Vì nhiều khả năng, đầu tư của khu vực tư nhân vẫn chưa thể hồi phục nhanh, khi năm 2023 chỉ tăng được khoảng 2,3%, dù đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Lời giải từ thực thi

GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng vào gia tốc của các động lực “ở thế phải thay đổi” trong nỗ lực đạt tới mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% của năm 2024.

Cũng phải nói thêm, điều kiện để đẩy nhanh sự thay đổi này đang hội tụ nhiều yếu tố thuận khi có dư địa điều hành chính sách tiền tệ theo khả năng của nền kinh tế, không bị nhiều áp lực về lạm phát, tỷ giá như năm 2023; có khả năng duy trì mức lãi suất thấp. Chính phủ có thể thực hiện được rốt ráo chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi qua miễn, giảm các loại thuế, phí...

Ngoài ra, một số chính sách mới trong lĩnh vực bất động sản sẽ có hiệu lực, bao gồm cả khả năng thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vào đầu năm 2024, có thể tháo gỡ nút thắt đang chặn cửa phục hồi của thị trường này. “Khi các dự án bất động sản được tháo gỡ nhiều hơn, cầu đầu tư cho lĩnh vực này sẽ tăng, kéo theo nguồn vốn cho đầu tư phát triển tăng lên, tạo cơ hội để thị trường tiền tệ và thị trường vốn năm 2024 sôi động trở lại”, ông Cường nhận định.

Tuy nhiên, bài toán nếu - thì lại xuất hiện. Nếu Việt Nam muốn thu hút đầu tư nước ngoài công nghệ cao, vào bán dẫn để tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu cao hơn, thì không thể dùng lao động giá rẻ, mà phải đầu tư đào tạo nguồn nhân lực. Nếu muốn giảm phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, thì cần doanh nghiệp trong nước đủ sức làm đối tác, đủ sức nhận chuyển giao công nghệ... Nếu muốn doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn mạnh, đầu tư tạo năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế, thì cần môi trường thể chế phù hợp, cần sự dẫn dắt của đầu tư công. Nếu muốn thúc đẩy đầu tư công, thì cần giải tỏa vướng mắc trong quy trình, thủ tục...

Có thể thấy, lời giải bài toán tới hạn của các động lực tăng trưởng hiện hữu chính là việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ dựa vào lợi thế vốn, giá rẻ, tài nguyên tự nhiên sang dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo... của Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, cũng như mục tiêu nâng chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Vấn đề là, sẽ không thể giải hết bài toán này trong 1 năm, song ông Cường xác định, việc cần làm ngay là gỡ các rào cản thể chế, giải quyết dứt điểm tâm lý sợ sai, bên cạnh các giải pháp cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp...

“Để thúc đẩy gia tốc các động lực tăng trưởng hiện hữu, cũng như tìm động lực mới từ xu thế phát triển trong bối cảnh hệ thống cơ chế, chính sách đang được hoàn thiện, rất cần đội ngũ công chức có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đề xuất cách thức quản lý, cơ chế phù hợp. Nhưng nếu vẫn giữ nguyên tắc là cán bộ nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp quy định như hiện tại, sẽ không thể gỡ được các vướng mắc đang tồn tại trong hàng loạt dự án bất động sản, trong quy trình thủ tục đầu tư...”, ông Cường bày tỏ quan điểm.

Nghĩa là, thời điểm này, sự đột phá về thể chế phải bắt đầu từ cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp thực thi, cho phép lựa chọn những quy định của luật pháp hiện hành phù hợp nhất để giải quyết công việc hiệu quả nhất, chứ không phải là tuân thủ đúng hay không...

Gỡ được nút thắt này, khơi lại niềm tin kinh doanh, các động lực tăng trưởng mới có điểm tựa để xoay chuyển kịp với đòi hỏi của nền kinh tế và xu thế phát triển.

Tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á
Theo Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có tốc độ tăng trưởng Kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, hai năm liên tiếp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư