Thứ Hai, Ngày 07 tháng 04 năm 2025,
Động lực tăng trưởng và câu hỏi doanh nghiệp sao khó lớn
Khánh An - 06/04/2025 08:36
 
Không gian tăng trưởng của nền kinh tế đang dịch chuyển, mở rộng gần như không giới hạn, song việc tiếp cận cơ hội của doanh nghiệp lại vướng quá nhiều rào cản.
Doanh nghiệp nhỏ có đóng góp rất lớn vào nền kinh tế, song đang khó mở rộng, phát triển. Ảnh: Đức Thanh

Lời cảm thán của vị giám đốc lớn tuổi

Lúc 16 giờ một ngày thứ Sáu, vị giám đốc đã lớn tuổi lọ mọ đến cơ quan hành chính theo lời yêu cầu, để chỉnh sửa một vài sai sót trong nội dung hồ sơ xin phép của doanh nghiệp. “Tôi được mời đến để chỉ sửa một vài lỗi sai chính tả. Hôm đó là ngày cuối cùng trong khoảng thời gian xử lý hồ sơ theo quy định. Tôi có cảm giác như là đi xin xỏ”, vị giám đốc chia sẻ, với sự mệt mỏi không che giấu.

Doanh nghiệp của ông hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp kết hợp với thiết bị xây dựng, do ông sáng lập, đã túc tắc lớn dần lên, bắt đầu làm ăn được với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, ông kể, barie quá nhiều, từ thủ tục, quy định và cả sự không rõ ràng, minh bạch trong các quy định.

“Nhiều người hỏi doanh nghiệp cần hỗ trợ gì để lớn lên, tôi đã từng chia sẻ rằng, chỉ cần các quy định pháp luật công bằng và rõ ràng để ai cũng hiểu giống nhau, tuân thủ như nhau, cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước”, vị giám đốc chia sẻ.

Hiện tại, doanh nghiệp của ông vướng mắc khá nhiều, nhưng chưa thể gỡ được, chỉ vì không cùng một cách hiểu trong tuân thủ quy định pháp luật. Hệ quả là, nguồn lực bị ách lại, thời gian trôi qua và cơ hội vụt mất.

Khoảng trống của nhóm doanh nghiệp cỡ vừa

Câu chuyện của vị giám đốc lớn tuổi trên lại không quá lạ lẫm với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương). Trong khá nhiều cuộc làm việc, ông Cung cho biết, ông cảm nhận được sự “vô tâm” của khá nhiều cơ quan quản lý nhà nước trong ứng xử với các vấn đề của doanh nghiệp.

Vào thời điểm này, lo ngại lớn của ông là tình trạng doanh nghiệp không muốn lớn, không muốn mở rộng đã kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa thể có giải pháp hữu hiệu.

“Càng làm nhiều, càng làm lớn, thì càng rủi ro. Đây cũng là lý do doanh nghiệp đi tìm địa tô hơn là kinh doanh có trách nhiệm, hơn là tích lũy năng lực cạnh tranh. Nhưng nếu không có những tập đoàn lớn, những tập đoàn mạnh nhờ khoa học, công nghệ, thì động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ không thể làm tròn vai trò”, ông Cung phân tích, với nhiều tâm tư.

Vấn đề này được đặt ra từ nhiều năm trước, khi khoảng trống của nhóm doanh nghiệp quy mô vừa trong cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn.

Về mặt nguyên tắc, sự phát triển của khu vực doanh nghiệp có thể hình dung theo hình kim tự tháp, trong đó đáy là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và đỉnh kim tự tháp là doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế. Nhóm doanh nghiệp vừa sẽ là sự kết nối giữa hai khu vực trên, nhờ sự chuyển dịch theo chiều hướng tăng quy mô, năng suất, chất lượng từ khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ lên. Đây chính là khu vực bắt đầu tiếp nhận sự đổi mới về quản trị, có sự tích tụ về vốn, năng lực để đầu tư vào đổi mới công nghệ, bắt theo các xu hướng phát triển.

Tới đây, khi không gian tăng trưởng của nền kinh tế dịch chuyển đa chiều, cả về không gian vật lý (không chỉ ở mặt đất mà trên không, dưới biển, dưới lòng đất), cả về chiều hướng, từ nâu sang xanh, số hóa, thông minh và cả về năng lực, với các nỗ lực cải cách thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, thì câu hỏi năng lực tiếp cận cơ hội, chưa nói đến vai trò đòn bẩy tăng trưởng của doanh nghiệp Việt, dường như không dễ trả lời nếu nhìn vào tình hình hiện tại của khu vực doanh nghiệp.

Thậm chí, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khi bóc tách năng lực của khu vực này, đã giật mình nhắc đến con số mà ông gọi là có giá trị “tỉnh thức”. Đó là trong tỷ lệ cao của số lượng doanh nghiệp đóng cửa năm 2024, có tới 28,4% là doanh nghiệp trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; 19% trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo.

“Đây là những ngành phản ánh năng lực, chất lượng của doanh nghiệp tư nhân, nhưng lại đang rút đi nhiều. Phải chăng, các doanh nghiệp đang không đáp ứng yêu cầu của xu hướng thương mại điện tử hiện đại, cạnh tranh quốc tế hiện đại, không theo kịp đòi hỏi của đổi mới khoa học, công nghệ?”, PGS-TS. Trần Đình Thiên đặt vấn đề về cấu trúc có vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân.

Có phải doanh nghiệp không muốn lớn?

“Có lẽ, không phải doanh nghiệp không thể lớn, mà là khó lớn”. Đây là điều ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ sau khi điểm mặt các lý do mà một vendor (nhà cung cấp thầu phụ) cấp 2 cho một tập đoàn lớn nước ngoài không thể trở thành vendor cấp 1.

“Doanh nghiệp chia sẻ, mối lo lớn không phải là công nghệ, mà là vốn. Mức lãi suất vay ngân hàng hiện tại quá cao cho các kế hoạch đầu tư dài hạn, trong khi việc huy động vốn từ các kênh khác đang rất khó khăn. Đặc biệt, cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất có thể IPO, tham gia thị trường chứng khoán không dễ, khi các điều kiện vô cùng chặt chẽ, như 2 năm có lãi và không lỗ lũy kế trong thời điểm IPO. Quy định như vậy thì cơ hội thu hút vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng coi như không có”, ông Tuấn phân tích.

Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn nước ngoài với lãi suất thường là hấp dẫn hơn khá nhiều so với lãi suất cho vay trong nước lại không dành cho đa phần doanh nghiệp tư nhân.

Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ thắc mắc, tại sao lại không mở cơ hội này cho doanh nghiệp Việt.

“Hàn Quốc thúc đẩy doanh nghiệp của họ vay vốn nước ngoài, vì nguồn lực trong nước không đủ để phát triển, đổi mới công nghệ… Doanh nghiệp trong nước muốn vay cả tỷ USD, trong thời gian 20 năm, với lãi suất chỉ khoảng 3%, thì trong nước làm sao có được. Tôi có thể hiểu lý do hạn chế vì giới hạn tỷ lệ nợ nước ngoài, nhưng hiện tại, tỷ lệ này đã lạc hậu và quan trọng là chúng ta đang cần vốn để phát triển, doanh nghiệp cần vốn đề lớn lên”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.

Cùng với đó, các rào cản tiếp cận đất đai cũng phải thay đổi theo “đòi hỏi mới”. Nhiều chuyên gia đề nghị các cơ chế thực sự hỗ trợ doanh nghiệp, như giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư mà nhà đầu tư đã tự thu gom, tích tụ và trả tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; có cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển các khu công nghiệp dành riêng, hoặc một phần đáng kể diện tích cho doanh nghiệp nội với chi phí hợp lý, chấp nhận được ngay cả với doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Đặc biệt, TS. Nguyễn Đình Cung đang kỳ vọng về cơ chế đồng tài trợ các sáng kiến, dự án phát triển, chuyển giao công nghệ do doanh nghiệp đề xuất và được cơ quan có thẩm quyền quyết định…

“Hy vọng, 5- 10 năm nữa, khi tư duy đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân được thực hiện, chúng ta sẽ có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân, trong đó, nhiều tập đoàn có đột phá về công nghệ. Đó chính là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới”, TS. Nguyễn Đình Cung kỳ vọng.

Chúng ta có thể vượt qua bản thân mình không? Câu trả lời là có”

- PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Những biến cố đột phá trong năm 2024 khiến ta có thể tin được. Ví dụ, việc hoàn tất Đường dây 500 KV mạch 2 trong thời gian kỷ lục, sự ổn định và tin tưởng khi thay đổi lãnh đạo cấp cao, cải cách bộ máy quyết liệt. Đặc biệt, sự đáng tin cậy đến từ quá trình cải cách từ trên xuống. 40 năm qua, chúng ta thực hiện cải cách từ dưới lên, thường không thể hết sức, kém hiệu quả và rủi ro cao.

Đây là lý do chúng ta mời và đón được nhiều “đại bàng” công nghệ - dù họ chưa ở lại, nhưng thiết lập được các quan hệ với họ cũng là một bước thành công. Cùng với đó, cởi trói để phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ số lượng, mà cả chất lượng, ở các quy mô lớn, nhỏ, vừa, với sự phân vai rõ ràng. Kinh nghiệm của các nền kinh tế cho thấy, để doanh nghiệp phát triển, thì cần Nhà nước đứng sau, gánh nhiều thất bại thị trường…

Cần có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ lớn thành vừa”

- Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI

Doanh nghiệp tư nhân là chủ thể tương đối nhạy cảm với thể chế. Doanh nghiệp nhà nước có thể gặp khó khăn trong vấn đề này, nhưng không lớn; doanh nghiệp FDI thì nhận được sự trọng thị của chính quyền địa phương, nếu có vướng mắc.

Tôi đã nhiều lần thấy trong lịch làm việc của các lãnh đạo địa phương có ghi làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, nhưng hiếm khi thấy ghi lịch làm việc với doanh nghiệp tư nhân.

Vì vậy, họ cần sự đơn giản trong thủ tục hành chính, sự minh bạch của pháp luật và hiện tại là cần các cơ quan rà soát và khắc phục tình trạng chồng chéo pháp luật.

Ngoài ra, cần có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ lớn thành vừa, để thay đổi được tâm lý “khôn thì dựng trại, dại dựng nhà”, “làm bé” cho đỡ bị để ý của nhiều doanh nghiệp tư nhân. Thay đổi tư duy này, doanh nghiệp sẽ lớn mạnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư