Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 12 năm 2024,
Đồng Tháp hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, bền vững
Huy Tự - 09/12/2024 09:02
 
Tăng trưởng xanh, chất lượng bền vững là mục tiêu được tỉnh Đồng Tháp tập trung triển khai thực hiện hiệu quả gần đây, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống, người dân và doanh nghiệp. Tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.
Ban Tổ chức trao giải cho 10 Dự án xuất sắc tại Diễn đàn khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần 2- 2024
Ban Tổ chức trao giải cho 10 dự án xuất sắc tại Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần 2- 2024

Hướng đến nền kinh tế tăng trưởng xanh, chất lượng bền vững

Năm 2024, khẩu hiệu phát triển của tỉnh Đồng Tháp là “Chính quyền kiến kiến tạo, công dân số; Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”. Từ đầu năm đến nay, vượt qua nhiều thách thức và biến động của kinh tế thị trường trong và ngoài nước, lãnh đạo, chính quyền các sở, ban, ngành tỉnh và huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của UBND tỉnh.

Để tinh thần khẩu hiệu của tỉnh năm 2024 đi vào cuộc sống và lan tỏa rộng, các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng 4 thành tố trên, qua đó hướng đến sự thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp về xây dựng chính quyền kiến tạo, sản xuất theo tư duy kinh tế, kinh tế tuần hoàn, có ý thức trong tham gia các hoạt động chuyển đổi số và trở thành công dân số.

Đồng thời, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với định hướng của 4 thành tố, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương nhất quán, rõ ràng, hấp dẫn và độc đáo. Trong đó, xây dựng chính quyền thân thiện, năng động, sáng tạo, môi trường kinh doanh thuận lợi; thúc đẩy tiếp cận, áp dụng hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển kinh tế xanh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương với tư duy và các làm mới thiết thực sáng tạo, hướng mạnh đến tăng trưởng xanh, chất lượng, hiệu quả, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Chính nhờ tận dụng lợi thế, tiềm năng địa phương, hướng mạnh vào chuyển đổi kinh tế xanh, tuần hoàn và giảm phát thải, hạn chế ô nhiễm môi trường, Đồng Tháp đã có những bước đi phù hợp, thích ứng với xu thế mới hiện nay. Nhờ vậy, năm 2024, tuy còn nhiều khó khăn và thách thức, kinh tế Đồng Tháp vẫn tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá.

Đồng Tháp có 16 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong khi Chỉ số Hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính, Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Quản trị và Hiệu quả hành chính công (PAPI), Chỉ số Xanh (PGI) của tỉnh được cải thiện đáng kể. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp được giữ vững. Kinh tế - xã hội phát triển ổn định và có mặt tăng trưởng, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế 11 tháng đạt trên 6%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 ước tăng 4,2% so với tháng trước, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, Chỉ số Sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023, ghi nhận sự tăng trưởng của 9 sản phẩm chủ lực (trong đó có thuỷ sản chế biến; gạo xay xát và lau bóng...), đưa cơ cấu kinh tế ước đạt 15,82% trong GRDP của tỉnh. Ngành công nghiệp tạo ra chuỗi giá trị để nâng cao giá trị nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến (lúa gạo, cá tra, rau quả), từ 3 khu công nghiệp đã tạo sức bật cho địa phương và đến nay có thêm nhiều cụm công nghiệp mới, tỷ lệ lấp đầy bình quân vượt mục tiêu đề ra.

Hoạt động thương mại và dịch vụ duy trì tăng trưởng, nguồn cung hàng hóa nội tỉnh tương đối ổn định; có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Xu hướng lựa chọn mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng gia tăng. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển. Sức mua hàng hoá tăng khá so với cùng kỳ năm trước, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ lũy kế 11 tháng ước đạt 128.607 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 88,6% kế hoạch.

Các chỉ tiêu ngành du lịch đạt kết quả tích cực, nhiều sản phẩm dịch vụ mới ra mắt, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí. Trong tháng 11/2024, toàn tỉnh thu hút khoảng 300.000 lượt khách; lũy kế 11 tháng năm 2024 thu hút 4,1 triệu lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 97,6% so với kế hoạch. Tổng thu du lịch ước thực hiện tháng 11/2024 là 150 tỷ đồng, lũy kế 11 tháng đạt 2.020 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ và đạt 101% kế hoạch năm.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thực hiện chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp. Có 607 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký là 4.148 tỷ đồng, đạt 93,4% kế hoạch; có 132 doanh nghiệp giải thể, 320 doanh nghiệp ngừng hoạt động và tái hoạt động 128 doanh nghiệp; hiện có 5.306 doanh nghiệp hoạt động.

Thu hút thêm 7 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 5.444,86 tỷ đồng (dưới hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, huyện tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất). Trong đó, có 1 dự án FDI với vốn đăng ký 78,68 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 là 12 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.358 tỷ đồng)…

Ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế chất lượng, hiệu quả, bền vững, tỉnh chủ động nâng cao năng lực dự báo, nắm bắt thông tin thị trường, kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp nắm bắt, có kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các sự kiện kích cầu tiêu dùng, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm, quảng bá giới thiệu sản phẩm, nhất là trên môi trường không gian mạng…

Nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số

Các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả được tiếp tụ̣c nhân rộng, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp.

Theo đó, tích cực tham gia và nhân rộng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp. Mô hình được nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sạ thưa và bón phân vùi vào đất trước khi gieo sạ, IPM trong quản lý dịch hại..., nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận và nâng cao chất lượng lúa gạo, áp dụng cho vụ Đông Xuân 2024-2025 đạt 35.182 ha.

Giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và sản xuất đạt hiệu quả hơn. Diện tích áp dụng giảm lượng giống vụ đạt 34.576 ha; diện tích sử dụng giống xác nhận vụ Đông Xuân đạt 45.494 ha

Canh tác xoài rải vụ thu hoạch đủ điều kiện sản xuất an toàn, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn, đồng thời việc ứng dụng các biện pháp sản xuất an toàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn cho người lao động và người tiêu dùng. Diện tích áp dụng đến thời điểm hiện nay là 8.505 ha. Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai thực hiện.

Hệ thống nền tảng nông nghiệp số triển khai với quy mô 95 hệ thống, trạm giám sát thông minh và 100 điểm đo nhiệt độ, độ ẩm tự động. UBND tỉnh phê duyệt đầu tư dự án tại Quyết định số 160/QĐ-UBND.HC ngày 28/2/2024 với tổng mức đầu tư được duyệt là 20,181 tỷ đồng. Dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2024 là 8 tỷ đồng (theo Quyết định số 291/QĐ-UBND của UBND tỉnh). Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, dự kiến trong quý IV/2024 sẽ ký hợp đồng thi công lắp đặt thiết bị, thi công hoàn thành năm 2025.

Mới đây, khi tiếp xúc cử tri xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, bàn về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong canh tác nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan dẫn chứng mô hình làm phân hữu cơ từ rác thải, phụ phẩm của nông dân xã An Nhơn. Đây là mô hình sáng tạo, vừa giúp tận dụng được nguồn phế phẩm, rác thải để tạo ra phân bón, tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Mô hình đã chứng minh được hiệu quả trên cây nhãn và nhiều loại cây trồng, người dân cũng có thể học tập cách làm này để áp dụng cho cây trồng của địa phương…

Về công tác chuyển đổi số nông nghiệp, tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương trong chỉ đạo việc thống kê, báo cáo định kỳ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn qua nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp để xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ, có giá trị. Trong những tháng cuối năm, tỉnh chỉ đạo các ngành tiếp tục phối hợp các đơn vị trực thuộc Bộ, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp rà soát khung kiến trúc của nền tảng chuyển đổi số của Đồng Tháp nhằm bảo đảm phù hợp với khung kiến trúc của Bộ đang xây dựng.

Đồng thời, tỉnh còn chủ động vận động, tiếp nhận nhiều chương trình, dự án giảm phát thải/tạo phát thải thấp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tiếp nhận các khoản viện trợ của Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản) với Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ; Tập đoàn CP và Tổ chức WWF với Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032; Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) với Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh cũng ban hành và triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong Kế hoạch Hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đến năm 2025…

Cụ thể, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn áp dụng mô hình thu chất thải phụ phẩm cá tra để sản xuất những sản phẩm giá trị gia tăng như các sản phẩm công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng... cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, với sản lượng xoài lớn, mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi, trồng trọt tận dụng một số phế phẩm nông nghiệp, nhất là phụ, phế phẩm ngành hàng xoài (vỏ, cùi của trái xoài) để nuôi ấu trùng ruồi lính đen bước đầu mang lại hiệu quả cao...

Phát biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Đồng bằng sông Cửu Long lần 2 - 2024 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa công bố 6 thông điệp chính của Diễn đàn, nhằm hướng đến nền kinh tế tăng trưởng xanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo như mục tiêu của Diễn đàn. Đồng Tháp tiếp tục duy trì Diễn đàn đối thoại công- tư, tạo thêm nguồn lực mới, song hành với việc thu hút các nguồn lực hỗ trợ, vốn đầu tư trong và ngoài nước; triển khai các hoạt động nâng cao năng lực quản trị sản xuất - kinh doanh, gia tăng đổi mới sáng tạo và hàm lượng khoa học - công nghệ nhằm giúp “đàn sếu khởi nghiệp” đất Sen Hồng tạo dựng được nền tảng vững chắc, chủ động và tự tin vươn xa, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.

Chủ tịch Đồng Tháp ra thời hạn phải khởi công đối với 37 công trình, dự án
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các chủ đầu tư đề xuất giải pháp, tiến độ cụ thể để khởi công 37 công trình/dự án cam kết khởi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư