Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đồng Tháp kiến nghị 2 nhóm giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công
Trúc Giang - 01/09/2021 16:33
 
Với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu giải ngân kế hoạch năm 2021 đạt từ 95% trở lên.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện đầu tư xây dựng 7 tháng đầu năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ cuối năm 2021 của tỉnh. Ảnh: Nguyệt Ánh

Ngày 31/8, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã ký Công văn số 341/UBND-ĐTXD gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đến ngày 30/7/2021 và ước giải ngân đến ngày 30/9/2021.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tổng số kế hoạch vốn năm 2021 của Tỉnh là 4.929,193 tỷ đồng, bao gồm: kế hoạch vốn năm 2020 chuyển sang là 999,384 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2021 là 3.929,809 tỷ đồng (không bao gồm 750 tỷ đồng nguồn thu tiền sử dụng đất).

Trong đó, Tỉnh đã phân bổ chi tiết trên 3.267 tỷ đồng (kể cả 34,5 tỷ đồng vốn ODA địa phương vay lại của Trung ương), đạt 83,15% kế hoạch. Số vốn còn lại chưa phân bổ trên 662 tỷ đồng.

Về kết quả giải ngân, tính đến ngày 30/7/2021, tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân 899,197 tỷ đồng/4.048,295 tỷ đồng, đạt 22,21% so với kế hoạch đã phân bổ (chưa kể phần vốn vừa phân bổ đợt 3 là 2 218,803 tỷ đồng được UBND Tỉnh giao tại Quyết định số 977/QĐ-UBND.HC ngày 21/7/2021), cao hơn 0,07% so với cùng kỳ năm 2020.

Ước giải ngân đến ngày 30/9/2021, đạt 39,52% so với kế hoạch đã phân bổ, cao hơn 5,42% so với cùng kỳ (năm 2020, đạt 34,1%) và dưới 60% theo Nghị quyết số 63/NQ-CP. Bao gồm: ước giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt 48,32%; ước giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 35,29%.

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu giải ngân kế hoạch năm 2021 đạt từ 95% trở lên.

Tại Công văn này, UBND tỉnh Đồng Tháp nêu ra 5 nguyên nhân làm cho việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm, đó là:

Thứ nhất, công tác giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn lớn nhất trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, khi thời gian thực hiện (như: khảo sát đo đạc, xử lý bản đồ địa chính, thông báo thu hồi đất, trình phê duyệt phương án giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất…) mất khoảng 224 ngày, vốn bồi thường giải phóng mặt bằng không được bố trí trong vốn chuẩn bị đầu tư, việc bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được tách thành dự án độc lập (trừ dự án nhóm quan trọng Quốc gia, dự án nhóm A theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Luật Đầu tư công).

Thứ hai, quy trình thực hiện đầu tư (theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn) từ khi được phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi ký hợp đồng thi công hoặc mua sắm thiết bị mất rất nhiều thời gian (thường khoảng 6 tháng, chưa kể thời gian thực hiện đền bù) dẫn đến những tháng đầu năm 2021 chưa có khối lượng thực hiện nên chưa giải ngân hoặc phải bố trí vốn nhiều đợt.

Thứ ba, chưa phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2021 ngay từ đầu năm, do tính đặc thù khi triển khai kế hoạch năm 2021 chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền thông qua và sẽ được phân bổ sau khi Quốc hội khóa XV quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thứ tư, sự khan hiếm cát san lấp và đất đắp đê làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của dự án, do thiếu nguồn cung cấp, vướng kế hoạch sử dụng đất và thủ tục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Thứ năm, các dự án chưa triển khai theo đúng kế hoạch, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai các dự án có các gói thầu xây lắp (hầu hết ngừng thi công), các gói thầu mua sắm thiết bị của địa phương cũng như công tác chỉ đạo điều hành, quản lý dự án (trong đó có công tác giải phóng mặt bằng), do thực hiện công tác phòng chống dịch.

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư 02 nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp về thể chế:

- Xem xét, trình cấp thẩm quyền sớm có quy định phù hợp đối với việc tách riêng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.

- Xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng phân cấp, ủy quyền cho địa phương được điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư và vốn bố trí giữa các dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương (quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Đầu tư công), đảm bảo không vượt tổng vốn kế hoạch trung hạn 2021-2025 đã được Trung ương thông báo và báo cáo lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Qua đó, nâng cao trách nhiệm và tạo sự chủ động của địa phương trong việc sử dụng vốn đầu tư công và công tác quản lý điều hành kế hoạch vốn.

Nhóm giải pháp tổ chức thực hiện:

- Xem xét không điều chuyển phần vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương năm 2021 dự kiến đến ngày 30/9/2021 giải ngân dưới 60% theo Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ.

- Xem xét, cho phép địa phương được chuyển nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2021 dự kiến không giải ngân hết sang năm 2022 tiếp tục thực hiện và giải ngân.

Đồng Tháp xây dựng “vùng xanh”, hỗ trợ tìm đầu ra cho nông sản
Tỉnh Đồng Tháp đang triển khai ý tưởng xây dựng “vùng xanh” - vùng không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tăng cường hỗ trợ người dân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư