Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dòng tiền 538 tỷ USD rút khỏi ngân hàng tạo lực đẩy đà tăng chứng khoán Trung Quốc
Tư Thuần - 24/05/2024 14:47
 
Người dân Trung Quốc đang “tích cực” rút tiền khỏi tài khoản tiết kiệm để tiến hành đầu tư, đúng theo định hướng của nhà quản lý.

Tổng lượng tiền gửi ngân hàng tại Trung Quốc giảm 3.900 tỷ nhân dân tệ (538 tỷ USD) (tương đương 1,3%) trong tháng 4, khi người dân tìm kiếm kênh khác mang lại lợi suất cao hơn, cũng như nhà quản lý có các biện pháp giảm bớt sự hấp dẫn của gửi tiền ngân hàng nhằm đẩy dòng vốn ra nền kinh tế. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đang ở mức chỉ 1,45%/năm, thấp kỷ lục trong những năm gần đây.

Cùng với biến động của dòng tiền, quy mô của thị trường các sản phẩm đầu tư tài chính tăng vọt lên mức 2.950 tỷ nhân dân tệ trong tháng 4, với đà tăng mạnh nhất thuộc về nhóm tài sản mang lại thu nhập cố định, theo số liệu của Citic.

Các quỹ ETF tập trung vào sản phẩm trái phiếu tại Trung Quốc đã hút ròng 428 triệu USD trong tháng 4, cao nhất kể từ tháng 12/2023, theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg.

Cùng với trái phiếu, dòng tiền cũng tìm tới các cổ phiếu có truyền thống chi trả cổ tức tốt. Theo quan điểm của nhà đầu tư cá nhân tại Trung Quốc, đây là nhóm cổ phiếu mang tính an toàn với lợi suất tích cực hơn so với kênh gửi tiết kiệm.

Chỉ số Shanghai Stock Exchange Dividen (bao gồm 50 cổ phiếu được lựa chọn bởi thường xuyên chia cổ tức tiền mặt) đã tăng 16% trong năm nay và đạt đỉnh cao nhất kể từ năm 2015 tới nay vào tháng 4. Trong khi đó, chỉ số thị trường chung chỉ tăng khoảng 6%.

Trung Quốc chứng kiến lượng tiền gửi ngân hàng bị rút ở mức kỷ lục.

Cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc đều tăng trưởng tích cực trong những tháng gần đây, khi nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn có lo lắng nhất định về triển vọng còn mờ nhạt của nền kinh tế nên có xu hướng ưa chuộng cổ phiếu có tỷ lệ trả cổ tức tốt và các sản phẩm chứng chỉ quỹ liên quan tới nhóm này.

Thực tế, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm bớt lượng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng, đồng thời ngăn các doanh nghiệp lớn “kiếm lợi nhuận” từ việc trữ lượng tiền mặt lớn tại nhà băng. Cụ thể, trong tháng 4, chính quyền Trung Quốc ban hành chính sách cấm các ngân hàng đưa các mức lãi suất ưu đãi đối với tiền gửi của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn việc doanh nghiệp vay tiền với mức lãi suất thấp và gửi tiền nhận lãi suất ưu đãi kiếm chênh lệch.

Bên cạnh đó, nhà quản lý khuyến khích hoạt động đầu tư của nhóm nhà đầu tư cá nhân, thay vì truyền thống tiết kiệm, với việc liên tiếp hạ lãi suất tiền gửi. Trong số 3.900 tỷ nhân dân tệ rút ra khỏi hệ thống ngân hàng trong tháng 4, khoảng 1.900 tỷ nhân dân tệ là do người dân rút tiền, theo số liệu của PBOC.

“Mọi người đang rút tiền gửi để tham gia đầu tư và đó là điều mà nhà quản lý mong muốn”, Ming Ming, Kinh tế trưởng tại Citic Securities Co (Bắc Kinh) cho biết.

Trong khi đó, Chen Yicong, giám đốc Beijing Chengyang Asset Management cho biết, các quỹ đầu tư đang đón nhận cơ hội lớn trên thị trường khi dòng tiền chuyển hướng sang đầu tư. Ban đầu, nhà đầu tư sẽ ưa chuộng các sản phẩm mang lại thu nhập cố định như trái phiếu chính phủ, trái phiếu của chính quyền các địa phương và chứng chỉ tiền gửi.

“Tuy nhiên, việc mua các sản phẩm này sẽ không mang lại lợi nhuận cao. Xu hướng lớn hơn chính là dòng tiền lan toả ra toàn thị trường, giúp các quỹ đầu tư thực hiện các khoản đầu tư với tài sản mang tính rủi ro cao hơn như cổ phiếu”, Chen Yicong chia sẻ.

Chứng khoán toàn cầu đang “lên đồng” như thế nào?
Một điểm chung tại các thị trường chứng khoán quy mô lớn trên toàn cầu từ New York, London tới Tokyo hiện tại đó là liên tiếp lập đỉnh cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư