Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đồng tình phương án xây dựng thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Nguyên Đức - 22/11/2017 15:41
 
Đa số đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đều đồng tình với đề xuất tổ chức mô hình chính quyền các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) theo hướng không có HĐND, UBND, mà thay vào đó là thiết chế Trưởng đặc khu.

Không nằm ngoài dự đoán, phiên thảo luận Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại nghị trường Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV đã sôi nổi ngay từ lúc bắt đầu. 67 đại biểu đã đăng ký phát biểu.

Và cũng không nằm ngoài dự đoán, việc tổ chức mô hình chính quyền đặc khu như thế nào đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội.

đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre)
đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre)

“Tôi đồng tình với phương án 1”, đa số đại biểu Quốc hội đã khẳng định điều đó khi phát biểu tại nghị trường.

Phương án 1, theo đề xuất của Ban soạn thảo, là sẽ không tổ chức HĐND và UBND tại đặc khu, mà thực hiện thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đặc khu.

Trong khi đó, phương án 2, vẫn tổ chức chính quyền địa phương đặc khu gồm có HĐND và UBND, nhưng chỉ một cấp.

“Lựa chọn phương án 1 mới có thể đáp ứng mô hình đặc biệt, đột phá của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nói và cho rằng, cùng với tổ chức mô hình chính quyền các đặc khu theo hướng xây dựng thiết chế Trưởng đặc khu, cần trao quyền, và có thể bổ sung các cơ chế đặc thù trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ để đảm bảo sự phát triển của các đặc khu.

Trong khi đó, cho rằng tính tự chủ, đột phá của mô hình chính quyền đặc khu chính là “linh hồn” cho sự thành công của các đặc khu, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) khẳng định, phải lựa chọn phương án 1 thì mới tạo được sự đột phá.

“Nên phân cấp, trao quyền thêm cho Trưởng đặc khu, trao cho họ cả một số quyền của Thủ tướng, quyền của Chủ tịch UBND tỉnh”, đại biểu Thạch Phước Bình nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhấn mạnh, tổ chức chính quyền theo phương án 1 sẽ đảm bảo một mô hình gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tạo điều kiện phát triển đặc khu.

“Tôi đồng ý giao quyền cho Trưởng đặc khu, nhưng cần rà soát kỹ với các luật liên quan, tránh giao quyền vừa thừa, vừa thiếu, không thống nhất trong việc quản lý trong cùng một lĩnh vực”, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nói.

Còn đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) thì khẳng định “đồng tình cao” với phương án 1, nếu như muốn thành công trong thành lập các đặc khu, qua đó tạo các cực tăng trưởng và thể nghiệm thể chế về bộ máy hành chính nhà nước.

“Tôi đồng tình giao quyền cho Trưởng đặc khu, tinh giản bộ máy để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của mô hình này, gắn với có chính sách mạnh để thu hút nhân tài”, đại biểu Nguyễn Sơn nói.

Cùng với đồng tình với phương án 1, nhiều đại biểu cho rằng, cần có cơ chế giám sát đối với thiết chế Trưởng đặc khu, bởi theo Dự thảo Luật, người đứng đầu Trưởng đặc khu được trao nhiều quyền lực.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, không lo câu chuyện giám sát, bởi ngay cả trong Dự thảo Luật cũng đã quy định nhiều cơ chế giám sát, ngang - dọc, từ Chính phủ tới UBND tỉnh, giám sát ngang cấp, giám sát của HĐND…, đảm bảo một sự giám sát chặt chẽ Trưởng đặc khu.

Thảo luận tại Hội trường, tất cả các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cũng như thông qua các đề án thành lập các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Công thức nào cho thành công của đặc khu?
Ngoài những đột phá về thể chế, thì các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vượt trội cũng là điều kiện quan trọng, tạo nền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư