Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đồng ý trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng
Nguyễn Lê - 12/05/2020 20:54
 
Bên cạnh thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Chính phủ còn đề xuất 4 chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng.
TIN LIÊN QUAN
.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp .

Bên cạnh thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Chính phủ còn đề xuất 4 chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng.

Chiều 12/5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thí điểm chính quyền đô thị một cấp

Theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề nghị thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị một cấp tại thành phố Đà Nẵng (tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND), tại các quận và phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. 

Ở huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc vẫn tiếp tục giữ mô hình cấp chính quyền địa phương, gồm HĐND và UBND. 

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với đê xuất trên, vì ba lý do.

Thứ nhất, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích tương đối nhỏ (1.285,4 km²), có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc không nhiều, gồm 8 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 6 quận) và 56 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 45 phường) nên việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị nhìn chung là thuận lợi, dễ triển khai.

Thứ hai, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 6 quận, huyện Hòa Vang và 45 phường trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2016 đạt kết quả tốt, tạo sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân.

Thứ ba, việc thử nghiệm các mô hình chính quyền đô thị khác nhau giữa các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa - lịch sử, đặc điểm địa lý - tự nhiên khác nhau, mang lại nhiều giá trị thực tiễn, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng mô hình chính quyền ở đô thị trên phạm vi cả nước sau này.

Tăng nguồn lực chi cho đầu tư

Ngoài nội dung trên, tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Chính phủ đề nghị quy định 4 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định.

Đó là phân quyền cho HĐND, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch Thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị Thành phố như quy định tại dự thảo Nghị quyết.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ, đánh giá tác động, giải trình rõ và thuyết phục hơn việc thay đổi chính sách này có phù hợp với yêu cầu, mục tiêu mà Luật Quy hoạch đặt ra, bảo đảm cho Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững hơn, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định.

Về quản lý tài chính - ngân sách, dự thảo Nghị quyết quy định về ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương: “Năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách Thành phố để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố”.

Chính phủ cũng đề nghị cho phép Thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tương tự cơ chế áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội để tăng nguồn lực chi đầu tư phát triển, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Thành phố, trong thời gian vừa qua, sau khi thành phố Đà Nẵng đảm bảo nguồn cải cách tiền lương theo quy định và thực hiện đầy đủ chế độ chính sách do trung ương ban hành  thì nguồn cải cách tiền lương của thành phố Đà Nẵng còn dư nguồn khá lớn, không sử dụng làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách địa phương.

Tính đến tháng 12/2019 còn dư trên 3.000 tỷ đồng (bao gồm nguồn trích tại các cơ quan đơn vị và sau khi dự kiến chi cho đầu tư xây dựng cơ bản), dự kiến năm 2020 sẽ dư khoảng 9.500 tỷ đồng và trong 5 năm tới dự kiến còn dư khoảng 20.385 tỷ đồng sẽ được sử dụng để thực hiện một số nhiệm vụ chi đầu tư phát triển thuộc phạm vi quản lý theo quy định và chi cho các chính sách an sinh xã hội thuộc trách nhiệm của địa phương theo nguyên tắc quy định tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định trong dự thảo Nghị quyết về sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng nguồn lực chi đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Quy định giao HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định bổ sung, tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (chính sách đặc thù thứ tư) cũng được cơ quan thẩm tra đồng ý. 

Kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định hồ sơ dự án nghị quyết đã đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Theo dự kiến chương trình, Nghị quyết này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại 1 Kỳ họp. Do đó, ông Tùng đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư