Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Đột phá Nghi Sơn - Kỳ III: Phấn đấu đến năm 2030, người dân Nghi Sơn ổn định mọi mặt, phát triển bền vững
Minh châu - 25/02/2021 11:21
 
KKT Nghi Sơn đã và đang tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới cho người dân Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ, cuộc sống của người dân Nghi Sơn ngày càng trở nên giàu có, thịnh vượng.

Để có được cái nhìn tổng thể, đầy đủ, khách quan về sự đổi thay trong đời sống của người dân bị ảnh hưởng trong quá trình triển khai các dự án tại Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ UBND tỉnh Thanh Hoá. Ông Nguyễn Văn Thi từng có nhiều năm giữ chức Trưởng Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hoá.

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ UBND tỉnh Thanh Hoá

Sau hơn 20 năm triển khai xây dựng, đến nay, KKT Nghi Sơn đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của Thanh Hoá nói riêng và của đất nước nói chung. Vậy ngoài những mục tiêu mang tầm vĩ mô được đặt ra thì việc phát triển công nghiệp ở vùng đất nghèo khó này sẽ giải quyết bài toán nguồn sinh kế đối với hàng vạn người dân địa phương ra sao, thưa ông?

Xuất phát điểm là một vùng đất nghèo, phong tục tập quán lạc hậu, đất đai nhiễm mặn, khô cằn, cây trồng khó thích nghi... Trước đây, người nông dân huyện Tĩnh Gia chủ yếu mưu sinh bằng nghề trồng lạc, canh tác lúa, nguồn thu nhập mang lại từ hai loại cây này rất thấp. Trong khi đó, hàng nghìn lao động khác kiếm kế sinh nhai bằng nghề đi biển nhưng thường phải đối diện với rủi ro rất cao. Do đó, đời sống của người dân cả vùng đất này thường xuyên ở trong cảnh nghèo khó.

Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy, vùng đất này có những lợi thế riêng về cảng biển, hiếm nơi nào ở khu vực phía Bắc của đất nước có được. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể biến vùng đất nghèo khó này thành trung tâm phát triển công nghiệp. Quyết tâm và làm được, hiện nơi đây đã trở thành KKT ven biển động lực của quốc gia; lấy lợi thế, thế mạnh là biển, cảng nước sâu để phát triển công nghiệp nặng, chế biến, chế tạo, logictic… 

Khi thành lập KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung quy hoạch tổng thể, phân khu chức năng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các quy hoạch, kế hoạch đã được hiện thực hoá; từ cảng biển, hạ tầng giao thông cho đến các khu công nghiệp. Hàng loạt các nhà máy mọc lên, các tổng kho được xây dựng, hệ thống cảng biển nước sâu và đặc biệt là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chính thức đi vào vận hành vào cuối năm 2018. Sau khi Chính phủ lấy đất, tỉnh Thanh Hoá đã quyết tâm xây dựng nhiều khu tái định cư đồng bộ về hạ tầng. Gần như toàn bộ xã Hải Yến với hàng nghìn hộ dân, một phần xã Hải Hà, Hải Thượng, Mai Lâm được di chuyển đến nơi ở mới. Nhà nước xác định và tập trung chỉ đạo đầu tư kiến thiết nơi đến phải tốt hơn nơi đi đối với bà con vùng dự án. Cùng với đó là sự đền bù thỏa đáng cho người dân, trước khi làm những việc này các ban ngành, đơn vị liên quan cũng lấy ý kiến đồng thuận từ phía người dân.

Rõ ràng, về điều kiện mọi mặt của nơi đi còn hạn chế, thiếu thốn thì những khu tái định cư được đầu tư khá hoàn chỉnh, ưu tiên từ điện, đường, trường, trạm, hạ tầng cho đến chợ, nghĩa trang… đều được đầu tư đồng bộ.

Toàn cảnh nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: IT

Cùng với việc đầu tư về cơ sở hạ tầng đáp ứng nguyện vọng đối với người dân vùng dự án thì việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho hàng vạn lao động ở Nghi Sơn được triển khai ra sao, thưa ông? 

Cùng với phát triển hạ tầng, nhà đầu tư và chính quyền đã tạo điều kiện cho bà con khi đến nơi ở mới được đào tạo, chuyển đổi nghề từ nông, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, đi biển sang dịch vụ thương mại, công nhân, với thu nhập cao hơn, cuộc sống ổn định, chất lượng hơn, tiện nghi, tiện ích hơn. Không chỉ vậy, từ nguồn kinh phí thụ hưởng từ việc đền bù đất đai, bồi thường cơ sở vật chất, người dân còn dành dụm để gửi ngân hàng hoặc mở mang đầu tư kinh doanh. Thực tế đã chứng minh, nên người dân rất tin tưởng vào Đảng, vào chính quyền. 

Thực tế, khi KKT Nghi Sơn được hình thành đã tạo ra cơ hội việc làm rất lớn. Thế hệ trẻ đi học về cũng được làm việc ngay chính tại quê hương mình với mức thu nhập cao, ổn định, điều kiện kinh tế của bà con trở nên khá giả, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Ngoài ra, các dịch vụ phát sinh rất nhiều; từ người trồng rau, nuôi gà, làm nông nghiệp hay nuôi trồng thủy hải sản, du lịch dịch vụ đều có việc làm nhiều hơn, với thu nhập cao hơn, mức sống khá lên.

Năm 2018, KKT Nghi Sơn được Chính phủ mở rộng thêm hơn 106 nghìn ha; đến nay toàn bộ KKT gồm có 34 xã thuộc thị xã Nghi Sơn, 6 xã thuộc huyện Như Thanh và Nông Cống. KKT mở rộng đã và đang tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới cho người dân Thanh Hóa, khu vực Bắc Trung Bộ, kể cả những thành phố lớn. Chúng ta có thể khẳng định rằng, đến thời điểm này, cuộc sống của người dân Nghi Sơn ngày càng trở nên giàu có, thịnh vượng.

Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết bài toán sinh kế đối với cư dân bản địa, trong đó bao gồm cả những người yếu thế. Ông nhận định như thế nào về công tác an sinh của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn?

Tôi đánh giá cao sự hợp tác, phối hợp, sự chia sẻ của Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong việc thực hiện các dự án an sinh xã hội,họ làm rất tốt công việc này. Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã rất cẩn trọng, chuyên nghiệp trong việc phối hợp với đơn vị tư vấn nước ngoài chuyên về vấn đề làm cộng đồng, làm chính sách, đặc biệt là an sinh xã hội; trong đó có đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm, ưu tiên tạo cơ hội việc làm cho con em trong vùng dự án…

Từ năm 2012 đến nay, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các nhà thầu của dự án làm rất tốt việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Họ muốn góp phần xây dựng một cộng đồng phát triển phồn thịnh, đồng hành cùng dự án. 

Để hỗ trợ người dân, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã xây dựng và duy trì một kênh giao tiếp hai chiều, qua đó chia sẻ với cộng đồng các thông tin về dự án và lắng nghe những phản hồi đóng góp của bà con. Đó là việc hỗ trợ người dân nhường đất cho dự án để thành lập 25 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại cộng đồng. Hiện 25 câu lạc bộ này đang làm rất tốt các vấn đề chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập, giúp đỡ những người thiếu may mắn trong cộng đồng.

Bên cạnh những mặt tích cực, có thể còn một bộ phận nhỏ người dân tái định cư đang gặp phải những khó khăn, trở ngại. Xin ông có thể cho biết tỉnh Thanh Hoá cũng như Ban quản lý KKT Nghi Sơn đã quan tâm, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn ra sao?

Người dân vùng dự án đã phải hy sinh nhường đất của ông cha đã sinh sống hàng nghìn năm cho KKT Nghi Sơn, đó là sự hy sinh không hề dễ dàng. Nhất là khi di chuyển đến khu tái định cư, ngoài việc gìn giữ những nét văn hoá truyền thống, họ phải thay đổi để thích nghi với phong tục tập quán tại nơi ở mới, cũng như thay đổi cách thức làm ăn, nghề nghiệp khiến một bộ phận tâm tư, đặc biệt là những người cao tuổi.

Đồng thời, đang từ cuộc sống tự do, giờ sống trong môi trường công nghiệp, người dân buộc phải học hỏi nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn để thích nghi với môi trường mới. Những điều này cũng mang lại áp lực không nhỏ đối với cuộc sống của bà con. Tuy nhiên, để đạt được những nhiệm vụ lớn hơn, bà con vùng đất này đều rất chia sẻ với chủ trương lớn của Nhà nước và từng bước, họ đang thích nghi rất tốt với môi trường mới.

Những năm tới, KKT Nghi Sơn còn tiếp tục phát triển, tỉnh Thanh Hóa còn thu hút nhiều dự án lớn về đây nên việc di dân vẫn tiếp tục diễn ra và những ảnh hưởng trong quá trình giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân, tái định cư là không tránh khỏi. Song các công việc này được tỉnh Thanh Hoá làm rất tốt trong những năm qua. Đó là tiền đề, kinh nghiệm đúc rút và là cơ sở để Thanh Hoá tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, giúp cho người dân vùng dự án có cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc để phấn đấu đến năm 2030, nhân dân vùng đất Nghi Sơn sẽ ổn định về mọi mặt và phát triển bền vững. 

Cuối cùng, xin ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm của bản thân trong quá trình công tác tại Nghi Sơn đối với bà con vùng dự án?

Trong 5 năm công tác và giữ cương vị là người đứng đầu Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hoá, tôi đã đặt chân đến tất cả các địa phương, thậm chí xuống tận từng thôn xóm để gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Mình gần gũi, chia sẻ khó khăn, lắng nghe ý kiến của của bà con mới kịp thời tháo gỡ những khúc mắc, đảm bảo quyền lợi cho người dân, qua đó động viên nhân dân đồng hành với những gì Nhà nước đang triển khai thực hiện vì sự phồn thịnh của đất nước. 

Bên cạnh đó, tôi thường xuyên đồng hành cùng nhiều gia đình nghèo khó, thiếu may mắn bằng nhiều cách, thậm chí xây dựng được hàng trăm căn nhà tình nghĩa với nguồn kinh phí của bản thân và huy động từ các mạnh thường quân chung tay đóng góp. Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, nhiều trường hợp người dân và chính quyền chưa tìm được tiếng nói chung, tôi đã trực tiếp gặp gỡ, động viên giải thích cho người dân để họ hiểu, tin tưởng và ủng hộ mình. Tôi nghĩ, cán bộ cứ làm việc một cách công tâm, khách quan, có trách nhiệm với nhân dân, chắc chắn nhân dân sẽ luôn luôn ủng hộ việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ to lớn của Đảng, Nhà nước đề ra.

Đột phá Nghi Sơn - Kỳ II: Để "không ai bị bỏ lại phía sau"
Lọc hóa dầu nghi Sơn là một trong những doanh nghiệp hàng đầu, không chỉ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương mà còn quan tâm, hỗ trợ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư