Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của HAH khi cổ phiếu “bốc hơi” 55,2% giá trị
Duy Bắc - 07/10/2022 10:16
 
Quỹ ngoại liên tục bán ra cổ phiếu và giảm sở hữu tại CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán HAH - sàn HoSE).

Cụ thể, ngày 30/9, nhóm Dragon Capital vừa bán ra 1.090.000 cổ phiếu HAH để giảm sở hữu từ 7,45% về còn 5,86% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán 840.000 cổ phiếu và quỹ CTBC Vietnam Equity Fund bán 250.000 cổ phiếu.

Tiếp đến, ngày 4/10, nhóm Dragon Capital tiếp tục bán 600.000 cổ phiếu HAH để giảm sở hữu về còn 4,54% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ thực hiện bán 600.000 cổ phiếu là CTBC Vietnam Equity Fund.

Như vậy, sau khi liên tục bán ra, nhóm Dragon Capital đã không còn là cổ đông lớn tại CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An.

Cổ phiếu HAH liên tục lao dốc từ tháng 7/6 tới nay (Nguồn: FireAnt).
Cổ phiếu HAH liên tục lao dốc từ tháng 7/6 tới nay (Nguồn: FireAnt).

Bối cảnh nhóm Dragon Capital liên tục bán ra cổ phiếu HAH khi giá cổ phiếu liên tục lao dốc. Cụ thể, từ ngày 7/6 đến 6/10, cổ phiếu HAH giảm 55,2% giá trị từ 89.900 đồng về 40.300 đồng/cổ phiếu.

Thêm nữa, thống kê từ thời điểm 1/1 đến 28/9/2022, cổ đông lớn và người nội bộ mua vào 1.683.000 cổ phiếu, bán ra 4.534.200 cổ phiếu (chiếm 6,64% vốn điều lệ). Như vậy, nhóm này đã bán ròng hơn 2,85 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 4,2% vốn điều lệ tại Vận tải và Xếp dỡ Hải An.

Trong đó, đáng chú ý phải kể tới ngày 20/7/2022, CTCP Đầu tư Sao Á D.C đã bán ra 2,49 triệu cổ phiếu HAH để giảm sở hữu từ 7,48% về còn 3,78% vốn điều lệ và chính thức không còn là cổ đông lớn của Hải An.

Gió đổi chiều sau 2 năm Covid

Theo dữ liệu từ Drewry, cước phí vận chuyển một container 40 feet từ cảng Thượng Hải đến Los Angeles là 3.779 USD vào tuần kết thúc ngày 23/9, đây là lần đầu tiên mức giá giao ngay dưới 4.000 USD kể từ tháng 9/2020 và chỉ bằng một nửa so với 3 tháng trước. Drewry cho biết, sẽ có nhiều sự sụt giảm hơn đối với cước phí vận tải trong vài tuần tới.

Simon Heaney, Giám đốc cấp cao của Bộ phận nghiên cứu về container tại Drewry nhận định: “Công bằng mà nói, triển vọng nhu cầu đối với vận tải container và vận tải container xuyên Thái Bình Dương nói chung đang suy giảm rất nhanh”.

Nhà phân tích Lee Klaskow của Bloomberg Intelligence cho biết, ngành vận tải biển vẫn có thể có năm tốt thứ ba vào năm 2023, nhưng thời điểm tốt có thể không tiếp tục vượt quá mức đó do tất cả các tàu mới - được đặt hàng trong thời kỳ thịnh vượng này - sẽ bắt đầu được tung ra vào năm sau.

“Có rất nhiều công suất mới sẽ hạ thủy vào năm 2023, điều này sẽ làm giảm giá cước giao ngay và giá cước theo hợp đồng. Khi chúng ta bước sang năm 2024, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn đối với các hãng tàu vì nhiều nguồn cung hơn và chuỗi cung ứng được bình thường hóa”, ông Lee Klaskow cho biết.

Theo SSI Research, sản lượng vận tải vẫn được duy trì khá tốt, với sản lượng toàn cầu đạt mức tăng trưởng dương trong tháng 6/2022 (tăng 0,6% so với cùng kỳ) sau khi giảm trong bốn tháng trước đó. Tuy nhiên, sản lượng đặt trước đã chậm lại đáng kể do các nhà bán lẻ giảm lượng hàng tồn kho trong bối cảnh những bất ổn vĩ mô quốc tế gia tăng.

SSI Research nhận thấy thị trường vận tải container đã bắt đầu điều chỉnh sau chu kỳ tăng mạnh kéo dài 2 năm, khi cả giá cước giao ngay và giá thuê tàu đều đang giảm. Sự điều chỉnh này diễn ra sớm hơn dự kiến, chủ yếu do nhu cầu bất ngờ yếu đi nhanh chóng, chứ không phải do tình trạng tắc nghẽn giao thương giảm bớt.

Có thể thấy, trong 2 năm hưởng lợi từ đại dịch, giá cước vận tải tăng cao đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải gia tăng cả doanh thu và biên lợi nhuận. Tuy nhiên, với áp lực lạm phát tăng cao, nhu cầu vận tải suy yếu, giá cước đang trên đà giảm và sắp tới, khi các hãng tàu nhận bàn giao lượng lớn tàu thuyền đã thực hiện đóng mới trong giai đoạn đỉnh điểm tắc nghẽn chuỗi cung ứng, sẽ dẫn tới tình trạng công suất vận tải tăng cao và đồng thời tăng áp lực cạnh tranh tìm đơn hàng của các hãng tàu.

Hoạt động cốt lõi của Vận tải và Xếp dỡ Hải An là khai thác tàu

Xét về cơ cấu doanh thu, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động khai thác tàu của Vận tải và Xếp dỡ Hải An đạt 1.372,4 tỷ đồng, chiếm 86,8% tổng doanh thu; hoạt động khai thác cảng ghi nhận 112,18 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng doanh thu và còn lại các lĩnh vực khác.

Trước đó, trong năm 2021, doanh thu hoạt động khai thác tàu ghi nhận 1.604,4 tỷ đồng, chiếm 82,1% tổng doanh thu; doanh thu hoạt động khai thác cảng đóng góp 213,76 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng doanh thu và còn lại các lĩnh vực khác.

Có thể thấy, hoạt động khai thác tàu liên tục duy trì đóng góp trọng yếu trong cơ cấu doanh thu của Vận tải và Xếp dỡ Hải An. Trong đó, chiến lược tăng trưởng của Công ty được góp phần bởi việc liên tục đầu tư mở rộng đội tàu và gặp may mắn khi trong 2 năm dịch bệnh, giá cước liên tục tăng kỷ lục.

Trong đó, năm 2020 ghi nhận lợi nhuận đạt 147 tỷ đồng, tăng 10,4%; năm 2021 ghi nhận 550,6 tỷ đồng, tăng 276%; và 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 587,1 tỷ đồng, tăng 220%.

Việc mở rộng đội tàu và may mắn hưởng lợi giá cước vận tải tăng cao đã hỗ trợ cổ phiếu HAH tăng mạnh trong 2 năm đại dịch. Tuy nhiên, khi Vận tải và Xếp dỡ Hải An tiếp tục mở rộng đội tàu trong môi trường giá cước giảm, điều này đang tác động ngược trở lại theo chiều hướng không tích cực trong thời gian tới và ngày càng nhiều nhận định cho rằng, Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã đi qua thời điểm thuận lợi nhất.

Xếp dỡ Hải An (HAH) thu về hơn 99 tỷ đồng sau khi bán sạch cổ phiếu quỹ
Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) vừa báo cáo kết quả giao dịch bán 1.389.953 cổ phiếu quỹ trong thời gian từ 28/10 đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư