Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 23 tháng 02 năm 2025,
Dự án Cảng trung chuyển Cần Giờ khó đáp ứng tiến độ giải ngân
Lê Quân - 23/02/2025 09:49
 
Quy định nhà đầu tư giải ngân hết 4,8 tỷ USD trong 5 năm tại Dự án Cảng trung chuyển Cần Giờ có nguy cơ phá vỡ phương án tài chính.
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Nguồn: Porcoast

Giải ngân hết 4,8 tỷ USD trong 5 năm rất khó

Ngay sau khi Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào giữa tháng 1/2025 tại Quyết định số 148/QĐ-TTg, cuối tháng 1/2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM có Báo cáo số 1052/SKHĐT-KTĐN gửi UBND TP.HCM về kế hoạch triển khai dự án này.

Một trong những vướng mắc lớn nhất mà nhà đầu tư và cơ quan quản lý gặp phải khi bắt tay vào xây dựng kế hoạch triển khai là quy định giải ngân vốn đầu tư trong vòng 5 năm theo quy định của Nghị quyết số 98/2023/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Cụ thể, tại điểm b, khoản 9, Điều 7, Nghị quyết 98/2023/QH15 quy định: “Nhà đầu tư chiến lược phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án”.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, quy định trên không bảo đảm khả thi đối với các dự án hạ tầng có quy mô lớn, thời gian triển khai dài như Dự án Cảng trung chuyển Cần Giờ. Tại Dự án này, tổng mức đầu tư do Liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A lập và được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 148/QĐ-TTg, thì tổng vốn đầu tư của Dự án là 113.531 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), dự kiến phân kỳ đầu tư thành 7 giai đoạn, thời gian thực hiện trong 22 năm.

Hơn nữa, tại Văn bản giải trình số 1099/CSG-DA ngày 9/10/2024, Liên danh nhà đầu tư chỉ cam kết trong 5 năm có thể hoàn tất việc đầu tư giai đoạn I và II, gồm 4 bến cảng có quy mô 2.016 m bến chính, với tổng mức đầu tư 34.432 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD).

Như vậy có thể thấy, trước khi đề xuất dự án, nhà đầu tư đã nghiên cứu khá kỹ lượng hàng thông qua cảng để phân kỳ đầu tư phù hợp mang lại hiệu quả đầu tư. Do vậy, Dự án không thể giải ngân 4,8 tỷ USD trong vòng 5 năm.

Tác động tới quy hoạch cảng biển

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, quy định nhà đầu tư hoàn tất đầu tư toàn bộ bến cảng và đẩy nhanh tốc độ giải ngân trong vòng 5 năm có nguy cơ phá vỡ phương án tài chính của Dự án. Hơn nữa, việc đầu tư nhiều cầu cảng trong vòng 5 năm không phù hợp với nhu cầu, khả năng hấp thụ của thị trường, phá vỡ quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các cảng lân cận đã được tính toán theo quy hoạch được duyệt.

Liên quan đến những khó khăn trong việc giải ngân vốn tại Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và đề nghị TP.HCM tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung.

Cuối tháng 10/2024, UBND TP.HCM có Công văn 6684/UBND-TH gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM để báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung điều chỉnh đối với điểm b, khoản 9, Điều 7, Nghị quyết 98/2023/QH15 theo hướng chỉ yêu cầu giải ngân số vốn bắt buộc tối thiểu trong thời hạn 10 năm (giải ngân tối thiểu 50.000 tỷ đồng), tương tự tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tại Nghị quyết đặc thù của TP. Đà Nẵng đối với cảng Liên Chiểu.

Ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu 2024, nhưng không ghi nhận nội dung đề xuất sửa đổi Nghị quyết 98/2023/QH15 như đề xuất của UBND TP.HCM.

Do vậy, để đảm bảo hành lang pháp lý có thể kêu gọi được nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND TP.HCM tiếp tục báo cáo Chính phủ trình Quốc hội nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 9, Điều 7, Nghị quyết số 98/2023/QH15 theo hướng nhà đầu tư phải giải ngân vốn đầu tư (tối thiểu từ 50.000 tỷ đồng trở lên) trong thời hạn 10 năm kể từ ngày bàn giao đất, mặt nước trên thực địa. Trong thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án.

Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cho biết, quy định nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM phải cam kết giải ngân toàn bộ vốn đầu tư trong 5 năm là rất khó và làm giảm tính khả thi của dự án. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư các dự án lớn tại Thành phố.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư