Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dự án cầu Đại Ngãi đón vốn ODA Nhật Bản
Anh Minh - 02/04/2017 08:02
 
Cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu nối Trà Vinh và Sóc Trăng sẽ được chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang nhận vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.
TIN LIÊN QUAN

Rút ngắn đường về miền Tây

Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về việc triển khai Dự án Xây dựng cầu Đại Ngãi sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sẽ là cơ quan được giao triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, tháng 8/2016, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư Dự án Xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 từ BOT sang sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản do không tìm được nhà đầu tư có năng lực.

Cầu Đại Ngãi được xây dựng vượt sông Hậu, dài 15,2 km, cách phà Đại Ngãi hiện tại 7,8 km về hạ lưu. Ảnh: A.C
Cầu Đại Ngãi được xây dựng vượt sông Hậu, dài 15,2 km, cách phà Đại Ngãi hiện tại 7,8 km về hạ lưu. Ảnh: A.C

Như vậy, đây sẽ là công trình cầu dây văng vượt sông lớn thứ hai (sau cầu Cần Thơ) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được tài trợ vốn ODA Nhật Bản. Cầu Đại Ngãi được xây dựng vượt sông Hậu, dài 15,2 km, nằm phía hạ lưu Trung tâm Nhiệt điện Long Phú, cách phà Đại Ngãi hiện tại 7,8 km về hạ lưu và có một đoạn tuyến đi bằng trên Cù Lao Dung.

Dự án có chiều dài tuyến khoảng 15,2 km, bao gồm 2 cầu chính là cầu Đại Ngãi 1; cầu Đại Ngãi 2; 5 cầu trung và nhỏ; đường dẫn vào cầu. Trong đó, điểm nhấn chính là cầu Đại Ngãi 1 dài 2,24 km dạng cầu dây văng; vượt qua luồng Định An, đảm bảo khổ thông thuyền cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải ra vào sông Hậu từ kênh Quan Chánh Bố (nếu vào cảng Sóc Trăng và Trung tâm Nhiệt điện Long Phú đi vòng qua Cù Lao Dung), với tĩnh không thông thuyền 45 m, chiều rộng thông thuyền tối thiểu 300 m.

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, các tuyến quốc lộ theo trục dọc từ TP.HCM đi về Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã được nối thông. Chỉ riêng tuyến Quốc lộ từ Bến Tre về Sóc Trăng đang bị chia cắt do chưa xây dựng được cầu Đại Ngãi. Giao thông của các tỉnh phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long rất khó khăn.

“Việc xây dựng cầu Đại Ngãi sẽ khai thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn khoảng cách xuống 80 km so với tuyến Quốc lộ 1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau về TP.HCM. Cùng với đó sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho người dân”, ông Nhật cho biết.

Tiếp tục rà soát chi phí đầu tư

Cần phải nói thêm rằng, ngay từ năm 2011, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi đã được Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Nhật Bản (OCAJI) quan tâm khảo sát nghiên cứu, Bộ GTVT cũng đã có các văn bản đề xuất với Bộ Kinh tế -Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ nghiên cứu để xúc tiến vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Đồng thời, cũng tại thời điểm này, Bộ GTVT đưa Dự án vào danh mục đăng ký vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản từ năm 2011 – 2014 với Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, phía Nhật Bản chưa quan tâm nghiên cứu tài trợ Dự án do cầu Cổ Chiên chưa được xây dựng, nên việc xây dựng cầu Đại Ngãi sẽ không hiệu quả.

Sau khi cầu Cổ Chiên hoàn thành (tháng 5/2015), METI đã cấp một khoản kinh phí cho Hiệp hội Tư vấn và Nhà thầu Nhật Bản (gồm: Nippon Engineering Consultants Co, Chodai Consultants Co, Nippon Koei Consultants Co, Kajima Corp, IHI, Nippon Steel, Sumitomo Metal...) triển khai nghiên cứu từ tháng 9/2015 đến tháng 5/2016, mặc dù tại thời điểm này, nhóm tư vấn Nhật Bản đã biết là Bộ GTVT đang triển khai Dự án theo phương án BOT.

Tính toán sơ bộ của METI cho thấy, tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 8.401 tỷ đồng  (tương đương 46,2 tỷ yên), dự kiến vay (STEP) của Nhật Bản khoảng 85%. Tổng mức đầu tư này cao hơn 2.675 tỷ đồng so với phương án đầu tư BOT.

Nguyên nhân có sự chênh lệch, theo Bộ GTVT, là do tính toán của tư vấn trong nước thực hiện theo quy định trong nước, trong khi tư vấn METI tính giá thành xây dựng theo điều kiện vay vốn STEP, nên một số hàng hóa, dịch vụ được mua sắm và cung cấp từ Nhật Bản (khoảng trên 30%) có giá thành cao hơn.

Đặc biệt, về mặt kỹ thuật, tư vấn METI đề xuất bổ sung 2 trụ neo và thay thế giải pháp xử lý đất nền yếu từ giếng cát bằng phương pháp cố kết hút chân không, thời gian thực hiện dự án của tư vấn METI kéo dài nên có sự chênh lệch trên. Tuy nhiên, đề xuất của tư vấn METI chưa có sự rà soát và thẩm tra, nên mới chỉ là số liệu dự kiến.

“Sau khi Dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép lập dự án đầu tư, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát lại thiết kế, tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện dự án cho phù hợp, nhằm đảm bảo giá thành và chất lượng công trình”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư