Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Dự án điện gió Monsoon vận hành thương mại vào quý II/2025 sẽ bán cho Việt Nam
Hoàng Nam - 22/08/2022 13:56
 
Toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện gió Monsoon sẽ được bán cho Việt Nam theo Hợp đồng mua bán điện 25 năm đã ký với EVN.

Nhằm đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng liên quan đến nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đoàn công tác của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) do ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV dẫn đầu đã làm việc với một số chủ đầu tư nguồn điện tại Lào.

Đoàn công tác EVNNPT làm việc với chủ đầu tư Dự án điện gió Monsoon
Đoàn công tác EVNNPT làm việc với chủ đầu tư Dự án điện gió Monsoon

Theo Công ty Impact Energy Asia Development Limited (IEAD)- chủ đầu tư Nhà máy điện gió Monsoon, dự án có quy mô 600 MW với tổng mức đầu tư khoảng 930 triệu USD, nằm ở phía Đông Nam nước Lào, cách biên giới Lào - Việt Nam khoảng 22 km, sẽ xuất khẩu điện từ Lào về Việt Nam.

Với thực tế tại Lào, chu kỳ mùa gió ngược với chu kỳ mùa mưa, nên các nguồn điện gió sẽ là sự bổ sung rất hữu ích cho tổng công suất nguồn điện của Lào vốn đang phụ thuộc chủ yếu vào các nhà máy thủy điện. Hiện dự án đang được đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu vận hành thương mại (COD) vào quý II/2025.

Dự án Nhà máy điện gió Monsoon nằm trong Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào nhằm mục tiêu nhập khẩu nguồn điện năng lượng tái tạo từ Lào về Việt Nam. Vào tháng 7/2020,  Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ dự án này và chỉ đạo EVN xây dựng các công trình truyền tải điện cần thiết tại Việt Nam.

Vào tháng 7/2021, Hợp đồng mua bán điện giữa IEAD với EVN đã được ký kết và Hợp đồng điều chỉnh, sửa đổi được ký kết vào tháng 1/2022. Theo đó, toàn bộ sản lượng điện từ dự án này sẽ được bán cho Việt Nam theo Hợp đồng mua bán điện 25 năm với EVN.

Việc nhập khẩu điện từ dự án điện gió Monsoon về Việt Nam sẽ được thực hiện thông qua đường dây 500 kV mạch kép (từ Trạm biến áp 500 kV Monsoon đến Trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ). Trong đó, chiều dài đường dây trên địa phận Lào là 22 km (do IEAD làm chủ đầu tư, thực hiện thông qua hợp đồng EPC), phần trên lãnh thổ Việt Nam là 44 km (do EVN làm chủ đầu tư và Ban quản lý dự án điện 2 thực hiện quản lý dự án).

Theo thiết kế, đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ không chỉ truyền tải công suất từ dự án điện gió Monsoon, mà còn truyền tải công suất của các cụm nhà máy thủy điện: Xekong (3A, 3B, 5), Xekaman (2A, 2B) do Tập đoàn Phongsubthavy (Lào) làm chủ đầu tư đấu nối vào trạm biến áp 500 kV Monsoon với tổng công suất khoảng 870 MW.

Cơ cấu đầu tư Dự án điện gió Monsoon
Tổng quan Dự án điện gió Monsoon

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết, đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ là hệ thống truyền tải 500 kV đầu tiên liên kết lưới truyền tải điện của Việt Nam với quốc gia khác. Do đó, để đường dây có thể đấu nối vào trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ (do EVNNPT/PTC2 đang quản lý vận hành) cần phải thực hiện dự án mở rộng ngăn lộ và cải tạo trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ (do EVNNPT làm chủ đầu tư). Dự án này EVNNPT đã giao Ban QLDA truyền tải điện (NPTPMB) thực hiện quản lý dự án từ tháng 9/2021.

Hiện nay, NPTPMB đang rất khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng của dự án để đáp ứng tiến độ hoàn thành vào tháng 12/2024.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng cũng mong muốn IEAD thường xuyên trao đổi thông tin với EVNNPT, thông qua đầu mối là NPTPMB về tiến độ triển khai các dự án điện gió Monsoon, đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ (phần trên địa phận Lào) và trạm biến áp 500 kV Monsoon. Đồng thời giao các ban liên quan của Tổng công ty hỗ trợ tối đa cho NPTPMB trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng của dự án và yêu cầu NPTPMB tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai các thủ tục để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Phụ thuộc nhập khẩu, điện khí LNG có nhiều biến số
Vốn đầu tư, thiết bị nhà máy, nguyên liệu đầu vào đều phụ thuộc vào nhập khẩu khiến Dự án điện khí LNG đau đầu về tính hiệu quả trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư