Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Dự án Khu ký túc xá sinh viên tập trung TP. Đà Lạt: Dang dở, kém hiệu quả
Nhiệt Băng - 17/02/2022 12:57
 
Dự án Khu ký túc xá sinh viên tập trung tại TP. Đà Lạt hiệu quả kém, không thu hút được sinh viên vào ở. Có nên tiếp tục rót thêm vốn vào dự này hay không?
Khu ký túc xá sinh viên tại TP. Đà Lạt đầu tư dang dở, vắng sinh viên
Khu ký túc xá sinh viên tại TP. Đà Lạt đầu tư dang dở, vắng sinh viên

Đầu tư dở dang, thiếu sinh viên

Dự án Khu ký túc xá sinh viên tập trung tại TP. Đà Lạt có tổng mức đầu tư 1.081,872 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu chính phủ là 849,074 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 232,798 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm năm 2014, nguồn vốn của Chính phủ và địa phương khó khăn nên không thể tiếp tục triển khai đầu tư các hạng mục còn lại và hạ tầng đồng bộ theo như phê duyệt.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư diễn ra với tiến độ “rùa bò”, ảnh hưởng đến việc triển khai xây dựng các công trình phụ trợ trong tổng thể khu ký túc xá sinh viên. Do việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên đến nay mới giải phóng được 7/18 ha của Dự án.

Việc triển khai thực hiện các hạng mục công trình vẫn chưa đáp ứng phân kỳ đầu tư. Dự án có quy mô xây dựng 132.518 m2 sàn, gồm 17 khối nhà và các hạng mục, công trình phụ trợ khác, nhưng đến năm 2015 mới đưa 2 khối nhà B1 và B3 vào sử dụng, khối B2 mới thi công xong phần móng. Các hạng mục khác gồm sân bóng chuyền, bóng đá, vườn hoa, tường rào, đường nội bộ và hạ tầng chưa được triển khai đồng bộ theo phê duyệt.

Theo Thanh tra Chính phủ, Dự án Khu ký túc xá sinh viên tập trung TP. Đà Lạt là một trong những dự án thiếu vốn kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, không phát huy được hiệu quả so với phê duyệt.

Đầu tư hạ tầng thiết yếu như nâng cấp hệ thống giao thông kết nối đến dự án, xây dựng hạ tầng khu tái định cư còn chưa được tập trung. Trong khi đó, các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của sinh viên chưa được đầu tư đầy đủ, chỉ mới trang bị bàn ghế dùng cho sinh hoạt chung và giường cá nhân khối nhà B3, khối nhà B1 chưa được trang bị.

Sở Xây dựng cho rằng, do hiện nay nhiều địa phương đã có trường đại học, nên lượng học sinh thi vào các trường ở Đà Lạt có tỷ lệ không cao, số lượng học sinh, sinh viên giảm nhiều so với giai đoạn trước, nhất là đối với những trường cao đẳng và trường trung cấp nghề.

Bên cạnh đó, tại thời điểm khảo sát đánh giá để đầu tư xây dựng, có nhiều trường dự kiến đầu tư ở gần khu vực ký túc xá như Đại học Luật TP.HCM (phân hiệu Đà Lạt), Trường chuyên tỉnh Lâm Đồng…, song đến nay, các trường đó không xây dựng nên ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn sinh viên dự kiến vào ở trong ký túc xá tập trung.

“Công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu nhà ở cho sinh viên để lập quy hoạch, lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng dự án trước đây phù hợp với định hướng quy hoạch mạng lưới của các cơ sở đào tạo trên địa bàn. Tuy nhiên, do các trường không thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đầu tư, dẫn đến nguồn sinh viên không đáp ứng như đánh giá ban đầu của dự án. Đó là chưa kể, công tác giải phóng mặt bằng chậm và ảnh hưởng đến tiến độ hiệu quả của dự án”, Sở Xây dựng nêu.

Theo cơ quan này, do nguồn lực đầu tư chưa đảm bảo theo tiến độ dự án và dự án đã dừng thực hiện, các hạng mục thiết yếu tại dự án để hỗ trợ sinh hoạt cho sinh viên chưa được thực hiện nên sinh viên không muốn vào ở. Khối nhà B1 và B3 hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2015, nhưng quá trình quản lý, sử dụng, khai thác đối với 2 khối nhà này hết sức khó khăn, đến hết năm 2020, số lượng sinh viên mới đạt trên 50%.

Một nguyên nhân nữa cũng được Sở Xây dựng chỉ ra, đó là tình trạng người dân phát triển quỹ nhà trọ nhiều. Đa số học sinh, sinh viên đang thuê nhà trọ của dân, làm giảm bớt nhu cầu vào ở ký túc xá, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án.

Đề xuất tiếp tục đầu tư

Mới đây, Sở Xây dựng cùng các sở, ngành và UBND TP. Đà Lạt kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất kết thúc giai đoạn đầu tư của dự án, xem xét triển khai giai đoạn còn lại; bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh quanh khối nhà B1, B2, B3 (sân, đường nội bộ) và đầu tư một phần khối nhà B2 để bố trí thư viện, căng tin và một số hạng mục thiết yếu khác, với kinh phí 47,9 tỷ đồng, kèm theo khái toán giá trị, các hạng mục cần tiếp tục đầu tư tại thời điểm năm 2022.

“Trong trường hợp địa phương khó khăn về nguồn vốn thì UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất với Chính phủ xem xét tiếp tục bố trí nguồn vốn trái phiếu chính phủ để thực hiện việc đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và toàn bộ khối nhà B2, nhằm hoàn chỉnh phần dự án đã đầu tư giai đoạn 2009 - 2015. Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của UBND TP. Đà Lạt, UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn để thực hiện bảo trì công trình theo quy định; đồng thời, UBND tỉnh xem xét cân đối nguồn tài chính để hoàn trả số tiền đã ứng của trái phiếu chính phủ, với số tiền hơn 27,7 tỷ đồng”, Báo cáo số 213, ngày 28/1/2022 của Sở Xây dựng nêu kiến nghị.

Sở Xây dựng cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh tăng tiêu chuẩn diện tích sàn phòng ở (từ 4 m2/sinh viên, lên diện tích ở tối thiểu 8 m2/sinh viên); giảm số lượng sinh viên ở 1 phòng (từ 8 sinh viên/phòng, xuống còn 4 - 6 sinh viên/phòng) để bố trí, đảm bảo theo nhu cầu thực tế của sinh viên trên địa bàn hiện nay; cho phép được mở rộng đối tượng thuê nhà ở (cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người có thu nhập thấp...) nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội thực tế trên địa bàn, tạo nguồn kinh phí bù đắp cho việc quản lý, vận hành và bảo trì hàng năm của công trình ký túc xá.

“Đến nay, số lượng sinh viên đã duy trì ổn định trên 50% và nhu cầu có thể tăng nếu các công trình hạ tầng xung quanh và công trình dịch vụ thiết yếu được đầu tư để phần dự án đi vào hoạt động ổn định, đề nghị Bộ Xây dựng căn cứ vào nhu cầu thực tế và tình hình phân bổ vốn đầu tư, đề xuất Chính phủ xem xét tiếp tục bố trí nguồn vốn để UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đầu tư phần còn lại của dự án”, Sở Xây dựng đề xuất.

Nhùng nhằng trước “món nợ khó đòi”

Không chỉ đầu tư kém hiệu quả, Dự án Khu ký túc xá sinh viên tập trung TP. Đà Lạt còn bị Thanh tra Chính phủ “sờ gáy”.

Tại Kết luận 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Lâm Đồng thu hồi số tiền 13,4 tỷ đồng tại Gói thầu số 09, Dự án Khu ký túc xá sinh viên tập trung TP. Đà Lạt do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.

Thực hiện kết luận trên, Sở Xây dựng nhiều lần yêu cầu, đôn đốc Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) thực hiện nộp số tiền thu hồi nêu trên vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.

Tuy nhiên, CC1 cho rằng, Công ty đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh và của Sở Xây dựng tại thời điểm triển khai dự án và các điều khoản trong hợp đồng.

Mặt khác, công trình đã được thanh, quyết toán và UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án nên đơn vị đã lập hồ sơ thanh quyết toán, thanh lý hợp đồng và thanh toán cho các đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị, cũng như thanh toán chi phí nhân công cho các đơn vị thi công trực tiếp, nên CC1 không chấp hành nộp lại số tiền thu hồi nêu trên.

Cho rằng, việc thu hồi số tiền nêu trên theo kết luận của Thanh tra Chính phủ gặp khó khăn, không thực hiện được, Sở Xây dựng đã có Tờ trình số 1022/TTr-SXD ngày 1/6/2021, đề nghị UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ xem xét lại việc xử lý thu hồi số tiền 13,4 tỷ đồng.

Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có các văn bản giao Sở Xây dựng tiếp tục đôn đốc CC1 khẩn trương nộp số tiền 13,4 tỷ đồng nêu trên. Sở đã đốc thúc, nhưng CC1 không thực hiện và cũng không có phản hồi về Sở.

Đến ngày 13/10/2021, Sở Xây dựng lại có văn bản đề nghị CC1 khẩn trương nộp số tiền thu hồi 13,4 tỷ đồng nêu trên vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ, thời gian hoàn thành trước ngày 30/10/2021.

Đến nay, “món nợ khó đòi” này vẫn chưa rõ hướng giải quyết cuối cùng. Liên quan đến sự vụ này, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng với hình thức khiển trách.

Đà Nẵng thúc tiến độ Dự án Khu ký túc xá sinh viên
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho biết, dù đã bố trí vốn từ đầu năm 2018, tuy nhiên Liên danh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư