Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia: Chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra nhiều "sạn"
Kỳ Thành - 08/09/2018 09:27
 
Trong khi giới chuyên gia, luật sư cho rằng Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia còn nhiều bất ổn ngay từ tên gọi và tư duy quản lý, thì các doanh nghiệp cũng chỉ ra những điều khoản quy định trong dự thảo luật này còn nhiều vấn đề chưa sát với thực tế.

Rượu, bia: “Phòng, chống” hay quản lý, kiểm soát?

Tại cuộc Tọa đàm về dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” do Vụ Pháp chế Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức ngày 6/9 vừa qua, giới chuyên môn và những doanh nghiệp thuộc diện thi hành luật cho rằng, có nhiều điều cần được xem xét lại, đặc biệt là tên của luật này đã không đúng với bản chất và không phù hợp với thực tế.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, cho rằng, việc nhấn mạnh "phòng, chống" trong tên luật sẽ gây hiểu lầm, tạo cảm giác bia, rượu là độc hại, trong khi độc hại chỉ xảy ra khi sử dụng quá liều lượng và sử dụng sản phẩm không bảo đảm chất lượng.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, không nên lấy tác hại, một yếu tố phụ, để đặt tên cho Luật, trong khi mục đích của Luật là phòng, chống phần độc hại trong rượu bia và lạm dụng rượu bia. Hơn nữa, việc để tên của Luật không đúng với các nội dung ghi trong Luật có thể dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến sự chuẩn mực của luật cũng như sự không rõ ràng trong các quy định của luật.

Theo Luật sư Đức, cần phải thay thế tên luật bằng tên gọi khác, trong đó thay 2 từ “phòng, chống” bằng từ “kiểm soát”. Có thể là "Luật Kiểm soát đồ uống có cồn" hoặc "Luật Kiểm soát việc lạm dụng rượu, bia", nếu chỉ tập trung vào việc hạn chế tác hại của rượu, bia hoặc tên là "Luật Quản lý rượu, bia" nếu như quy định cả điều kiện kinh doanh rượu bia.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, dùng từ “phòng, chống” bia, rượu trong tên của dự luật giống như các sản phẩm khác như thuốc lá, ma túy… là không chính xác.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, hiện nay trên thế giới, chưa có quốc gia nào đặt tên là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà chỉ có một vài nước ban hành chính sách pháp luật về rượu, bia như: Luật Kiểm soát đồ uống có cồn (Thái Lan năm 2008), Luật Kiểm soát rượu, bia và thuốc lá (Srilanka), Luật Kiểm soát đồ uống có cồn (Singgapo, Lithuania)...

Ông Việt cho biết, sản xuất bia, rượu là ngành giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Ngành có đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương). Theo Tổng cục Thuế, tổng thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong toàn ngành năm 2017 ước đạt 50 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 1,7% GDP của Việt Nam. Bên cạnh đó, thực trạng sản xuất kinh doanh, sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức trung bình và tốc độ tăng trưởng của ngành này trong 3 năm gần đây giảm dần.

Quang cảnh tọa đàm về Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia
Quang cảnh tọa đàm về Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

Doanh nghiệp sản xuất, thương mại điện tử cùng băn khoăn

Bên cạnh vấn đề tên gọi, một số vấn đề khác trong dự thảo luật cũng còn gây tranh cãi như việc có nên cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; hạn chế bán hàng thương mại điện tử. Theo Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, doanh nghiệp bị cấm tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia và quảng bá hoạt động tài trợ của nhà sản xuất rượu bia.

Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao Heineken Việt Nam cho rằng, nếu doanh nghiệp tài trợ sự kiện, chương trình thể thao, văn hóa, giải trí mà không được quảng bá, gắn tên khiến cho doanh nghiệp không có danh nghĩa gì khi tài trợ. “Điều này chẳng khác gì chúng tôi bị cấm tài trợ cả”, ông Matt nói.

Thêm vào đó, đại diện Heineken Việt Nam cho biết, đây sẽ là một dấu chấm hết cho nhiều hoạt động thể thao, âm nhạc được các doanh nghiệp bia, rượu đưa về Việt Nam trong khi họ không quảng bá việc tài trợ cho những chương trình này.

Bà Đào Thị Thu Hiền, đại diện Công ty Carlsberg Việt Nam cho biết, việc các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia hiện nay tài trợ trong nhiều trường hợp đều mang lại cho cơ quan, tổ chức Nhà nước nguồn thu đáng kể. Thậm chí, nếu như làm theo Dự thảo Luật này thì ngay cả việc các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia muốn tài trợ xây trường học cũng không được phép nữa. Do vậy, nên xem xét lại điều luật này để làm cho phù hợp.

Đại diện của Heineken Việt Nam cũng cho rằng, để giảm thiểu tác hại của đồ uống có cồn, cần hướng đến việc giáo dục thay đổi hành vi sử dụng đồ uống có cồn và quản lý chặt đồ uống có cồn trái phép.

Lấy ví dụ về chương trình khuyến mại như “99.000 đồng uống bia thả ga” tại một số nhà hàng, quán bia, ông Matt Wilson cũng nêu quan điểm đồng tình với việc hạn chế khuyến mại nếu nhằm hạn chế việc lạm dụng uống quá mức, tuy nhiên các điều khoản trong Dự thảo Luật cần quy định chi tiết hơn việc cấm khuyến mại như thế nào.

Ông Matt dẫn chứng, “Nếu chúng tôi có sản phẩm mới và tặng mẫu dùng thử thì là khuyến mại, như vậy không biết sẽ bị hạn chế thế nào. Với các chương trình giới thiệu sản phẩm mới, chúng tôi sẽ không tặng số lượng lớn mà chỉ là mẫu dùng thử. Nếu việc tặng như vậy cũng bị cấm thì e rằng không hợp lý”.

Trong khi đó, về vấn đề bán rượu, bia trên mạng, bà Lê Thị Thùy Trang, Quản lý Pháp chế Cấp cao của Công ty Cổ phần TiKi cho rằng, sàn giao dịch thương mại điện tử cũng chỉ là một kênh bán hàng bình đẳng như những kênh bán hàng khác nên không có cớ gì cấm bán hàng trên đó.

Bên cạnh đó, bà Trang cho rằng, chúng ta chưa thấy được hết ưu việt của sàn giao dịch điện tử. Thực ra, mua bán trên sàn giao dịch điện tử là minh bạch nhất khi mọi thông tin đều được lưu lại và truy suất bao gồm người mua là ai, kê khai và nộp thuế,… Hơn nữa, những sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mới được đưa lên sàn giao dịch điện tử để bán.

Đồng tình với quan điểm này, ông Matt Wilson cho rằng, kênh bán hàng trên Internet thì không khác gì những kênh bán lẻ thông thường khác cả. Thậm chí nó còn tốt hơn khi có thể kiểm tra được chính xác độ tuổi người tiêu dùng khi phương thức này bắt buộc phải thanh toán qua thẻ ATM.

“Hiện nay cả nước đều đang tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, nên nếu cấm kinh doanh trên Internet sẽ là một bước thụt lùi. Do đó, nếu cho phép bán rượu, bia trên Internet thì nên yêu cầu người mua cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt là về độ tuổi, trước khi đồng ý cho mua để đảm bảo người tiêu dùng đó là phù hợp. Nếu khai thác đúng thì kênh bán hàng điện tử còn hiệu quả hơn kênh bán hàng thông thường nhiều lần”, ông Matt nói.

Cảnh báo về tác hại của các loại nước giải khát thế hệ mới
Nguy cơ gây các bệnh về răng lợi của các loại nước giải khát thế hệ mới đối với giới thanh thiếu niên cao hơn nhiều so với các loại nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư