Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long: Bỏ lọt quá nhiều lỗi
Ngọc Tuấn - 07/08/2017 09:45
 
Không chỉ đặt nghi vấn “chọn đắt - bỏ rẻ” do áp sai chỉ số liên quan tới giá đánh giá, các ứng thầu còn nghi ngại về sự ưu ái quá mức cho phía thắng thầu bởi phát hiện nhiều lỗi của nhà thầu trúng thầu được “bỏ qua”.
Nghi vấn bỏ lọt nhiều lỗi khiến chặng đường lựa chọn nhà thầu cung cấp thang máy cho Dự án Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long thêm gập ghềnh. Ảnh: Ngọc Tuấn
Nghi vấn bỏ lọt nhiều lỗi khiến chặng đường lựa chọn nhà thầu cung cấp thang máy cho Dự án Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long thêm gập ghềnh. Ảnh: Ngọc Tuấn

Bỏ lọt nhiều lỗi

Sau khi bài viết “Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long: Vì sao “chọn đắt - bỏ rẻ” được đăng trên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, Báo Đầu tư tiếp tục nhận được khá nhiều ý kiến từ các nhà thầu về những khúc mắc trong quá trình chấm thầu.

Đại diện nhà thầu Công ty TNHH Sinh Tài, ông Nguyễn Hữu Triều cho biết, trong các trang 79, 83, 84, 86 hồ sơ mời thầu yêu cầu, “thang máy đạt Quy chuẩn QCVN 02:2011/BLĐTBXH, quy chuẩn quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy điện” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, song khi chấm thầu, bên mời thầu đã “quên” yêu cầu trên đối sản phẩm do nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn thang máy thiết bị Thăng Long (nhà thầu Thăng Long) đề xuất.

“Thang máy là hàng hoá đòi hỏi tính chất an toàn cao, nên bắt buộc phải phù hợp với Quy chuẩn QCVN 02:2011/BLĐTBXH. Thang máy tải bệnh thương hiệu Mitsubishi được chọn thầu không đạt quy chuẩn này”, ông Triều nói và khẳng định, nhà thầu Thăng Long không thể nộp được Giấy chứng nhận đạt QCVN 02:2011/BLĐTBXH trong hồ sơ dự thầu. Ông Triều cho rằng, “không có lý do để biện minh cho hành vi này của bên mời thầu”.         

Không chỉ vậy, đại diện nhà thầu Sinh Tài còn chỉ rõ, bất chấp việc Giấy chứng nhận ISO 14001 đã hết hiệu lực trước thời điểm đóng thầu, nhưng thang máy Mitsubishi vẫn được bên mời thầu đánh giá “đạt”.

Cần phải nhấn mạnh rằng, tại Mục 4.2, trang 43 nêu tiêu chí về tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết như sau: Hàng hoá được cung cấp không có ảnh hưởng tác động nhiều đến môi trường và đề xuất biện pháp giải quyết hợp lý (Có chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 còn hiệu lực) được đánh giá “đạt”; Hàng hoá được cung cấp có ảnh hưởng tác động nhiều đến môi trường và không có đề xuất biện pháp giải quyết hợp lý được đánh giá là “không đạt”.    

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết, theo thiết kế kỹ thuật, loại thang tải hàng hóa Mitsubishi không thể lắp chính giữa hố thang, mà chỉ có thể lắp lệch về một phía (cửa lùa). Vì bảo lưu quan điểm này, mà liên danh nhà thầu Toàn Tâm -  Công ty TNHH Thang máy Mitsubishi Việt Nam bị đánh giá “không đạt”. Trong khi đó, nhà thầu Thăng Long cũng đề xuất loại thang máy này thì được đánh giá “đạt”.

“Sau khi khảo sát thực tế tại công trình, thì hố thang tải hàng hoá P11, P12, P13 đều không đủ điều kiện để lắp đặt theo tiêu chuẩn của Hãng Mitsubishi. Cụ thể, hố PIT chưa có vách, vách hố thang là tường gạch, không có cột, đà bê tông cốt thép. Vì vậy, muốn lắp đặt được thang Mitsubishi, thì cần phải cải tạo lại nhiều hạng mục như trụ bê tông cốt thép, đà bê tông ngăn cách vách thang và đục bê tông sửa lại hố PIT, chống thấm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết cấu của cả tòa nhà”, nguồn tin trên cho biết.  

Nguồn tin của một liên danh nhà thầu khác đã “tố” thêm, chủ đầu tư bỏ qua cho nhà thầu Thăng Long về các nội dung liên quan đến khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng. Theo đó, Điểm 5, Mục 2.1 (trang 36, hồ sơ mời thầu) có quy định: “Nhà thầu cung cấp bản chứng thực tài liệu chứng minh đơn vị bảo hành, bảo trì là đại diện bảo hành, bảo trì hợp pháp của chính hãng sản xuất tại Việt Nam…” và “Cam kết có khả năng bảo hành, bảo trì trong và sau thời hạn bảo hành”.

Nguồn tin trên khẳng định, nhà thầu Thăng Long không có quyền hợp pháp bảo trì thang máy Mitsubishi sau thời gian bảo hành vì Tập đoàn Mitsubishi Electric (Nhật Bản) chỉ cấp quyền này cho công ty con của mình tại Việt Nam là Công ty TNHH Mitsubishi Việt Nam.

Để xác thực thông tin này, nguồn tin giấu tên cung cấp cho phóng viên Báo Đầu tư Chứng thư số hiệu BOC-B20170530-LCV01 đề ngày 30/5/2017 do Tập đoàn Mitsubishi Electric.

Bên trúng thầu đang “điếc chiến thuật”?

Trước những thông tin trên, phóng viên Báo Đầu tư đã liên lạc với đầu mối thông tin của nhà thầu Thăng Long để tìm hiểu quan điểm của nhà thầu này về các vấn đề nghi vấn nêu trên.

Ngày 1/8/2017, Báo Đầu tư cũng có Công văn số 17/BĐT-VPHCM gửi Công ty TNHH Tập đoàn thang máy thiết bị Thăng Long đề nghị nhà thầu này có văn bản để phát ngôn chính thức. Tuy nhiên, cho tới cuối tuần qua, thay vì có văn bản trả lời chính thức, phóng viên Báo Đầu tư chỉ được đề nghị “gặp để trao đổi”, “hỗ trợ” và “hợp tác thành công, hỗ trợ tốt nhất” (!?)

Chủ đầu tư bỏ qua cho nhà thầu Thăng Long về các nội dung liên quan đến khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng.

Về phía chủ đầu tư Dự án là Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, sau khi Báo Đầu tư đăng tải bài viết “Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long: Vì sai “chọn đắt - bỏ rẻ””, đại diện sở này có buổi làm việc trực tiếp với phóng viên để xác thực lại đơn kiến nghị của nhà thầu Sinh Tài. Song quan điểm của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long về việc thang máy Mitsubishi có phù hợp quy chuẩn Việt Nam hay không có thể sẽ gây nhiều tranh cãi.

Cụ thể, tại Văn bản số 1641/STY-KHTC, ban hành ngày 21/7/2017, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long nêu hồ sơ mời thầu không yêu cầu “Tất cả các thang máy tham gia chào thầu phải có giấy chứng nhận hợp chủng, hợp quy theo quy định”. Sở Y tế dẫn chứng, Mục 31 (Chỉ dẫn nhà thầu) yêu cầu “Nhà thầu phải có cam kết để chứng minh tính hợp lệ của hàng hoá”;  và “Về yêu cầu nhà thầu cấp bản công chứng hoặc chứng thực: Giấy chứng nhận hợp quy của đơn vị cấp giấy chứng nhận hợp pháp và công bố hợp quy của nhà thầu (đối với thang máy sản xuất trong nước)…”. Thêm nữa, QCVN 02:2011/BLĐTBXH nêu rõ, thang máy có đủ điều kiện lắp đặt đã được chứng nhập hợp quy, công bố hợp quy theo quy định. Từ dẫn chứng trên, Sở Y tế tĩnh Vĩnh Long kết luận, “hồ sơ mời thầu chỉ yêu cầu nhà thầu cam kết sẽ cấp chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với thang máy sản xuất trong nước trước khi lắp đặt là phù hợp với quy định hiện hành”.

Văn bản số 1641/STY-KHTC cũng dẫn chứng, thang máy hiệu Mitsubishi được lắp đặt ở nhiều công trình và đã vận hành, trong đó có cả thang bệnh viện. Thang máy đã vận hành là phải được chứng nhận và gắn dấu hợp quy theo quy định hiện hành. Do đó, nhà thầu có ý kiến rằng, “tất cả thang máy hiệu Mitsubishi và nhất là các thang máy bệnh viện hiện nay chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hợp chủng, hợp quy” là không có cơ sở và không đúng sự thật.

Cần nhấn mạnh lại rằng, với giá trúng thầu 22,988 tỷ đồng và quyết định loại 2 nhà thầu có giá thấp để lựa chọn nhà thầu có giá cao nhất khiến chủ đầu tư tuột mất cơ hội tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 4 - 5 tỷ đồng. Đặc biệt, cũng với nhãn hiệu thang máy Mitsubishi, song liên danh nhà thầu Toàn Tâm -  Mitsubishi Việt Nam chào giá “cực kỳ cạnh tranh” và có tỷ lệ giảm thầu không kém con số nêu trên.

Những bất hợp lý trên đây khiến các nhà thầu lo ngại về tính công bằng, minh bạch cũng như “sót của” cho ngân sách nhà nước. Báo Đầu tư sẽ tiếp tục chờ đợi quan điểm phản hồi từ bên thắng thầu và  UBND tỉnh Vĩnh Long về vấn đề này.

Hủy gói thầu thang máy Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long: Bỏ ngỏ nhiều nghi vấn
Chủ đầu tư là Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đã chính thức hủy đấu thầu, khép lại “cuộc đấu” gây tranh cãi. Tuy nhiên, gói thầu thang máy Dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư