Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long: Vì sao “chọn đắt - bỏ rẻ”?
Ngọc Tuấn - 03/08/2017 08:00
 
Từng bị hủy thầu do khiếu kiện, song có vẻ như, khoảng thời gian 1 năm nỗ lực tiếp theo của chủ đầu tư Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long có thể trở nên vô giá trị vì những nghi vấn thiếu minh bạch trong khâu chấm hồ sơ đề xuất tài chính gói thầu thang máy của Dự án.
TIN LIÊN QUAN

Giá cao trúng thầu 

Hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm thang máy vận chuyển bệnh nhân, khách hàng và tải hàng hóa thuộc Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long do Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư được phát hành ngày 15/2/2017. Mục tiêu gói thầu này là mua sắm, lắp đặt 5 thang máy vận chuyển bệnh nhân, 5 thang máy vận chuyển khách hàng và 3 thang máy tải hàng hóa.

Sau vòng chấm hồ sơ đề xuất kỹ thuật, có 3 nhà thầu lọt vào vòng chấm hồ sơ đề xuất tài chính là Công ty TNHH Sinh Tài, Công ty TNHH Tập đoàn thang máy thiết bị Thăng Long, liên danh Công ty TNHH Hoàng Phúc - Công ty cổ phần Thang máy Hoa Hoa (liên danh Hoàng Phúc - Hoa Hoa).

Tiến độ xây dựng Dự án Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi những lấn bấn trong thực hiện gói lắp đặt thang máy. Ảnh: Ngọc Tuấn
Tiến độ xây dựng Dự án Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi những lấn bấn trong thực hiện gói lắp đặt thang máy. Ảnh: Ngọc Tuấn

Theo biên bản mở hồ sơ đề xuất tài chính (cả 3 nhà thầu đều không có thư giảm giá), nhà thầu Sinh Tài đề xuất giá 18,8 tỷ đồng, nhà thầu Thăng Long là 22,988 tỷ đồng, Hoàng Phúc - Hoa Hoa là 17,4 tỷ đồng.

Căn cứ vào các quy định hiện hành về pháp luật đấu thầu, kết quả trên cho thấy, nếu không có lỗi nghiêm trọng trong các bước sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và xác định giá đánh giá, thì nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất sẽ trúng thầu. Tuy nhiên, theo thông báo từ chủ đầu tư (Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long), thì ứng thầu có giá dự thầu cao nhất, nhà thầu Thăng Long lại trúng thầu.

Như vậy, với kết quả trên, quyết định loại 2 nhà thầu có giá thấp để lựa chọn nhà thầu có giá cao nhất sẽ khiến chủ đầu tư tuột mất cơ hội tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 4,188 tỷ đồng (nếu chọn nhà thầu Sinh Tài), thậm chí là 5,588 tỷ đồng nếu chọn liên danh Hoàng Phúc - Hoa Hoa.

Chủ đầu tư hẳn phải có lý do khi quyết định kết quả trên thông qua Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu số 1572/TB - SYT do Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, do ông Mai Thanh Hùng ký ban hành ngày 14/7/2017. Song các nhà thầu cũng có lý do để phản ứng lại quyết định của chủ đầu tư.

Ý kiến từ các nhà thầu: Nghi vấn áp sai chỉ số liên quan tới giá đánh giá

Tại Mục 5 (tiêu chuẩn đánh giá chi tiết về tài chính), Mẫu số 02 (mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá áp dụng phương thức 1 giai đoạn, 2 túi hồ sơ), Thông tư số 05/2015/TT - BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 16/6/2015 hướng dẫn phương pháp xác định giá đánh giá. Theo đó, giá đánh giá được thực hiện theo theo công thức: GĐG = G + ΔG + ΔƯĐ . Trong đó, GĐG là giá đánh giá, G là giá dự thầu (do nhà thầu đề xuất), ΔG là giá trị được quy về mặt bằng xuất xứ hàng hoá, ΔƯĐ là giá trị cộng thêm đối với đối tượng không được hưởng ưu đãi (đối tượng ưu đãi là hàng hoá có chi phí sản xuất trong nước lớn hơn hoặc bằng 25%).

Hồ sơ mời thầu gói thầu nêu trên: thang máy có toàn  bộ thiết bị và phụ kiện đi kèm được nhập khẩu đồng bộ và trực tiếp từ một nước thuộc nhóm G7 hoặc nước thuộc EU thì ΔG = 0*G; thang máy có toàn bộ thiết bị và phụ kiện đi kèm được nhập khẩu đồng bộ và trực tiếp từ một trong các nước Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore, Ấn Độ và Hàn Quốc thì ΔG = 0,6*G; thang máy có thương hiệu G7, nhưng toàn bộ thiết bị và phụ kiện đi kèm được nhập khẩu đồng bộ từ những quốc ngoài 2 nhóm nêu trên thì ΔG = 1,7*G; thang máy có thương hiệu và xuất xứ thuộc các nước châu Âu (không thuộc G7) thì ΔG = 1*G và thang máy có thương hiệu không thuộc các nhóm nước nêu trên thì ΔG = 2,5*G.

Theo phương pháp này, nhà thầu nào có giá đánh giá thấp nhất sẽ trúng thầu. Trong phương pháp tính này là các chỉ số ΔG và chỉ số ΔƯĐ có vai trò trọng số có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chung cuộc. Do đó, việc chủ đầu tư áp 2 chỉ số vừa nêu đối với hàng hoá do các ứng thầu đề xuất cần thực sự khách quan và đảm bảo cơ sở khoa học.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hữu Triều, Giám đốc Công ty TNHH Sinh Tài cho biết, nhà thầu Sinh Tài dự thầu thang máy thương hiệu thang máy MP_Lifts được sản xuất tại nhà máy ở Tây Ban Nha và bảo hộ theo luật pháp Đức và sở hữu bởi Tập đoàn MAC GRUPPE GmbH (Tập đoàn MAC - CHLB Đức). Do đó, theo ông Triều, thang máy MP_Lifts phải là thương hiệu thang máy thuộc G7 và phải được áp ΔG = 0*G. “Tuy nhiên, bên mời thầu đã không đúng khi áp ΔG = 1*G khi cho rằng, thang máy MP_Lifts là thương hiệu và xuất xứ không thuộc G7”, ông Triều nói và cho biết thêm, trong quá trình làm rõ hồ sơ dự thầu, Sinh Tài đã cung cấp đầy đủ tài liệu như giấy chứng nhận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Stuttgart (Đức), Thư xác nhận của Tập đoàn MAC (Đức) để chứng minh MP_Lifts là thương hiệu G7. Ông Triều còn cho rằng, bên mời thầu để xảy ra thiếu sót trong quá trình chấm hồ sơ đề xuất tài chính khi không áp dụng ưu đãi (ΔƯĐ), mặc dù cấu thành chi phí sản xuất thang máy MP_Lifts có giá trị sản xuất trong nước đáp ứng 25%.

Liên danh nhà thầu Hoàng Phúc - Hoa Hoa cũng bị loại với kịch bản tương tự.

Liên lạc qua điện thoại với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Liên danh khẳng định, họ chào thầu thang máy thương hiệu Fuji được sản xuất tại Malaysia, xuất xứ Nhật Bản. Vị đại diện này cho rằng, đáng lẽ theo quy định trong hồ sơ mời thầu, thì thang máy Fuji phải được áp hệ số ΔG = 0,6*G vì là thương hiệu G7 và toàn bộ thiết bị và phụ kiện đi kèm được nhập khẩu đồng bộ và trực tiếp từ Malaysia. Tuy nhiên, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long áp ΔG = 2,5*G, vì có xác nhận cho rằng, “Tập đoàn Fuji không sản xuất thang máy”.

Quan điểm cứng rắn của chủ đầu tư

Sáng ngày 27/7/2017, trong buổi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, ông Trần Văn Út khẳng định, nhà thầu Sinh Tài không cung cấp được trang web của chính hãng Tập đoàn MAC, hoặc tài liệu chứng minh thương hiệu MP_Lifts đã được đăng ký bảo hộ theo luật định do Tập đoàn MAC đứng tên và sở hữu.

Về Giấy chứng nhận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Stuttgart có nội dung: “Công ty MAC GRUPPE GmbH có thành viên là Công ty MAC - PUAR.SA tại Tây Ban Nha có đăng ký hoạt động kinh doanh sản xuất thang máy, thang cuốn và thiết bị bị nâng hạ” chỉ khẳng định, Tập đoàn MAC sở hữu nhà máy sản xuất thang máy MP_Lifts và kinh doanh trong lĩnh vực thang máy. “Việc nhà máy sản xuất MP_Lifts (đặt tại Tây Ban Nha) thuộc sở hữu một doanh nghiệp Đức, không có nghĩa MP_Lifts là thương hiệu của Đức”, ông Út nói.

Ngoài ra, vị lãnh đạo Sở Y tế còn cho rằng, Thư xác nhận của Tập đoàn MAC khẳng định, thang máy thương hiệu MP_Lifts được kiểm soát bởi chính sách chất lượng, kỹ thuật và chế độ bảo hành của Tập đoàn MAC, chứ không đủ căn cứ chứng minh được rằng thang MP_Lifts có thương hiệu Đức. Không chỉ có vậy, chủ đầu tư còn cho biết thêm, khi kiểm tra trang web (do nhà thầu cung cấp) của Công ty MAC - PUAR.SA (Tây Ban Nha) tới thời điểm ngày 20/7/2017, không thấy thương hiệu MP_Lifts được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ Đức và không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến Tập đoàn MAC.

Về nội dung không áp dụng ưu đãi (với hàng hoá có chi phí sản xuất trong nước ≥ 25%) cho nhà thầu Sinh Tài, ông Út khẳng định, hồ sơ dự thầu của Công ty TNHH Sinh Tài không thể hiện sự nhất quán về xuất xứ hàng hoá do “nhà thầu không am hiểu về thuật ngữ xuất xứ hàng hoá”. 

Khoảng cách quá lớn trong quan điểm của các nhà thầu và chủ đầu tư về nội dung xác định giá đánh giá, việc áp chỉ số giá trị quy về mặt bằng xuất xứ hàng hoá, có thể, một lần nữa lại đe dọa tiến độ Dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư