Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Dự án năng lượng tái tạo rơi vào bế tắc
Thanh Hương - 23/09/2022 09:07
 
Dự án dở dang chưa chốt được phương án giá để thoát bế tắc, cơ chế cho các dự án mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn gặp khó về thẩm quyền quy định khiến phát triển năng lượng tái tạo gặp khoảng lặng.
Việc xác định sản lượng điện bình quân năm của các nhà máy điện gió, điện mặt trời để xác định giá điện sẽ phức tạp hơn các dự án năng lượng truyền thống.

Đàm phán giá khó nhanh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản phản hồi về các đề xuất của Bộ Công thương liên quan đến việc giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện (PPA) với chủ đầu tư trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công thương ban hành đối với các dự án chuyển tiếp và các dự án sẽ triển khai trong tương lai.

Từ kinh nghiệm đàm phán các dự án năng lượng truyền thống theo hướng dẫn của Bộ Công thương, EVN thấy rằng, đề xuất trên không khả thi trong điều kiện tại Việt Nam. Nguyên do là thời gian sẽ kéo dài và các dự án chuyển tiếp đã đầu tư ở nhiều giai đoạn khác nhau, đã thực hiện với khung giá điện không hồi tố lại được các năm trước khi đàm phán với số lượng lớn.

Bên cạnh đó, việc xác định sản lượng điện bình quân năm của các nhà máy điện gió, điện mặt trời để xác định giá điện sẽ phức tạp hơn các dự án năng lượng truyền thống và chưa rõ cơ quan nào xác nhận, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu này.

Ngoài ra, việc đàm phán theo tổng mức đầu tư do chủ đầu tư khai báo và sản lượng điện bình quân như trình bày trên đây sẽ phát sinh các vấn đề khó giải trình và nằm ngoài kiểm soát của EVN. Đơn cử, có thể xuất hiện tình huống các dự án nằm cạnh nhau nhưng có giá khác nhau, hoặc dự án vào vận hành thương mại trước có giá rẻ hơn dự án đưa vào vận hành thương mại sau.

Vẫn theo EVN, việc không kiểm soát được thời gian đàm phán PPA sẽ dẫn đến không kiểm soát được tiến độ vận hành thương mại điện gió, điện mặt trời theo nhu cầu tại từng thời điểm trong tương lai và việc này sẽ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện của hệ thống.

Ở kinh nghiệm quốc tế, EVN cũng dẫn chứng việc các nước đều chuyển sang cơ chế đấu thầu sau khi kết thúc giai đoạn giá FiT. Cụ thể, theo tài liệu “Đấu thầu năng lượng tái tạo - hiện trạng và xu hướng” của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) năm 2019, xu hướng chung về đấu thầu năng lượng tái tạo đều theo cách đấu thầu rộng rãi từng vòng, không đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư cho một dự án có sẵn.

Trước thực tế trên, EVN đã kiến nghị, trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay và không vượt quá khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công thương phê duyệt (việc chào giá và công bố công suất từng chu kỳ giao dịch tuân thủ quy định vận hành thị trường điện). Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương không giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện các dự án này.

Về dài hạn, EVN đề nghị áp dụng cơ chế đấu thầu theo 2 bước. Bước 1 là lựa chọn chủ đầu tư theo đúng Luật Đầu tư mới với quyết định chủ trương đầu tư có thời hạn nhất định. Sau một thời gian quy định, nếu chủ đầu tư không triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền thu lại dự án để giao chủ đầu tư khác. Bước 2 là các chủ đầu tư được lựa chọn tham gia thị trường điện hoặc tham gia đấu thầu để ký PPA và phát triển dự án; đơn vị tổ chức đấu thầu là Bộ Công thương.

Đối với đề xuất của Bộ Công thương về việc rà soát, xem xét lại hợp đồng giữa EVN và chủ đầu tư nhằm hài hòa lợi ích giữa bên bán - bên mua - người tiêu dùng điện và Nhà nước đối các dự án đã vận hành thương mại, EVN cho rằng, do các PPA được ký hiện nay là các PPA mẫu do Bộ Công thương ban hành, căn cứ của PPA là Luật Thương mại, Luật Điện lực và Luật Dân sự. Vì vậy, EVN đề nghị, việc hủy bỏ hoặc điều chỉnh nội dụng của PPA phải căn cứ vào các điều khoản của PPA đã ký và các luật trên.

Chờ quyết định cuối cùng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Bộ Công thương cho hay, Luật Điện lực, Luật Giá hay Nghị định 137/2013/NĐ-CP đều yêu cầu bên mua, bên bán phải đàm phán. Vì vậy, các đề xuất phải căn cứ quy định pháp luật. “Khi giá FIT hết hiệu lực thì đương nhiên phải về khung pháp lý hiện hành, là những thứ mà Bộ đã đề xuất”, vị này nói.

Cũng liên quan đến đề xuất của EVN, các nhà đầu tư ở lĩnh vực năng lượng tái tạo nhìn nhận rất khác nhau. Ông Nguyễn Mạnh Cường, nhà đầu tư có dự án điện gió tại Bình Thuận cho hay, nếu doanh thu không chắc chắn, thì nhà đầu tư không dám đầu tư, cũng không ngân hàng nào cho vay và huy động vốn cho năng lượng sẽ khó khăn.

Trong khi đó, chuyên gia tư vấn về năng lượng tái tạo Thu Lê cho rằng, đề xuất của EVN là hợp lý nhất, vừa tránh lãng phí nguồn, vừa đỡ được tài chính cho các dự án chuyển tiếp đang mòn mỏi đợi xác định giá và có nguy cơ phá sản hết lượt. “Giá cả hàng hóa do thị trường quyết định là quy luật bền vững. Nếu đàm phán, thì cũng phải quay về thị trường mới tránh được xin - cho và sau này lại thanh kiểm tra mệt mỏi, còn đàm phán chung chung thì sẽ khó biết bao giờ mới xong”, bà Thu Lê nói.

Như vậy, việc EVN - bên mua điện duy nhất hiện nay - cho rằng, việc đàm phán trực tiếp sẽ rất khó thành công dựa trên các kinh nghiệm và thực tiễn trong quá khứ khiến dự án năng lượng tái tạo đứng trước thách thức lớn. Khi EVN biết là khó đàm phán mà Chính phủ và Bộ Công thương vẫn quyết theo cách yêu cầu EVN phải đàm phán thì không biết bao giờ sẽ đàm phán xong.

“Nhưng nếu mua theo giá thị trường, thì có thực tế doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất điện không xác định được dòng tiền, nên sẽ khó xuống tiền lẫn đi vay để triển khai dự án. Trừ khi các dự án năng lượng tái tạo được làm để có mục đích khác về chứng chỉ xanh”, ông Nguyễn Bình, một nhà đầu tư năng lượng tái tạo khác nhận xét.

DPPA chuyển sang do Quốc hội quyết định

Cũng trong tình trạng “không nhanh được” là Cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Với thực trạng Luật Điện lực chưa cho phép mua bán điện trực tiếp ở Việt Nam, nếu áp dụng DPPA, Chính phủ phải cho phép một cơ chế thí điểm vượt qua khuôn khổ của pháp luật, diễn ra trong một quy mô và thời gian xác định, sau đó mới có thể nhân rộng, thậm chí là sửa đổi luật pháp.

Trong giai đoạn qua, Bộ Công thương đã xây dựng và lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế DPPA, với kế hoạch tổng công suất các nhà máy điện tham gia Chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp không quá 1.000 MW. Dự thảo đã được đăng tải công khai và được Bộ Công thương hoàn chỉnh theo đúng quy định.

Tuy nhiên, ngày 18/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2022/NĐ-CP về Quy chế làm việc của Chính phủ, thay thế Nghị định 138/2016/NĐ-CP và có những thay đổi liên quan trực tiếp tới việc ban hành Cơ chế DPPA.

Cụ thể, tại điểm b, khoản 2, Điều 5 của Nghị định 39/2022/NĐ-CP có quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như sau: “Quyết định thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 20, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” bao gồm “biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước…” và “biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động…”. Do vậy, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng là quy định thí điểm Cơ chế DPPA không thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ như trước đây.

Cũng tại điểm b, khoản 2, Điều 15, Luật Ban hành văn bản quy pháp pháp luật, Quốc hội quy định thẩm quyền của Quốc hội: “Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”.

Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành, Bộ Công thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan thực hiện các thủ tục để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm Cơ chế DPPA.

Ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc Dự án Vleep (có chức năng hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Cơ chế DPPA) cho biết, ngày càng nhiều tập đoàn quốc tế quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo và coi đó là một trong những yếu tố quyết định đầu tư. Nếu DPPA được thí điểm ở Việt Nam, thì đó sẽ là bước hiện thực hóa các cam kết quốc tế tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo các chuyên gia, khi có Cơ chế DPPA, hai bên mua và bán sẽ phải tự đàm phán theo cơ chế thị trường. Cơ sở tham chiếu giá sẽ là giá bán điện sản xuất đang được Bộ Công thương quy định. Tương tự, giá truyền tải điện và vận hành mà các bên phải trả cho EVN được tham chiếu theo giá chung hiện tại.

Thừa nhận Cơ chế DPPA sẽ bị trì hoãn thêm để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan về thẩm quyền ban hành, nguồn tin từ Bộ Công thương cũng cho biết, không có cách nào khác bởi Nghị định 138/2016/NĐ-CP đã hết hiệu lực.

Như vậy, các dự án năng lượng tái tạo dù là chuyển tiếp, dự án mới, hay muốn theo DPPA, đều đang đứng trước các thách thức rất lớn để phát triển tiếp trong thời gian tới.

Các bước đấu thầu năng lượng tái tạo theo xu hướng quốc tế

1. Xác định nhu cầu đấu thầu và phần lớn xác định nhu cầu cho từng loại công nghệ, trừ trường hợp Brazil (đấu thầu mua năng lượng không phân biệt loại hình công nghệ).

2. Yêu cầu đối với bên dự thầu sẽ là chủ đầu tư tự lo về đất đai, đấu nối với lưới điện và đánh giá tác động môi trường.

3. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu sẽ áp dụng theo hình thức giá (chiếm 50-70%) và các chỉ số khác như đóng góp với xã hội, nội địa hóa (chiếm từ 30-50%).

4. Ký và thực hiện PPA.

Nguồn: Tài liệu “Đấu thầu năng lượng tái tạo - hiện trạng và xu hướng” của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) năm 2019
Điện gió, mặt trời dở dang hay mới đều phải đàm phán với EVN để bán điện
Bộ Công thương đề nghị Chính phủ có chỉ đạo để Bộ này có cơ sở rà soát, xem xét lại hợp đồng giữa EVN và các nhà đầu tư ở các dự án đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư