Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Dự án Nhà máy dệt kim tại Bà Rịa - Vũng Tàu: Eclat Fabrics lại xin nâng tỷ lệ nhuộm
Thế Hải - 31/12/2017 09:29
 
Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam (EFV) tiếp tục kiến nghị cho phép nâng tỷ lệ nhuộm từ 10% lên 100% tại Dự án Nhà máy dệt kim trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 (Bà Rịa - Vũng Tàu).
TIN LIÊN QUAN

Tỷ lệ nhuộm thấp gây lãng phí đầu tư

Dự án Nhà máy dệt kim tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, 100% vốn Đài Loan, do Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam (EFV) làm chủ đầu tư, có tổng vốn 40 triệu USD, được cấp phép lần đầu năm 2007, chứng nhận thay đổi lần 3 vào năm 2012. Dự án có công suất 6.000 tấn vải/năm, tỷ lệ nhuộm 10% sản phẩm (tương đương 600 tấn/năm).

.
.

Mới đây, nhà đầu tư này đã có tờ trình gửi Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, xin nâng tỷ lệ nhuộm lên 100%.

“Việc hoạt động nhuộm với tỷ lệ 10% công suất các sản phẩm dệt như hiện tại gây nhiều trở ngại cho chúng tôi trong sản xuất, kinh doanh”, ông Hung Cheng-Hai, Tổng giám đốc EFV cho biết.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên, EFV đề đạt mong muốn này. EFV từng nhiều lần gửi đề nghị các cơ quan chức năng xin nâng tỷ lệ nhuộm lên 100%, nhưng do quan ngại về vấn đề môi trường trong dệt nhuộm mà đề đạt này chưa được chấp thuận.

Trong Tờ trình mới nhất do Tổng giám đốc EFV ký cho biết, EFV là nhà máy dệt vải, không phải là nhà máy chỉ nhuộm đơn thuần, các công đoạn sản xuất của nhà máy nằm giữa chuỗi cung ứng sản xuất của ngành may, từ công đoạn dệt vải tới định hình và hoàn tất vải, theo đó, nhuộm là một phần không thể tách rời trong công đoạn sản xuất gia công vải.

Nhà đầu tư này lập luận rằng, do bị hạn chế tỷ lệ nhuộm tại giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 và chứng nhận thay đổi lần thứ 3 năm 2012, nên dù Công ty đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất, nhưng Nhà máy vẫn không phát huy được hết thế mạnh và công suất, gây lãng phí đầu tư.

“Ngành dệt may Việt Nam vẫn còn hạn chế về mặt kỹ thuật, chưa phát triển được chuỗi cung ứng, 80% vải đang nhập khẩu, trong khi sản phẩm của EFV sản xuất tại Vũng Tàu chính là nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may trong nước. Các công đoạn sản xuất của EFV, bao gồm: dệt vải, nhuộm màu, xử lý định hình và hoàn tất vải là những công đoạn sản xuất nằm giữa chuỗi cung ứng dệt may mà Việt Nam đang rất thiếu”, đại diện Eclat Fabrics khẳng định.

Eclat Fabrics từng bị lo ngại “bức tử” sông Thị Vải

Thu hút đầu tư vào dệt, nhuộm là chủ trương của ngành dệt may nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, vốn là khâu yếu nhất, “nút thắt cổ chai” của ngành trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc Eclat Fabrics sau nhiều lần đề nghị nâng tỷ lệ nhuộm từ 10% lên 100%, mà chưa được chấp thuận không phải là không có lý do.

Lần giở hồ sơ, vào năm 2009, Công ty này từng có thời điểm bị cơ quan chức năng quan ngại về tỷ lệ 10% sản phẩm nhuộm trong giấy phép đầu tư.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, năm 2009, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, yêu cầu UBND tỉnh kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp phép cho Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam xả ra sông Thị Vải.

Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu rút lại nội dung cho phép 10% sản phẩm nhuộm trong dự án đầu tư dệt kim đã cấp cho Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam.

Eclat Fabrics Việt Nam thuộc Tập đoàn Eclat Textile Đài Loan. Nhà máy EFV tại Vũng Tàu chuyên sản xuất các loại vải dệt kim thời trang, vải thể thao, vải may quần áo cao cấp, vải kỹ thuật đa chức năng có tác dụng chống tia tử ngoại cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Lululemon…

Sở dĩ có việc này là do để bảo vệ nguồn nước sông Thị Vải khỏi ô nhiễm, trước đó, tháng 9/2006, Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không cấp phép đầu tư cho những dự án thuộc 5 ngành gồm nhuộm, thuộc da, chế biến tinh bột, mủ cao su và sản xuất hóa chất cơ bản ven lưu vực sông Thị Vải.

Sau rất nhiều chứng minh về công nghệ xử lý nước thải đảm bảo môi trường, EFV mới giữ được tỷ lệ 10% sản phẩm nhuộm.

Năm 2011, EFV được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép xả trực tiếp nước thải sau xử lý vào sông Thị Vải nếu đáp ứng được các quy định về bảo vệ môi trường. “Hiện tại, hệ thống xử lý nước thải của EFV xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột A trước khi thải ra sông Thị Vải, 40% nước thải sau khi qua xử lý và qua thiết bị thẩm thấu ngược RO được tái sử dụng cho sản xuất. EFV cũng đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy xả thải số 77/GP-UBND ngày 2/12/2015”, đại diện EFV cho biết.

Ngoài ra, EFV đã lắp đặt hệ thống đo lưu lượng và quan trắc liên tục tự động đối với 5 thông số (pH, độ màu, COD, Amoni, TSS), hệ thống này kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường từ giữa năm 2017.

Trong các kỳ thanh tra môi trường liên tiếp từ 2012 - 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, EFV đều không có vi phạm, ngoài ra, EFV đã đầu tư hệ thống lò hơi sử dụng khí thiên nhiên, không gây ô nhiễm không khí, không tạo ra chất thải công nghiệp.

Dẫu vậy, trong bối cảnh nhiều địa phương nói không với các dự án nhuộm, việc đồng ý tăng tỷ lệ nhuộm của doanh nghiệp này lên 100% vẫn chưa dễ có câu trả lời trong ngày một ngày hai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư