Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Dự án Trung tâm Thể dục - Thể thao Phan Đình Phùng: Dậm chân tại chỗ sau 9 năm chuẩn bị
Gia Huy - 02/03/2019 10:13
 
Dự án Trung tâm Thể dục - Thể thao (TDTT) Phan Đình Phùng mới (quận 3, TP.HCM), có tổng mức đầu tư ban đầu là 988 tỷ đồng, sau hai lần đội vốn lên tới 1.953 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý I/2018 và hoàn thành việc xây dựng trong vòng 24 tháng. Nhưng tới nay, dự án vẫn bất động và chưa biết bao giờ mới được xây dựng.
Dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng vẫn đang là bãi đất trống.
Dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng vẫn đang là bãi đất trống.

Từ dự án cấp bách

Được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1985, Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng từng tổ chức nhiều giải đấu thể thao khu vực và châu lục. Sau hơn 30 năm hoạt động, Trung tâm này đã xuống cấp khá nhiều.

Ngoài ra, kích thước sàn thi đấu cũng không còn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, ngành thể thao TP.HCM đã quyết định xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng đạt tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại, nhằm đăng cai các giải thi đấu lớn.

Tháng 3/2010, UBND TP.HCM đã có Văn bản số 1203/UBND-ĐTMT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương thực hiện thí điểm Dự án đầu tư Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Văn bản nêu rõ, dự án xây dựng trên diện tích 14.700 m2, gồm 4 mặt tiền là đường Võ Văn Tần là cổng chính, đường Nguyễn Đình Chiểu, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Pasteur. Tổng diện tích sàn xây dựng là 68.960 m2, bao gồm 2 khối công trình liên kết. Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 988 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án do nhà đầu tư gồm Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa và Công ty TNHH An Tạo hợp tác thực hiện. Trong đó, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Đền bù giải tỏa khoảng 543,4 tỷ đồng, chiếm 55%, Công ty An Tạo khoảng 444,6 tỷ đồng, chiếm 45%.

Phương thức đầu tư là nhà đầu tư ứng 100% vốn thực hiện Dự án, sau khi hoàn tất công trình, nhà đầu tư sẽ bàn giao lại toàn bộ cho Nhà nước quản lý, khai thác sử dụng.

Tiến độ thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2010 đến năm 2012, thời gian chuyển giao công trình là 2 năm.

Cũng trong văn bản này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khi đó là ông Nguyễn Thành Tài ký còn nêu rõ, do tính chất cấp bách của Dự án, cần thực hiện nhanh để đáp ứng nhu cầu tổ chức sự kiện thể thao quốc tế do Việt Nam đăng cai, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định nhà đầu tư (gồm Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa và Công ty TNHH An Tạo).

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP.HCM được bán chỉ định cho nhà đầu tư toàn bộ mặt bằng nhà, đất số 257 - đường Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1 với diện tích 2.350 m2, được xác định theo giá thị trường.

Tới ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 686/TTg-KTN, đồng ý cho UBND TP.HCM được áp dụng thí điểm hình thức BT và chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng BT thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng như đề nghị của UBND TP.HCM.

Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc, UBND TP.HCM được bán chỉ định cơ sở nhà, đất số 257 - đường Trần Hưng Đạo cho nhà đầu tư xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng theo giá thị trường phù hợp với quy hoạch của Thành phố.

Tới ngày 17/8/2011, Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) có Công văn số 876/TCTDTT-TC thống nhất về mục tiêu, yêu cầu, chức năng, quy mô, các tiêu chí xây dựng cụ thể của dự án đầu tư xây dựng mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng.

Thành dự án “đắp chiếu”

Kể từ khi được sự đồng ý của Thủ tướng đến nay, dự án trên vẫn không triển khai gì, nguyên nhân do nhà đầu tư “kêu” dự toán vốn 988 tỷ đồng là không đủ để thực hiện.

Năm 2013, UBND TP.HCM chọn phương án thiết kế kiến trúc cho công trình trên, nâng khái toán tổng mức đầu tư lên 1.352,7 tỷ đồng. UBND Thành phố bổ sung thêm khu đất tại số 3 - 3bis đường Phan Văn Đạt, quận 1 để thanh toán cho nhà đầu tư.

Đại diện Công ty Phát Đạt cho biết, hiện vẫn chưa xác định thời gian tiến hành xây dựng Dự án này, bởi tới nay, Chính phủ vẫn chưa chấp nhận để TP.HCM thanh toán thêm cho nhà đầu tư khu đất 3 ha tại trường đua Phú Thọ.

Đến năm 2016, UBND TP.HCM lại phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án với tổng vốn đầu tư đội lên 1.953 tỷ đồng. Kinh phí này bao gồm chi phí thiết bị và lãi vay trong thời gian xây dựng.

Tới cuối năm 2016, TP.HCM xác định sẽ đăng cai SEA Games 2021, nên quyết định phá bỏ nhà thi đấu này vào tháng 1/2017. Tới tháng 1/2018, TP.HCM đồng ý thay Công ty TNHH An Tạo thành Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (Công ty Phát Đạt) để cùng Tổng công ty Đền bù giải toả thực hiện dự án.

Theo thiết kế được thông qua, Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng sẽ bao gồm 2 khối: cụm nhà thi đấu chính và khu vực nhà tập luyện đa năng. Ngoài 2-3 tầng hầm để xe cùng với khối văn phòng, điểm nhấn của cụm nhà thi đấu chính là sân thi đấu với khán đài có sức chứa 4.000 chỗ, mặt sàn đấu có chu vi 40 x 60 m, bảo đảm tiêu chuẩn tổ chức tất cả các môn thể thao trong nhà, kể cả môn cần nhiều mặt bằng nhất cùng lúc là thể dục dụng cụ. Đi kèm là đầy đủ các phòng chức năng dành cho Ban Tổ chức giải, trọng tài, vận động viên, báo chí, kỹ thuật...

Nhà đầu tư sẽ được UBND TP.HCM hoàn trả vốn đầu tư bằng khu đất 257 - Trần Hưng Đạo, quận 1 và các khu đất có giá trị tương ứng với tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, sau đó Dự án vẫn biệt vô âm tín về ngày khởi công. Tới đầu tháng 7/2018, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thêm 3 ha đất tại trường đua Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) để thanh toán cho Công ty Phát Đạt, vì dự án đội vốn lên gấp đôi, với quỹ đất 257 - Trần Hưng Đạo và khu đất số 3 - 3bis Phan Văn Đạt (quận 1) thì không đủ để chủ đầu tư thực hiện dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Đại diện Công ty Phát Đạt cho biết, hiện vẫn chưa xác định thời gian tiến hành xây dựng dự án này, bởi tới nay, Chính phủ vẫn chưa chấp nhận để TP.HCM thanh toán thêm cho nhà đầu tư khu đất 3 ha tại trường đua Phú Thọ. Tiền để thực hiện dự án, hiện nay Phát Đạt đã chuẩn bị đủ và có thể tiến hành ngay việc thi công dự án nếu được thông qua việc giao thêm đất cho doanh nghiệp.

TP.HCM phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất của một số dự án
UBND TP. HCM vừa công bố văn bản với nội dung phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và mức hỗ trợ đào tạo,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư