Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dự án Vạn Phúc Riverside: Hệ lụy từ việc “tự nguyện nhường” dự án cho doanh nghiệp khác
Gia Huy - 18/06/2017 08:34
 
Sau loạt bài về Dự án Vạn Phúc Riverside (quận Thủ Đức, TP.HCM) đăng trên Báo Đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, sự biến hóa các nghĩa vụ qua việc doanh nghiệp này “tự nguyện nhường” dự án cho doanh nghiệp khác sẽ gây thất thoát tài sản nhà nước.

Không tính tiền quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa?

Năm 2001, UBND TP.HCM có Quyết định 8237/QĐ - UB về việc giao 5.084 m2 đất tại dự án trên cho Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Sài Gòn thực hiện một dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ,  công chức.

Sau đó, ngày 20/1/2004, UBND TP.HCM lại có Quyết định 256/QĐ - UB thu hồi hơn 177 ha đất (gồm cả 5.084 m2 thuộc dự án trên) và giao hơn 198 ha đất cho Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 (gọi tắt là Công ty quận 6) để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước.

Dự án Vạn Phúc Riverside dù đền bù giải tỏa xong, nhưng chủ đầu tư đã bán đất cho khách hàng. Ảnh: Gia Huy
Dự án Vạn Phúc Riverside dù đền bù giải tỏa xong, nhưng chủ đầu tư đã bán đất cho khách hàng. Ảnh: Gia Huy

“Sau khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước, Công ty quận 6 phải bàn giao toàn bộ diện tích trên cho UBND Thành phố để quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án thành phần quy hoạch được duyệt và theo quy định của pháp luật đất đai. Công ty quận 6 chịu trách nhiệm về nguồn vốn đầu tư và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của Dự án”, Quyết định 256/QĐ - UB nêu rõ.

Được biết, Công ty quận 6 được thành lập ngày 6/10/1990. Năm 1992, theo Quyết định 305/QĐ-UB ngày 31/12/1992, Công ty là đơn vị hạch toán độc lập và trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH Một thành viên.

Ngày 31/3/2005, UBND TP.HCM có quyết định 1400/QĐ - UB về việc thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp các công ty trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, theo đó, Công ty quận 6 được chọn là đơn vị tiến hành cổ phần hóa.

Sau khi cổ phần hóa, Công ty quận 6 chuyển thành Công ty cổ phần Đầu tư Bình Phú (Công ty Bình Phú) và đi vào hoạt động theo giấy đăng ký kinh doanh số 0300407614 cấp lần đầu ngày 12/9/2007 (Nhà nước giữ cổ phần chi phối, chiếm 60,25% vốn điều lệ). Đến năm 2012, Công ty này có vốn điều lệ là 35 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa Công ty quận 6, những khuất tất, đặc biệt là hoạt động liên quan đến Dự án Vạn Phúc Riverside đã được phản ánh, nhưng chưa được làm rõ.

Mặc dù, theo Nghị định 187/2004/NĐ - CP và Thông tư 114/2004/TT - BTC quy định giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa là giá do UBND cấp tỉnh quy định giá sát với giá đất thực tế của thị trường.

Trên thực tế, Dự án khu đô thị Hiệp Bình Phước là một dự án dở dang và có quyết định giao đất, nhưng khi cổ phần hoá được định giá trên sổ sách chỉ có giá trị hơn 87,4 tỷ đồng (năm 2005), sau đó, Công ty Bình Phú đầu tư thêm 13 tỷ đồng nữa và sau quá trình chuyển giao, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Vạn Phúc đã thanh toán cho Công ty Bình Phú 145 tỷ đồng. Trên sổ sách, số tiền trên được gọi là “thanh toán chi phí đã đầu tư”.

Trước những diễn biến trên, Chủ tịch HĐQT Công ty quận 6, ông Phạm Hữu Kiệt đã cho rằng, quyết định không đánh giá lại các sản phẩm dở dang là không tuân thủ quy định của pháp luật. “Trong quá trình hậu kiểm cổ phần hóa, việc quyết toán mà không định giá lại có thể sẽ bị coi là hành vi thiếu trách nhiệm, gây thất thoát tài sản nhà nước. “Đặc biệt, với số tiền quá lớn, hành vi trên sẽ là sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Kiệt cho biết.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, tại tiết B, khoản 1, Điều 19, Nghị định 187/2004/NĐ - CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần quy định: “Đối với diện tích đất Nhà nước đã giao cho doanh nghiệp xây dựng nhà để bán (hoặc cho thuê); xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng (hoặc cho thuê) thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá”.

Bán rẻ, hay cho không dự án?

Tại dự án Khu đô thị Hiệp Bình Phước, Công ty quận 6 được UBND TP.HCM giao đất theo 3 quyết định để thực hiện dự án. Việc giao đất được tiến hành như sau: Quyết định 256/QĐ - UB thu hồi 177 ha đất và giao 198 ha đất cho Công ty quận 6 để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước, sau đó bàn giao toàn bộ diện tích lại cho UBND TP.HCM để quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án thành phần; Quyết định 6495/QĐ - UB và Quyết định 6496/QĐ - UB giao Công ty quận 6 166.440 m2 và 206.439 m2 đất đầu tư xây dựng khu dân cư và công viên giải trí.

Năm 2012, Công ty quận 6  có vốn điều lệ là 35 tỷ đồng, nhưng chỉ tính riêng tại Khu đô thị Hiệp Bình Phước, doanh nghiệp này đã được giao các tiểu dự án, nếu tính theo giá trị tại thời điểm đó có giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Đến năm 2006, Công ty quận 6 xác định không có điều kiện tiếp tục thực hiện Dự án, nên ngày 15/11/2006, UBND TP.HCM ra Quyết định 5222/QĐ - UBND điều chỉnh, bổ sung các quyết định 256/QĐ-UB, 6495/QĐ-UB và 6496/QĐ-UB với nội dung: “Giao Công ty TNHH Vạn Phúc tổ chức xây dựng hạ tầng chung dự án và thực hiện dự án thành phần tại khu đất trước kia đã giao cho Công ty Xây dựng và phát triển kinh tế quận 6”. Với quyết định này, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Vạn Phúc được Công ty quận 6 “chuyển giao” các khu đất để đầu tư xây dựng khu dân cư. Xét trên bình diện pháp luật, việc chuyển giao dự án trên giữa 2 pháp nhân không phải là việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, luật sư Tuấn đặt vấn đề.

Cần phải nói thêm, cũng trong quá trình cổ phần hóa của Công ty quận 6, khi doanh nghiệp này là chủ đầu tư của Dự án Chợ Bình Phú và căn hộ tái định cư được chuyển đổi thành khu thương mại - dịch vụ, căn hộ và được chuyển giao cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển nhà Hoàng Phúc (trong đó Công ty Vạn Phúc chiếm 49%) làm chủ đầu tư dự án cũng chỉ tính bằng giá trị trên sổ sách.

Theo TS. Trần Quang Hùng, giảng viên ngành Quản trị kinh doanh - Kinh doanh Quốc tế, Đại học Ngoại thương TP.HCM, thì tại 2 dự án trên, đặc biệt là Dự án Khu đô thị Hiệp Bình Phước Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Vạn Phúc đều bất ngờ hiện diện bằng việc núp bóng hình thức “chuyển giao”. Đặc biệt, tài sản được chuyên giao từ doanh nghiệp cổ phần hóa (Công ty Bình Phú) đều không đưa quyền sử dụng đất vào để định giá doanh nghiệp cổ phần.

Dư luận đang chờ sự thanh kiểm tra đầy đủ và toàn diện về việc giao dự án Hiệp Bình Phước cho Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Vạn Phúc đối với giao dự án, thực hiện dự án, nộp tiền sử dụng đất, bồi thường cho dân và cả từ khoản tiền trả cho đơn vị bàn giao dự án (Công ty quận 6) khi cổ phần hóa.

Chủ đầu tư Dự án Vạn Phúc Riverside: “Vòng quay thần kỳ” đẩy giá 400%
Sau 13 năm, dù hạ tầng vẫn còn dang dở và chưa đủ điều kiện bán, nhưng đất nền tại Dự án Khu đô thị Vạn Phúc Riverside (quận Thủ Đức) vẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư