Thứ Tư, Ngày 02 tháng 07 năm 2025,
Dự kiến lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe ô tô lưu hành ở Việt Nam
D.Ngân - 12/05/2025 16:11
 
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tiến hành lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy và ô tô lưu hành tại Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc xây dựng lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải là cần thiết nhằm loại bỏ dần các phương tiện không đạt tiêu chuẩn, khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện sạch và thân thiện với môi trường như xe điện hoặc xe sử dụng công nghệ tiên tiến;

Ảnh minh họa

Đồng thời đây cũng là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển hệ thống giao thông bền vững, hiện đại và hướng tới xây dựng các đô thị xanh trong tương lai.

Dự thảo được xây dựng trên cơ sở đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe của người dân và môi trường sống, trong đó việc kiểm soát khí thải từ xe máy và ô tô cần được nhìn nhận như một phần trong tổng thể các giải pháp cải thiện chất lượng không khí đô thị, gắn với việc phát triển hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại và bền vững.

Theo đề xuất trong dự thảo, lộ trình sẽ được thí điểm trước tại các đô thị lớn có mức độ ô nhiễm không khí cao như Hà Nội và TP.HCM, sau đó sẽ được nhân rộng ra các tỉnh, thành khác trên cả nước, đi kèm với các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường truyền thông và áp dụng các chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, thích ứng và đồng thuận với chủ trương mới.

Việc kiểm soát khí thải cũng sẽ được kết hợp với các biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện sạch như hỗ trợ đổi xe, miễn giảm phí đăng kiểm hoặc cung cấp các ưu đãi tài chính đối với người dân chuyển sang sử dụng xe điện và các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch.

Cụ thể, đối với xe mô tô và xe gắn máy đang lưu hành, lộ trình kiểm định khí thải sẽ được triển khai theo từng giai đoạn: từ ngày 1/1/2027 áp dụng tại Hà Nội và TP.HCM, từ ngày 1/1/2028 mở rộng sang các thành phố lớn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế, và đến ngày 1/1/2030 sẽ áp dụng trên toàn quốc, với khả năng điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện thực tế của từng địa phương.

Về tiêu chuẩn khí thải, các mức áp dụng được phân loại rõ ràng theo năm sản xuất của phương tiện, trong đó xe mô tô sản xuất trước năm 2008 sẽ áp dụng mức 1, xe sản xuất từ năm 2008 đến 2016 áp dụng mức 2, xe sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2026 áp dụng mức 3 và từ sau ngày 1/7/2026 sẽ áp dụng mức 4;

Đối với xe gắn máy, các xe sản xuất trước năm 2016 áp dụng mức 1, từ năm 2017 đến 30/6/2027 áp dụng mức 2 và từ ngày 1/7/2027 trở đi áp dụng mức 4.

Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2032, tất cả xe mô tô và xe gắn máy lưu hành tại Hà Nội và TP.HCM phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải từ mức 2 trở lên, đồng thời các phương tiện lưu thông vào "vùng phát thải thấp" theo Luật Thủ đô cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn riêng do Hội đồng nhân dân thành phố quy định.

Đối với ô tô, dự thảo cũng đưa ra lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải phân thành 5 mức, tương ứng với năm sản xuất và loại phương tiện.

Cụ thể, các xe ô tô sản xuất trước năm 1999 sẽ áp dụng mức 1 ngay khi Quyết định có hiệu lực; ô tô sản xuất từ năm 1999 trở đi sẽ áp dụng mức 2; các xe sử dụng động cơ đốt trong sản xuất từ năm 2017 sẽ áp dụng mức 3 kể từ ngày 1/1/2026;

Ô tô mang biển số Hà Nội và TP.HCM sản xuất từ năm 2017 sẽ áp dụng mức 4 từ cùng thời điểm; các xe sản xuất từ năm 2022 sẽ áp dụng mức 4 từ 1/1/2026 và mức 5 từ 1/1/2028; riêng với các xe mang biển số Hà Nội và TP.HCM sản xuất từ năm 2022 sẽ áp dụng mức 5 sớm hơn, bắt đầu từ ngày 1/1/2027.

Nếu được thông qua, Quyết định mới sẽ thay thế Điều 4 trong Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô tham gia giao thông và ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.

Dự thảo cũng quy định cụ thể về niên hạn sử dụng và cách xác định năm sản xuất đối với xe cơ giới, trong đó xe tải và xe chuyên dùng có niên hạn tối đa 25 năm kể từ năm sản xuất, xe chở người từ 9 chỗ trở lên, xe chở học sinh và xe 4 bánh có gắn động cơ là 20 năm, trong khi xe chở người 4 bánh có gắn động cơ có niên hạn 15 năm.

Đối với các phương tiện không có hồ sơ hoặc tài liệu xác định được năm sản xuất thì sẽ được coi là đã hết niên hạn sử dụng và không được phép lưu hành.

Năm sản xuất của xe sẽ được xác định dựa trên các giấy tờ như giấy chứng nhận chất lượng kỹ thuật, phiếu kiểm tra xuất xưởng, thông tin gắn trên xe hoặc tài liệu do nhà sản xuất cung cấp, trường hợp không có đủ căn cứ pháp lý thì xe sẽ không được phép tiếp tục tham gia giao thông.

Nâng chuẩn khí thải ô tô
Tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô được kiểm soát nghiêm ngặt hơn sẽ tác động đến thị trường ô tô, đặc biệt là ô tô đã qua sử dụng. Tuy...
Bình luận bài viết này
  • Lợi Vĩnh Thành 21:21 | 15-05-2025
    Tiêu chuẩn khí thải ô tô: Xu hướng tất yếu cho một môi trường xanh hơn Ô nhiễm không khí vẫn đang là một thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia trên toàn cầu. Trong bức tranh đó, việc nâng cấp tiêu chuẩn khí thải ô tô trở thành một yêu cầu cấp thiết, không còn chỉ là bảo vệ môi trường, mà còn để đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Ở Việt Nam và các quốc gia phát triển hiện nay, những quy định về khí thải đang dần được siết chặt hơn, báo hiệu một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành công nghiệp ô tô. Việt Nam đã và đang dịch chuyển, nhưng còn khoảng cách với thế giới Hiện tại, Quy chuẩn QCVN 05:2013/BGTVT của Việt Nam vẫn đang áp dụng tiêu chuẩn tương đương mức Euro 2 - Euro 4, tuy nhiên, dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đang được lấy ý kiến sẽ tăng lên mức tương đương Tiêu chuẩn Euro 5 và Euro 6. Đây là một bước tiến đáng kể, thể hiện sự quyết tâm trong việc cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Dù vậy, nếu so với các nước phát triển, chúng ta vẫn có một khoảng cách nhất định. Châu Âu đã chuẩn bị cho Euro 7 từ năm 2025 đến năm 2027, trong khi Mỹ áp dụng tiêu chuẩn CAFE để giảm tiêu thụ nhiên liệu, còn Nhật Bản và Trung Quốc cũng đặt ra những quy định khí thải ngày càng nghiêm ngặt hơn. Những quốc gia này đã có các chương trình đồng bộ nhằm thúc đẩy việc phát triển, cải tiến xe điện, xe hybrid cùng với những chính sách tài chính để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Thị trường ô tô: Tác động và xu hướng tương lai Dĩ nhiên, tiêu chuẩn khí thải càng cao thì công nghệ ô tô càng phải cải tiến. Điều này đồng nghĩa với việc giá xe gần như chắc chắn sẽ tăng lên, đặc biệt là tại Việt Nam khi các hãng phải điều chỉnh công nghệ động cơ để đáp ứng quy định mới; trong số đó, ngoại trừ VinFast đã tiên phong trong công nghệ xe điện, các hãng khác vẫn chưa có bất cứ thông tin nào được công bố chính thức khi chỉ tham gia với tư cách các đơn vị lắp ráp cho các thương hiệu quốc tế. Nhưng sự thay đổi này không chỉ mang đến thách thức, nó còn mở ra một cơ hội lớn. Xe điện và xe hybrid đang ngày càng phổ biến, trở thành lựa chọn thay thế không chỉ vì chính sách khí thải, mà còn vì lợi ích kinh tế dài hạn. Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả năng lượng và sự thân thiện với môi trường, và điều đó sẽ tạo áp lực buộc ngành công nghiệp ô tô truyền thống phải chuyển hướng. Theo đó, tại các quốc gia khác, các hãng xe truyền thống như Ford, Toyota, Honda hay các thương hiệu xe điện như Tesla, BYD, NIO đều đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ xanh, nguồn nhiên liệu mới để thay thế nhiên liệu hoá thạch. Đây không còn là một trào lưu nhất thời mà là một xu hướng tất yếu, sớm hay muộn, tất cả sẽ phải thích nghi. Không chỉ là quy định, mà là trách nhiệm Tiêu chuẩn khí thải ô tô không đơn thuần là những con số kỹ thuật. Đằng sau đó là câu chuyện về sức khỏe con người, môi trường và tương lai của ngành giao thông. Khi các quốc gia siết chặt quy định, họ đang gửi đi một thông điệp rõ ràng: không thể tiếp tục theo đuổi những công nghệ cũ mà bỏ qua tác động tiêu cực đến môi trường. Việt Nam đang đi trên con đường chuyển đổi, nhưng để bắt kịp thế giới, chúng ta cần có những chính sách mạnh mẽ hơn, từ ưu đãi tài chính đến xây dựng hạ tầng cho xe điện. Quan trọng hơn cả, chính người tiêu dùng cũng cần chủ động thay đổi tư duy, để hướng tới một giao thông xanh hơn, sạch hơn và bền vững hơn. Lời kết Không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc chơi này. Việc nâng cấp tiêu chuẩn khí thải là bước đi tất yếu, không chỉ giúp cải thiện chất lượng không khí mà còn mở ra những cơ hội mới cho ngành ô tô và giao thông đô thị. Chuyển đổi sang phương tiện xanh không phải là một điều xa vời, nó đã bắt đầu và sẽ ngày càng trở thành chuẩn mực trong tương lai gần.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư