Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Du lịch châu Á - Thái Bình Dương sẽ phục hồi sớm nhất thế giới vào năm 2023
Đông Phong - 19/10/2022 06:12
 
Châu Á - Thái Bình Dương có thể là khu vực chứng kiến ngành du lịch phục hồi sớm nhất vào năm 2023, theo đánh giá của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới.
Năm 2022, ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng mạnh mẽ sau khi nhiều quốc gia trong khu vực nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP
Năm 2022, ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng mạnh mẽ sau khi nhiều quốc gia trong khu vực nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Triển vọng tích cực trong năm 2023, 2024

Theo Báo cáo "Tác động kinh tế du lịch và lữ hành" năm 2022 - một ấn phẩm thường niên của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), so với đại dịch Covid-19, doanh thu du lịch năm 2020 của châu Á - Thái Bình Dương giảm mạnh hơn (59%) so với các khu vực khác.

Các nỗ lực phục hồi đã dập tắt vào năm 2021 khi hầu hết các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Đóng góp của ngành du lịch vào GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng lên 16%, thấp hơn mức 28% ở châu Âu và 23% ở Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách này trong năm nay, với doanh thu đóng góp vào nền kinh tế khu vực ước tăng khoảng 71%.

Trong năm 2022, ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu khôi phục trở lại sau khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được nới lỏng đầu tiên ở Ấn Độ và Australia, sau đó là Malaysia và Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Theo dự báo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2023 và đón thêm một năm tăng trưởng tích cực vào năm 2024.

So với trước đại dịch, doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp thêm 32% vào GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025, vượt xa các khu vực khác ngoại trừ Trung Đông (30%).

Báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới ước tính tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của nền kinh tế toàn cầu sẽ là 2,7% trong giai đoạn 2022 - 2032. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, đóng góp của ngành du lịch vào nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,8%.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng GDP khu vực thậm chí còn cao hơn, với tốc độ tăng trung bình hàng năm là 8,5%.

Đón thêm 126 triệu việc làm

Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới dự đoán ngành du lịch toàn cầu sẽ có thêm 126 triệu việc làm mới trong 10 năm tới. Trong số này, khoảng 65% sẽ đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, dưới một nửa số việc làm mới của ngành du lịch sẽ đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngành du lịch Indonesia, Thái Lan và Philippines cũng được kỳ vọng có mức tăng trưởng việc làm rõ rệt trong thập kỷ tới, lần lượt có thêm 5,3 triệu, 3,5 triệu và 3,15 triệu việc làm mới.

Báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới lưu ý rằng khả năng phục hồi hoàn toàn của châu Á vào năm 2023 có thể bị đe dọa nếu Trung Quốc tiếp tục hạn chế du lịch quốc tế.

Theo đài CNBC, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 16/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết chính sách zero-Covid của nước này đã đạt được "kết quả tích cực", nhưng không đề cập liệu chính sách này có thay đổi hay không.

Để ngăn chặn số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến gần đây, giới chức Trung Quốc đã đóng cửa các địa điểm vui chơi giải trí ở Thượng Hải và các trường học ở thành phố Tây An (miền trung Trung Quốc), đồng thời áp dụng các biện pháp phong tỏa mới đối với hàng triệu công dân.

Chuyện “vượt bão” Covid-19 để hồi sinh của doanh nghiệp du lịch
Đến giờ này, những chủ doanh nghiệp du lịch đã tái sinh được còn thất thần khi kể lại những cuộc “vượt bão” Covid-19 của mình.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư