Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Du lịch Hà Nội đã và đang đã phục hồi mạnh mẽ
Hồng Hạnh - 15/07/2023 09:44
 
Sở Du lịch Hà Nội đã nỗ lực trong triển khai Chương trình 06, Nghị quyết 09 của Thành ủy bằng nhiều giải phải chủ động, sáng tạo. Nhờ đó, sau 2 năm đại dịch Covid-19, du lịch Hà Nội đã và đang phục hồi mạnh mẽ.

Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 06-Ctr/TU tại Hội nghị kiểm tra kết quả triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025, tại Sở Du lịch Hà Nội, ngày 14/7.

 Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 06-Ctr/TU phát biểu tại Hội nghị.


Hà Nội đã công nhận 32 điểm du lịch, khu du lịch cấp Thành phố

Trình bày Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Ngành du lịch của Thủ đô đã có sự phục hồi ấn tượng sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Ngành du lịch đã vượt trên 50% tất cả chỉ tiêu phát triển du lịch cả năm 2023, trong đó lượng khách du lịch quốc tế dự kiến đạt 75% mục tiêu cả năm.

6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách du lịch quốc tế đến đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa đạt 10,3 triệu lượt, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt 44.880 tỷ đồng, tăng 74,3% với cùng kỳ năm trước.

Giai đoạn 2016-2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng khá nhanh và ổn định, mức tăng bình quân đạt 10,1%/năm, hoàn thành vượt chỉ tiêu về tốc độ tăng trung bình từ 8-10%/năm. Năm 2020, 2021 do tác động của dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu, chỉ đạt 8,65 triệu lượt khách (năm 2020) và 4 triệu lượt khách nội địa vào năm 2021 (năm 2021 du lịch Hà Nội không đón khách quốc tế), bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020.

Năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% lượng khách năm 2019. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt khách, bằng 21,4% lượng khách quốc tế đến Hà Nội năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60.000 tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021 và bằng 57,8% tổng thu từ khách du lịch năm 2019. 

Năm 2022, Hà Nội vinh dự được nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á năm 2022” vào tháng 9/2022 và giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới năm 2022” vào tháng 11/2022 do tổ chức Du lịch thế giới World Travel Awards 2022 đề cử và bình chọn. 

Năm 2023, Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch. Đồng thời, Hà Nội có 48/103 nhà hàng đạt chuẩn Michelin Guide, trong đó, đặc biệt có 3 nhà hàng được gắn 1 sao Michelin - giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới.

Về dịch vụ du lịch đạt chuẩn, Hà Nội có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 6 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. 

Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phuc vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan và mua sắm.

Hà Nội có 1.488 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và 319 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được cấp phép hoạt động; 7.242 hướng dẫn viên du lịch đang hoạt động (5.039 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 2.113 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 90 thẻ hướng dẫn viên tại điểm). 

Thủ đô là địa phương tập trung nhiều số doanh nghiệp lữ hành quốc tế được cấp phép, chiếm hơn 35% của cả nước (cả nước hiện có 4.223 doanh nghiệp). 

Triển khai Luật Du lịch 2017 đến nay, UBND TP. Hà Nội đã công nhận 32 điểm du lịch, khu du lịch cấp TP. Cơ bản các điểm du lịch được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành du lịch. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, PGĐ Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nêu lên một số hạn chế như: Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa đồng bộ; đặc biệt rất thiếu các cơ sở lưu trú có chất lượng cao (hạng 4-5 sao) chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của khách du lịch; còn thiếu các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cuối tuần…

Cần nghiên cứu mô hình mỗi làng, mỗi xã là một điểm đến du lịch 

Sau khi nghe báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong - Trưởng BCĐ Chương trình 06-Ctr/TU đề nghị Sở Du lịch và các Sở, ngành tập trung làm rõ hơn một số nội dung gồm: Quy hoạch du lịch của Hà Nội tích hợp với quy hoạch Thủ đô; Hệ thống cơ chế chính sách, hạ tầng của du lịch Thủ đô; Phát triển du lịch văn hoá…

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, chương trình 06 và Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội xác định rõ việc xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội.

Tại buổi làm việc, các Sở, ngành của TP. Hà Nội đã lần lượt có những chia sẻ, giải đáp, làm rõ thông tin về  về việc xây dựng khách sạn 4 - 5 sao, cơ sở lưu trú cho khách du lịch; chủ trương đầu tư, phát huy giá trị các di tích; chuyển đổi số; tu bổ, bảo tồn di tích gắn với việc phát huy giá trị, xây dựng điểm đến du lịch tại các đại phương; phát triển du lịch văn hoá; xây dựng quy trình, quy định thuận lợi về thủ tục hành chính cho khách du lịch; có cơ chế chính sách, cơ chế đầu tư ưu đãi cho phát triển du lịch…

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề xuất HĐND, UBND TP. Hà Nội quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng, trình ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch (hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, các điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp, đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao…) trên địa bàn Thủ đô. 

Đồng thời, quan tâm tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại về thủ tục đất đai, đầu tư liên quan đến loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, loại hình cơ sở lưu trú khách sạn nghỉ dưỡng nhỏ, homestay…

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề xuất HĐND, UBND TP. Hà Nội quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng, trình ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn Thủ đô. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, chương trình 06 và Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội xác định rõ việc xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội. Trong đó trọng tâm là giá trị của di sản và giá trị văn hoá tiêu biểu của Hà Nội. Tổng thể về phát triển du lịch cần có Nghị quyết cho giai đoạn tiếp theo, một chiếc lược dài hơn, cùng với đó là trách nhiệm của các địa phương.

Về cơ chế đặc thù, bà Vũ Thu Hà đề nghị Sở Du lịch Hà Nội đề xuất cụ thể bằng văn bản, tờ trình để UBND TP. Hà Nội giao các ngành, để ra các sản phẩm cụ thể, trình HĐND vào kỳ họp cuối năm.

Cùng với đó, Sở Du lịch Hà Nội cần khẩn trương đề xuất để UBND TP. Hà Nội giao nhiệm vụ và bố trí kinh phí xây dựng và vận hành hệ thống trang du lịch Hà Nội, đảm bảo một đầu mối xuyên suốt và vận hành chuyên nghiệp; Đài Truyền hình Hà Nội cần xây dựng kênh riêng về du lịch văn hoá Hà Nội để khớp nối tất cả sản phẩm du lịch đang rải rác trên nhiều nền tảng.

Riêng nhóm về đầu tư, từ chủ trương đầu tư các dự án, đặc biệt các di tích, vườn hoa, công trình văn hoá cần kèm theo phương án khai thác sử dụng hiệu quả, gắn với công nghiệp văn hóa và du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao cùng các đơn vị nghiên cứu phương án đầu tư 6 nhà hát để nâng cao hiệu quả.

Trên cơ sở các điểm đến tour đang khai thác, Sở Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội tập trung rà soát, hoàn thiện các tour du lịch để có sự liên kết, đảm bảo tính chuyên nghiệp; Thống kế, phân tích, đánh giá đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa và du lịch trong GRDP của TP. Hà Nội; rà soát vị trí việc làm về lĩnh vực du lịch tại các quận, huyện…

Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 06-Ctr/TU đánh giá, Sở Du lịch Hà Nội đã nỗ lực trong triển khai Chương trình 06, Nghị quyết 09 của Thành ủy bằng nhiều giải phải chủ động, sáng tạo. Nhờ đó, sau 2 năm đại dịch Covid-19, du lịch Hà Nội đã và đang phục hồi mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Văn Phong chỉ đạo, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội cần quan tâm đến việc quy hoạch du lịch; đeo bám để biết những nội dung đề xuất có được cập nhật, tiếp thu hay không; có tinh thần phản biện, sẵn sàng đấu tranh. Bởi, quy hoạch du lịch là quy hoạch đặc thù, không phải chỉ xây dựng, văn hoá, kinh tế mà là tổng hợp các lĩnh vực.

Về kế hoạch dài hạn, Sở Du lịch Hà Nội cần tham mưu để sơ kết Nghị quyết 06 để có giải pháp cho giai đoạn tới thay đổi, mạnh dạn hơn. Trong đó tập trung vào việc tham mưu cho Thành phố những quan điểm mới, vượt ra ngoài cách thức, mục tiêu cũ về phát triển du lịch. 

Đồng thời, cần tổng hợp các cơ chế chính sách liên quan đến 3 nhóm: Thúc đẩy phát triển cộng động và những điểm đến gắn với làng xã, địa phương; chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp cho các khách sạn đẳng cấp quốc tế, đáp ứng nhu cầu tổ chức sự kiện quốc tế; tham mưu chính sách để tổ chức các sự kiện văn hoá, nghệ thuật, thể thao, du lịch quốc gia và quốc tế mang tính chất thường niên.

Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội và các Sở, ngành cần nghiên cứu mô hình mỗi làng, mỗi xã là một điểm đến du lịch, gắn với các sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới nâng cao; mạnh dạn truyền thông quốc tế theo thị trường khách du lịch; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu giải thưởng du lịch của TP. Hà Nội dành cho doanh nghiệp, cộng đồng, làng nghề…

Phấn đấu đến năm 2025, phục vụ trên 30 triệu lượt du khách
Thành phố Hà Nội đặt mục đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tạo bước phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch Thủ đô cả về quy mô, chất lượng, cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế, từng bước khẳng vai trò là ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực khác.
Tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với du lịch, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", “Thành phố vì hòa bình”; thực hiện các cam kết với UNESCO về “Thành phố sáng tạo”.
Tập trung hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế sẵn có là kết tinh, hội tụ của các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, con người của Thủ đô Hà Nội; hình thành các ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp bổ trợ du lịch như: hoạt động kinh tế đêm, công nghiệp văn hóa,...
Từng bước phấn đấu đưa Hà Nội nằm trong nhóm thành phố có ngành Du lịch chuyên nghiệp, phát triển có thương hiệu, sản phẩm uy tín, có các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.
Phấn đấu đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành du lịch vào GRDP TP phấn đấu đạt trên 8%. Công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn, lưu trú đạt trên 55%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư