Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Du lịch Ninh Bình - Dấu mốc vàng son
Quý Hưng - 29/04/2023 10:15
 
Trong tiến trình phát triển hơn 1.000 năm của mảnh đất Cố đô “địa linh nhân kiệt”, nơi ra đời của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nơi sơn thủy hữu tình, non xanh nước biếc, du lịch Ninh Bình đã ghi dấu mốc vàng son.
Toàn cảnh chùa Bái Đính
Toàn cảnh chùa Bái Đính

Hướng mở của du lịch Ninh Bình

Đúng dịp kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, Ninh Bình được Forbes - tạp chí uy tín và danh giá của Mỹ - bình chọn là một trong 23 điểm đáng đến nhất thế giới, là viên ngọc ẩn giấu của châu Á với phong cảnh đẹp như tranh cùng nền ẩm thực độc đáo.

Ninh Bình có núi, có đồng bằng, có biển, mang đủ sắc thái của nước Việt Nam thu nhỏ. Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình Karst đa dạng, hệ động thực vật trải qua hàng ngàn vạn năm biến thiên của trái đất đã ban tặng Ninh Bình nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, như Quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, suối nước khoáng nóng Kênh Gà, biển Kim Sơn, hồ Yên Thắng, Đồng Thái, Đồng Chương…

Đất này là nơi khai sinh Nhà nước Đại Cồ Việt, đậm đặc di tích lịch sử văn hóa với 1.821 di tích, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp quốc gia, 289 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó, còn có những di tích độc đáo, vô giá, như chùa Bái Đính, chùa Nhất Trụ, nhà thờ đá Phát Diệm…

Ninh Bình còn có 260 lễ hội truyền thống đặc sắc, như lễ hội Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Tràng An, lễ hội đền Thái Vy, chùa Địch Lộng, đền Nguyễn Công Trứ…; là đất tổ hát Xẩm, hát Chèo; quê hương của thịt dê, cơm cháy nức tiếng gần xa.

Hòa vào công cuộc đổi mới của đất nước, nhận thức sâu sắc, trân trọng những giá trị lịch sử văn hóa vô giá của cha ông để lại cùng tiềm năng, lợi thế, giá trị “trời cho”, những thập kỷ qua, Đảng bộ tỉnh Binh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước và hướng tầm quốc tế, cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp đi đầu thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chủ trương chiến lược đó đã được chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng nhân dân đồng tâm, hợp lực triển khai thực hiện. Trong công cuộc “dời non lấp biển” ấy, đã xuất hiện những đầu tàu động lực cho công cuộc phát triển du lịch Ninh Bình.

Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới
Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Di sản thế giới - đầu tàu phát triển

Trong số những nhà đầu tư, doanh nghiệp hưởng ứng chủ trương phát triển du lịch của tỉnh, Xuân Trường là doanh nghiệp tiên phong. Năm 2000, Doanh nghiệp Xuân Trường khởi công Dự án Xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An và chùa Bái Đính.

Quần thể trải dài trên diện tích rộng 12.252 ha, ôm trong mình bao la khung cảnh thiên nhiên độc đáo với những dãy núi đá vôi, hệ sinh thái, rừng cây, thảm thực vật, đồng lúa, hồ đầm, những dòng sông như Sào Khê, Ngô Đồng, sông Vọc, suối Tiên; những hang động như Thiên Hà, Thiên Thanh, động Tiên, động Tiên Cá, động Vái Giời, động Thủy Cung, hang Bụt, hang Tam Cốc, hang động Tràng An, hang Sinh Dược; những di chỉ khảo cổ học như hang Mòi, hang Bói, hang Trống, mái Óc, thung Bình, thành Hoa Lư; những di tích lịch sử oanh liệt gắn với 4 vương triều Đinh - Lê - Lý - Trần như cung điện Hoa Lư, đền Vua Đinh - Vua Lê, chùa Bích Động, chùa Bái Đính, hành cung Vũ Lâm cùng những thắng cảnh quý hiếm như vườn chim Thung Nham, Thung Nắng, hang Múa, rừng đặc dụng Hoa Lư...

Chùa Bái Đính với những công trình lớn đậm dấu ấn kiến trúc Việt là ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục: tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang La Hán dài nhất châu Á, tượng phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, quả chuông đồng lớn nhất, khu chùa rộng nhất, giếng ngọc lớn nhất và số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam. Ngoài ra, tại đây còn có những khách sạn hạng sang 5 sao, phòng họp và phòng ăn cấp cao có sức chứa hàng ngàn khách.

Sau 14 năm đầu tư xây dựng, Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - một dấu mốc vàng son, một bước ngoặt lịch sử, mở ra tương lai cho du lịch Ninh Bình. Danh thắng Tràng An đã trở thành hình ảnh thương hiệu, trở thành đầu tàu động lực cho “con tàu” du lịch Ninh Bình vươn ra biển lớn.

Từ dấu mốc này, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả về số lượng và chất lượng. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp đầu tư vào du lịch đã được ban hành. 83 dự án, với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng, đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư…

Đến nay, Ninh Bình có trên 800 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 10.000 phòng nghỉ, trong đó có 1 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao, 7 cơ sở đạt 3 - 4 sao và 30 cơ sở đạt 1 - 2 sao. Điển hình như Khách sạn Legend, Hidden Charm Resort, Khách sạn The Reed, Cúc Phương

Resort and Spa, Khách sạn Hoàng Sơn, Khách sạn Bái Đính, Thung Nham Resort, Tam Coc Garden…

Toàn tỉnh có gần 20 khu, điểm du lịch hấp dẫn, quy mô quốc gia và quốc tế, tiêu biểu như Khu du lịch sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính…

Các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương ngày càng chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng: du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng - nông thôn, du lịch  biển, du thuyền trên sông, du lịch vui chơi - giải trí - giáo dục, du lịch homestay, trải nghiệm, cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ từ ăn, nghỉ đến vui chơi - giải trí cùng các tour du lịch tham quan chùa Bái Đính về đêm…

Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước.

Lượng khách du lịch đến Ninh Bình năm sau cao hơn năm trước, nhất là khách quốc tế. Giai đoạn 2010 - 2019, tăng trưởng bình quân về lượt khách trên 11%/năm. Năm 2019, Quần thể danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính cùng du lịch Ninh Bình đã đón 7,65 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.671 tỷ đồng, tăng 12,5%.

Một lực lượng lao động lớn chuyển sang nghề mới với thu nhập ổn định cao gấp nhiếu lần làm nghề nông, như chèo thuyền, lái xe điện, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh, hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn, với mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Năm 2010, du lịch Ninh Bình tạo việc làm cho 8.550 lao động, đến năm 2019 tăng lên 21.500 người.

Quần thể danh thắng Tràng An trở thành “di sản sống” với 44.000 người dân ở khu vực này, làm phong phú thêm sinh kế của cư dân. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ, nông nghiệp hiện chỉ chiếm 15%.

Du lịch đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, đồng thời thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển, như xây dựng, giao thông, ngân hàng, in ấn - xuất bản, bảo hiểm, vận tải, lưu trú, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, tài chính...

Sự phát triển của du lịch đã giúp khôi phục lại nghề thêu ren Ninh Hải, gốm sứ Bồ Bát, đá mỹ nghệ Ninh Vân; góp phần phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới...

Đặc biệt, du lịch Ninh Bình trở thành một điểm đến không thể thiếu trong những tour du lịch các tỉnh, thành phố, từ đó đẩy mạnh phát triển du lịch cả nước.

Trong hành trình 1.055 Nhà nước Đại Cồ Việt, các thế hệ con cháu của Ninh Bình không những đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá của cha ông, các giá trị thiên nhiên đất trời ban tặng, mà còn viết tiếp những trang sử mới, đưa mảnh đất vàng son lấp lánh tinh thần quật cường dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, đưa “Vịnh Hạ Long trên cạn” trở thành điểm đến ấn tượng, độc đáo, quyến rũ, hòa với những điểm đến danh giá trong nước, khu vực và thế giới.

Du lịch Ninh Bình cho ta niềm tin vào tiềm năng và sức mạnh của du lịch Việt Nam, đã và sẽ xây dựng được những dự án du lịch mang sứ mệnh đầu tàu động lực, phát triển du lịch Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027
Ngày 26/10, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư