Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 09 tháng 08 năm 2024,
Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi: Nhiều thay đổi về mua, bán điện
Nguyễn Lê - 08/08/2024 16:38
 
Dự kiến trình Quốc hội thảo luận và thông qua ngay tại Kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024), Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (Dự thảo) đang được tích cực lấy ý kiến chuyên gia để hoàn thiện trước khi đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Nghĩa Đức

Nhiều thay đổi về mua, bán điện

Ngay tuần này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật Điện lực sửa đổi, tổ chức 3 cuộc hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo.

Bao gồm 9 chương với 119 điều, Dự thảo bám sát 6 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội, trong đó có hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường, đặc biệt là nội dung về phát triển thị trường bán điện cạnh tranh và phân phối điện.

Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý của lần sửa đổi này là những điểm mới của hoạt động mua bán điện (Chương V).

Chương này đã bổ sung hợp đồng kỳ hạn điện, là một hợp đồng tài chính phái sinh để các bên quản lý rủi ro khi tham gia thị trường điện.

Việc quy định hợp đồng kỳ hạn điện tại Luật là cơ sở pháp lý để hướng dẫn cơ chế thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hợp đồng này. Theo Bộ Công thương, đây cũng là yêu cầu cần thiết để xử lý các vấn đề bất cập của thị trường bán buôn điện hiện nay, tạo điều kiện mở rộng phạm vi thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tạo tiền đề cho thị trường bán lẻ điện sau này.

Ngoài ra, Dự thảo bổ sung trách nhiệm của Bộ Công thương ban hành các nội dung chính của hợp đồng kỳ hạn điện hướng dẫn triển khai trong thực tiễn, bổ sung quy định về mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện.

Một nội dung nữa cũng được bổ sung là quy định về hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện và bên mua điện, hợp đồng mua buôn điện và hợp đồng dịch vụ phụ trợ. Trong đó, Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm tra giá hợp đồng theo đề nghị của bên bán điện và bên mua điện, phù hợp với phương pháp xác định giá bán buôn điện do Bộ Công thương hướng dẫn. Quy định Bộ Công thương có trách nhiệm hướng dẫn các điều khoản chính của hợp đồng mua bán điện, hợp đồng bán buôn điện, hợp đồng dịch vụ phụ trợ áp dụng trên thị trường điện cạnh tranh, cũng đã được bổ sung.

Về các loại giá, điểm mới ở lần sửa đổi này là quy định Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá, thay vì Thủ tướng Chính phủ như hiện hành, đồng thời làm rõ việc Bộ Công thương hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện bình quân của đơn vị phát điện (để làm rõ việc tính toán bình quân khung giá phát điện theo đời sống kinh tế dự án) và khung giá bán buôn điện (tính toán bình quân khung giá bán buôn điện theo thời gian sử dụng và tính toán bình quân trong chu kỳ tính khung giá).

Vẫn theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Dự thảo đã bổ sung quy định về phạm vi xây dựng khung giá phát điện của đơn vị phát điện, giá hợp đồng mua bán điện. Theo đó sẽ không xây dựng khung giá phát điện, phương pháp xác định giá hợp đồng mua bán điện cho các nhà máy điện đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhà máy điện do Nhà nước độc quyền xây dựng và vận hành theo Điều 4 của Luật và nhà máy thủy điện nhỏ để đảm bảo tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách hiện hành cho các loại hình nhà máy điện này.

Trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà máy điện có tiêu chuẩn về giá phát điện của các nhà máy điện được thực hiện theo kết quả đấu thầu.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về giá tạm thời giữa bên bán điện và bên mua điện theo hướng trường hợp chưa thỏa thuận được về giá phát điện, giá bán buôn điện, thì bên bán điện và bên mua điện có quyền thỏa thuận mức giá tạm thời để áp dụng cho đến khi thỏa thuận được mức giá chính thức (luật hóa quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP).

Cần một chương riêng về giá điện

Góp ý hoàn thiện Dự thảo tại hội thảo đầu tiên do Thường trực Ủy ban Thẩm tra phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm đến vấn đề giá điện.

Dự thảo quy định, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh. Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh…

Tán thành quan điểm cần phải có sự điều tiết của Nhà nước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, ông Đặng Huy Đông nêu, một số học giả cho rằng, cần tuyệt đối hóa để thị trường tự điều tiết trên cơ sở cạnh tranh, không có sự can thiệp của Nhà nước. Nhưng theo ông, cần xem xét nhận thức lợi, hại một cách đầy đủ về quan điểm này.

Bởi, thực tế trên thế giới cho thấy, các nước có thị trường điện cạnh tranh “hoàn hảo”, tức là cạnh tranh tự do tuyệt đối, không có sự can thiệp của nhà nước lại là những quốc gia có giá điện cao nhất.

“Cần khẳng định, chính sự điều tiết giá điện của Nhà nước trong thời gian qua đã giúp giữ cho giá điện của Việt Nam duy trì ở mức phù hợp với khả năng chi trả của nền kinh tế, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Đó là thị trường có điều tiết của Nhà nước”, ông Đông bày tỏ quan điểm.

Cũng bàn về giá điện, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân dân nhận xét, Việt Nam hiện chưa có thị trường điện cạnh tranh, giá điện mang tính áp đặt cao, giá điện bán lẻ chỉ có tăng một chiều, chưa tương xứng với chất lượng, bất chấp sự đa dạng của nguồn cung và trồi sụt chi phí đầu vào khác nhau. “Đây là vấn đề cần nhận diện và xử lý ở lần sửa luật này, giá điện phải có lên, có xuống”, ông Phong nhấn mạnh. 

Chương 5 của Dự thảo mới nhất, theo ông Phong, nên có tên là “Hoạt động mua bán điện và giá điện”, thay vì chỉ là hoạt động mua bán điện. Vị chuyên gia này cho rằng, quy định của chương này có tính mơ hồ cao, thiếu định lượng.

Dự thảo chưa làm rõ các nguyên tắc xác lập giá điện thị trường là như thế nào và chưa nêu nội dung về phân cấp quản lý giá điện cùng cơ chế thị trường trong giá điện cho các nguồn phát điện (tái tạo, không tái tạo; mua - bán trực tiếp không qua EVN và các đối tượng sử dụng điện...). “Do vậy, cần thiết kế lại toàn bộ nội dung liên quan đến giá điện thành một chương riêng với đầy đủ nội dung cần thiết và tương xứng với tầm quan trọng của giá điện trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội và trong quản lý nhà nước về điện năng”, ông Phong góp ý.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Dự thảo cần được bổ sung quy định liên quan đến cơ chế kiểm soát, ngăn chặn, xử lý sự lạm dụng và lợi ích nhóm trong mua bán điện, nâng cao trách nhiệm của các bên có liên quan đến giá điện.

Cần một chương riêng về giá điện cũng là quan điểm nhận được sự đồng tình của một số vị chuyên gia khác.

Cho biết sẽ tiếp thu các góp ý để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài nói, hiện nhu cầu điện tăng gần giống như Quy hoạch Điện VIII, trong khi thời gian qua gần như không có nguồn điện nền nào đưa vào. Luật Điện lực (sửa đổi) là điều kiện tiên quyết để đưa các nguồn điện nền vào thông qua việc tạo hành lang pháp lý cho các dự án đầu tư; nếu không có nguồn điện nền thì năng lượng tái tạo cũng không thể phát triển được.

“Nhu cầu về điện đang rất cấp bách. Hiện có 12/15 dự án điện khí hóa lỏng (LNG) đã lựa chọn nhà đầu tư, nhưng chưa có phương án tài chính, trong đó nguyên nhân là do chưa có căn cứ pháp lý để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (bên mua) cam kết sản lượng tối thiểu đối với các nhà đầu tư”, ông Hoài nói thêm.

Thứ trưởng Hoài cũng nhấn mạnh, việc sửa Luật Điện lực vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài, nếu không giải quyết được các vấn đề về đầu tư, nhất là với các cam kết đã lựa chọn nhà đầu tư để huy động nguồn tài chính, thì rất khó cho việc đảm bảo an ninh năng lượng đến năm 2030. Vì thế, cơ quan soạn thảo mong muốn Luật Điện lực sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm nay (tại Kỳ họp thứ tám).

Đánh giá cao sự chủ động thẩm tra Dự án luật, song Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, chất lượng của Dự thảo phải được đặt lên hàng đầu; nếu đạt yêu cầu thì mới có thể trình Quốc hội thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.

Không để giá điện mờ mờ, ảo ảo

Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng, Dự thảo cần tách 1 chương riêng về giá điện. Thời gian qua, quy định về giá điện chưa rõ, chưa công khai, nhiều khi cứ mờ mờ, ảo ảo.

Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu thể hiện rõ tính chất giá điện theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong việc quy định giá điện và áp dụng giá điện trong thực tiễn. Quy định rõ giá bán điện lúc giờ cao điểm, lúc có ít người sử dụng điện. Cần có sự điều tiết giá điện. Khi vật tư, nguyên liệu (xăng, dầu, khí, than) đầu vào của nhà máy phát điện có thay đổi tăng, giảm giá, thì giá bán điện cho tổ chức, cá nhân mua điện cũng phải thay đổi theo. Cần quy định cụ thể cơ chế mua điện từ các nhà máy, cơ sở phát điện bảo đảm công khai, minh bạch và lợi ích của những tổ chức sản xuất điện năng.

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Từ ngày 15/5, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng một lần
Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2024.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư