Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dự thảo Thông tư cơ cấu nợ: Gỡ nghẽn dòng tiền, chỉ cơ cấu nợ cho doanh nghiệp có khả năng trả nợ
T.L - 20/04/2023 11:17
 
Dự thảo cũng quy định ngân hàng phải trích lập dự phòng 100% cho nợ cơ cấu lại, cán bộ cấp tín dụng không được xét duyệt cơ cấu nợ, tránh trục lợi chính sách.
TIN LIÊN QUAN

Cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ: Doanh nghiệp chỉ được cơ cấu nếu có khả năng trả nợ

NHNN vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về việc tổ hức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.  

Theo đó, về cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, dự thảo Thông tư quy định: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng đầy đủ 7 điều kiện.

Thứ nhất, khoản nợ phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Thứ ba, được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Thứ tư, khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ khi được cơ cấu lại.

Thứ năm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thứ 6, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khách hàng, không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thứ bảy, việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo Thông tư này được thực hiện từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Về giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ, dự thảo Thông tư quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này.

Khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trường hợp khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Số lãi phải thu của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư nảy, kể từ ngày được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo dõi, hạch toán theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng phải trích lập dự phòng 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu

Do nguồn lực thực hiện cơ cấu nợ là nguồn của chính các ngân hàng thương mại nên dự thảo Thông tư quy định, các ngân hàng đưa ra quyết định cơ cấu nợ dựa trên năng lực tài chính của mình, đồng thời đáp ứng trích lập dự phòng rủi ro 100% với các khoản nợ được cơ cấu. Tuy nhiên, dự thảo đưa ra hai phương án trích lập dự phòng.

Phương án 1, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định và thực hiện trích lập dự phòng đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Phương án 2 kéo dài thời gian trích lập dự phòng 100% ra hai năm: Đến thời điểm 31/12/2023: Tối thiểu 50% số tiền dự phòng phải trích lập quy định tại khoản 1 Điều này; Đến thời điểm 31/12/2024: Đủ 100% số tiền dự phòng phải trích lập quy định tại khoản 1 Điều này.

Ngăn trục lợi chính sách, cán bộ cấp tín dụng không được phê duyệt khách hàng được cơ cấu nợ

Nhằm đảm bảo chính sách cơ cấu nợ được thực hiện đúng đối tượng, dự thảo Thông tư quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm về quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư này đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi.

Các tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư này để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể 3 nội dung.

Thứ nhất, tiêu chí xác định khoản nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư này;

Thứ hai, trình tự, thủ tục, phân công, phân cấp, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm bảo đảm nguyên tắc cá nhân, bộ phận quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ không là cá nhân, bộ phận phê duyệt cấp tín dụng, trừ trường hợp việc cấp tín dụng do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc/Giám đốc, ngân hàng mẹ (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua.

Trường hợp việc xét duyệt cấp tín dụng và xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực hiện thông qua cơ chế hội đồng thì Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cấp tín dụng và ít nhất hai phần ba (2/3) thành viên Hội đồng xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải là thành viên của Hội đồng xét duyệt tín dụng;

Thứ ba, tần suất rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định pháp luật; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Các quy định trên đây phải đảm bảo rõ ràng, thống nhất, không đặt thêm nhiều điều kiện, thủ tục phức tạp gây khó khăn khi triển khai chính sách hỗ trợ này.

Ai sẽ hưởng lợi khi Thông tư cơ cấu nợ được ban hành 

Việc ban hành Thông tư về cơ cấu nợ trong bối cảnh nền kinh tế quý I/2023 gặp nhiều khó khăn rất được doanh nghiệp mong chờ.   

Theo đánh giá của NHNN, Thông tư này nếu ban hành sẽ có tác động tích cực trong tháo gỡ khó khăn về dòng tiền thông qua cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tương tự như đã triển khai trong giai đoạn dịch Covid-19.

Thông qua chính sách này, các doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, chưa có khả năng trả nợ TCTD đúng thời hạn đã thỏa thuận, có thể được kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu; nhờ việc được duy trì, giữ nguyên nhóm nợ, doanh nghiệp có điều kiện tiếp tục vay vốn phục hồi, duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn để trả nợ ngân hàng, tạo công ăn việc làm, cũng như tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước. 

Do chính sách được thực hiện từ nguồn lực của chính TCTD, không sử dụng nguồn chi từ ngân sách nhà nước nên không ảnh hưởng tới cân đối ngân sách cũng như không tác động tới sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ;

Quá trình thiết kế chính sách được cân nhắc, tính toán kỹ để bảo đảm TCTD thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ (trích lập 100% như trường hợp chuyển nhóm nợ sau khi cơ cấu), tạo bộ đệm tài chính xử lý khi phát sinh rủi ro.

Mặc dù vậy, NHNN cũng cảnh báo, việc cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ xấu tuy giúp khách hàng có điều kiện tiếp cận tín dụng song cũng sẽ mở rộng quy mô dư nợ cấp tín dụng và làm gia tăng mức độ rủi ro tín dụng tập trung vào các khách hàng có mức độ rủi ro cao và tăng nguy cơ phát sinh nợ xấu. 

Dự thảo Thông tư quy định tổ chức tín dụng (TCTD) phải trích lập dự phòng đầy đủ theo lộ trình như đối với trường hợp không được giữ nguyên nhóm nợ; TCTD không hạch lãi dự thu đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mà theo dõi ngoại bảng khi thu hồi được mới hạch toán thu nhập (quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính). Quy định này hài hòa lợi ích các bên.

Cụ thể, khách hàng sẽ được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ có khả năng trả nợ cho TCTD sau khi được cơ cấu nợ, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho khách hàng trong tương lai.

Trong khi đó, TCTD sẽ thu được nợ, có được lợi nhuận để phát triển hoạt động kinh doanh; không phải thực hiện các biện pháp xử lý để thu hồi nợ rất tốn kém và mất thời gian. TCTD có khách hàng tốt để tiếp tục cấp tín dụng và cung cấp các dịch vụ ngân hàng khác tạo thêm nguồn thu nhập tương lai cho chính ngân hàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư