Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dư thừa thịt lợn khiến CPI tháng 5 đột ngột giảm mạnh
Hà Nguyễn - 29/05/2017 17:02
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã bất ngờ giảm 0,53% so với tháng trước. Đây là “mức tăng” thấp nhất của CPI các tháng 5 trong vòng 10 năm qua.
.
Lạm phát của Việt Nam trong năm nay tính đến thời điểm này là 4,47%.

Sau khi “giậm chân tại chỗ” trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng bất ngờ giảm tới 0,53% trong tháng 5/2017. Số liệu này vừa được Tổng cục Thống kê công bố.

Với mức giảm khá mạnh này, thì CPI tháng 5/2017 đã tăng 3,19% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,37% so với tháng 12 năm trước. Trong khi đó, nếu tính bình quân, thì CPI 5 tháng đầu năm 2017 đã tăng 4,47% so với cùng kỳ.

Bất ngờ giảm mạnh 0,53%, nên đây là “mức tăng” CPI thấp nhất của các tháng 5 trong vòng 10 năm qua. Tháng 5/2013, CPI cũng giảm, nhưng mức giảm chỉ là 0,06%. Trong khi đó, năm 2008, CPI tháng 5 tăng tới 3,91% so với tháng trước.

Với diễn biến CPI tháng 5 như vậy, lạm phát của Việt Nam trong năm nay tính đến thời điểm này là 4,47%. Tuy mức tăng này khá tiệm cận với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay, nhưng đã thấp hơn so với mức tăng 4,96% của quý I/2017 và 4,8% của 4 tháng đầu năm. Như vậy, xu hướng lạm phát đang dần chậm lại.

Thậm chí, nếu tính lạm phát theo cách cũ - tức là CPI so với tháng 12 năm ngoái, thì hiện tại, lạm phát đang dừng ở mức 0,37% - một mức lạm phát rất thấp.

Quay trở lại với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2017, trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tính CPI, có 7 nhóm hàng tăng giá không đáng kể. Cụ thể, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; Giáo dục tăng 0,02%.

Trong khi đó, có tới 4 nhóm hàng giảm giá. Trong đó nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với mức giảm 1,43%; Giao thông giảm 0,34%; Bưu chính - viễn thông giảm 0,05%; Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,02%.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 5/2017 giảm khá mạnh là do chỉ số giá nhóm lương thực giảm 0,06%. Lý do là vì, các tỉnh phía Bắc đang bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, cùng với tình hình xuất khẩu lúa gạo giảm nên giá một số loại gạo giảm kéo theo chỉ số nhóm lương thực giảm so với tháng trước.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm mạnh 2,27% (nhóm hàng có tỷ trọng cao nhất trong nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống) làm CPI chung giảm khoảng 0,51%. Việc giá thịt lợn giảm 9,94% so tháng trước do nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu không tăng và nhiều tháng qua thương lái Trung Quốc hạn chế thu mua, là tác nhân quan trọng khiến CPI nhóm hàng này giảm mạnh.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, việc giá xăng dầu, giá gas giảm cũng tác động tới CPI tháng 5.

Trong khi đó, do thời tiết năng nóng nên nhu cầu sử dụng điện tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 0,98%. Thời tiết thay đổi nên nhu cầu mua sắm các thiết bị làm mát và quần áo, giầy dép mùa hè tăng cao. Đây là một trong những lý do khiến CPI tháng 5/2017 tăng.

Chuyện các địa phương siết chặt việc khai thác cát, doanh nghiệp đầu cơ tăng giá nên giá cát tăng mạnh, cũng là yếu tố tác động tới CPI của cả nước trong tháng 5 này.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5/2017 tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 1,33% so với cùng kỳ.

Năm tháng đầu năm 2017, lạm phát cơ bản tăng 1,56% so với cùng kỳ.

CPI tháng 3 chỉ tăng 0,21%, nhưng lạm phát đã 4,96%
Tổng cục Thống kê chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2017 tăng 0,21% so với tháng trước. Với mức tăng này, lạm phát của Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư