Thứ Năm, Ngày 01 tháng 05 năm 2025,
Đưa 281 lao động Việt Nam tại Libya về nước
Kỳ Thành - 05/08/2014 07:07
 
() Thủ tướng vừa có chỉ đạo yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương có kế hoạch đưa 281 lao động đang làm việc tại Tripoli và Bengazi về nước.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
113 lao động Việt Nam tại Libya đã về nước an toàn
Đảm bảo an toàn cho 1.550 người Việt ở Libya
Lừa đảo xuất khẩu lao động ở Thanh Hóa

Ngày 4/8, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn gửi Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về bảo hộ công dân Việt Nam tại Libya.

  Đưa 281 lao động Việt Nam tại Libya về nước  
  Năm 2011, đã có hơn 10.000 lao động từ Libya về Việt Nam. (Ảnh TTXVN)  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo tạm dừng việc đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya; Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya theo dõi sát tình hình, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có phương án, biện pháp bảo đảm an toàn tối đa cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương có kế hoạch đưa 281 lao động đang làm việc tại Tripoli và Bengazi về nước. Theo dõi sát tình hình thực tế, chuẩn bị phương án và thời điểm đưa toàn bộ lao động Việt Nam tại Libya về nước khi tình hình diễn biến xấu. Đồng ý cho sử dụng Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước để mua vé máy bay cho người lao động đối với những trường hợp chủ sử dụng lao động không có khả năng chi trả.

Trước đó, năm 2011, Việt Nam đã từng thực hiện chiến dịch giải cứu công dân lớn nhất, đó là đưa 10.334 lao động xuất khẩu Việt Nam an toàn rời khỏi Libya. Cuộc sống của hơn 10.000 lao động trở về Việt Nam đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành tập trung giải quyết.

Tuy nhiên, đến tháng 2/2012, sau khi tình hình quốc gia này ổn định, Bộ Lao động đã phối hợp với các Bộ, ngành thí điểm đưa lao động trở lại Libya làm việc. Lần này, điều kiện đảm bảo an toàn cho lao động xuất khẩu được đưa vào trong hợp đồng. Cụ thể, khi có bất ổn chính trị, diễn biến xấu, người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và phải có trách nhiệm đưa lao động về nước.

Với tình hình đang diễn ra phức tạp hiện nay tại Lybia, rất có khả năng chiến sự sẽ leo thang và lan rộng. Các nước có nhiều lao động tại Libya như Philippines và Thái Lan đã yêu cầu công dân rời khỏi nước này và khuyên người lao động về nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư