Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Đua nhau giảm lãi suất không hẳn vì ứ vốn
Thùy Liên - 19/07/2013 06:40
 
Sau khi BIDV, Vietcombank, Agribank giảm sâu lãi suất huy động, một số ý kiến cho rằng, hệ thống ngân hàng đang ứ vốn. Điều này liệu có chính xác?

Đại gia giảm lãi suất: không có gì khó hiểu

Đầu tuần này, BIDV công bố giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống 5%/năm sau khi Vietcombank và Agribank áp dụng mức lãi suất này. Tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng chỉ còn 6%/năm.

Giảm lãi suất chỉ dễ với ngân hàng lớn, còn nhiều ngân hàng nhỏ
vẫn chật vật huy động vốn

Theo chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc những ngân hàng trên giảm mạnh lãi suất huy động do thời điểm này vốn dư thừa, huy động vốn tiếp tục tăng, nhưng cho vay ra rất chậm.

Đơn cử, tại Vietcombank, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng âm, 3 ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV và VietinBank cũng tăng trưởng tín dụng thấp.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 30/6/2013, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 5,74% so với thời điểm 31/12/2012, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 11,2%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chỉ đạt 1,68%.

Nếu như trước đây, ngân hàng giảm lãi suất được coi là động thái để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thì đợt giảm lãi suất huy động vừa qua được coi là để các ngân hàng tự cứu mình. Lãi suất hiện nay không còn là vấn đề với doanh nghiệp nữa, mà vấn đề nằm ở đầu ra. Trong khi đó, với các ngân hàng, lãi suất lại trở thành vấn đề, khi chênh lệch huy động - cho vay đang xuống thấp, khiến lợi nhuận sụt giảm. Bên cạnh đó, dù dư thừa vốn, song các ngân hàng vẫn trong cảnh mất cân đối kỳ hạn (huy động chủ yếu kỳ hạn ngắn, trong khi cho vay nhiều ở kỳ hạn dài).

Việc một số ngân hàng quốc doanh hạ sâu lãi suất cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên, bởi với uy tín, thương hiệu, họ hoàn toàn có thể giảm sâu lãi suất, mà không ảnh hưởng đến huy động vốn, chưa kể, các ngân hàng này có nhiều nguồn vốn rẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khẳng định, ngân hàng quốc doanh có nhiều nguồn vốn rẻ, nên họ không cần thiết phải huy động vốn cao trên thị trường.

“Các ngân hàng quốc doanh huy động được rất nhiều nguồn vốn rẻ, như tiền giải ngân ODA, tiền gửi của kho bạc, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi thanh toán của các doanh nghiệp nhà nước… Theo quy định, các loại vốn trên chỉ được gửi ở ngân hàng quốc doanh, lãi suất thấp, nên chi phí huy động vốn của họ rất rẻ”, ông Nghĩa giải thích.

Vẫn còn trên chục ngân hàng thiếu vốn

Việc nhiều ngân hàng lớn giảm lãi suất là điều đáng mừng, song sẽ là quá lạc quan khi nghĩ rằng, cả hệ thống ngân hàng đang dư vốn, thừa thanh khoản. Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, hiện chưa có ngân hàng cổ phần nào hạ sâu lãi suất theo các ngân hàng quốc doanh, mà ngược lại, hầu hết các ngân hàng đều đua nhau tung ra các chương trình khuyến mãi mời chào khách gửi tiền.

Lý giải tình trạng trên, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định: “Vẫn còn khoảng trên chục ngân hàng thiếu vốn. Đó là lý do nhiều ngân hàng vẫn phải duy trì lãi suất cao”.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giảm lãi suất chỉ dễ với ngân hàng lớn, còn nhiều ngân hàng nhỏ thì vẫn chật vật huy động vốn và phải giữ lãi suất cao, do thời gian qua, một lượng vốn đáng kể của nền kinh tế đã dịch chuyển sang USD, vàng.

Theo nhiều ngân hàng thương mại, việc một số ngân hàng quốc doanh giảm sâu lãi suất là hoàn toàn hợp lý, song không nên áp đặt mức lãi suất này cho toàn hệ thống.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị, NHNN nên mạnh dạn bỏ trần lãi suất huy động, để các ngân hàng tự áp dụng lãi suất huy động và cho vay phù hợp với sức khỏe của mình.

Trên thực tế, mặt bằng lãi suất đang có sự phân hóa mạnh cả về huy động lẫn cho vay, mà không gây xáo trộn đến sự ổn định của toàn hệ thống. Đây cũng là quy luật tất yếu của thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư